PGS.TS Trần Lâm Biền:

Dâng sao giải hạn không hề dính dáng đến chùa, là biểu hiện của việc “nịnh hót” các... ngôi sao

VietTimes – “Trong cửa chùa, tinh thần tối thượng là điểm sáng của đạo, nơi để chúng sinh đến làm điều thiện trên nền tảng trí tuệ Phật, chứ không phải là nơi “thu thuế cho kẻ hoạt đầu”. Đã bao thế kỷ đạo Phật tồn tại ở nước ta, nhưng không ghi nhận có chuyện dâng sao giải hạn nơi cửa Phật.”
PGS. TS. Trần Lâm Biền: "Đã bao thế kỷ đạo Phật tồn tại ở nước ta, nhưng không ghi nhận có chuyện dâng sao giải hạn nơi cửa Phật”
PGS. TS. Trần Lâm Biền: "Đã bao thế kỷ đạo Phật tồn tại ở nước ta, nhưng không ghi nhận có chuyện dâng sao giải hạn nơi cửa Phật”

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao giải hạn.

Nhưng những năm gần đây, “phong trào” cúng sao giải hạn lại diễn ra “rầm rộ” ở các chùa, có buổi lễ hàng nghìn người dự, ngồi tràn cả ra đường, cho thấy sự không đồng nhất giữa giáo lý nhà Phật với việc thực hành giáo lý, khiến người dân hoang mang…

Để giúp bạn đọc có thêm thông tin xung quanh vấn đề đang “nóng” này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS.Trần Lâm Biền - một trong các “cây đại thụ” về nghiên cứu văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam.

Biểu hiện của việc “nịnh hót” các ngôi sao chiếu mệnh

- VietTimes: Thưa ông, việc cúng dâng sao giải hạn có nguồn gốc của Việt Nam chăng?

PGS. TS. Trần Lâm Biền: Việc cúng dâng sao giải hạn không phải của người Việt, nên trước đây không tạo thành phong trào như hiện nay. Mà, điều gì thuộc về tôn giáo tín ngưỡng phải được nâng đỡ bởi các điều kiện nhất định, mới có khả năng phát triển.

Nói dâng sao giải hạn là đề cập đến những ngôi sao được cho là chiếu mệnh trên trời. Đây chính là biểu hiện của việc “nịnh hót” các ngôi sao chiếu mệnh có giá trị tâm linh ảnh hưởng đến cuộc sống.

Khi nói đến sao chiếu mệnh, là nghĩ đến vùng cư dân giỏi về chiêm tinh học ở Trung Cận Đông. Họ luôn theo dõi sao trên trời và nhận thấy mỗi giờ mỗi khắc, trật tự các sao trên trời có khác nhau. Họ cũng nhận thấy ở trần gian, mỗi người sinh ra ở thời khắc khác nhau có số phận khác nhau, dẫn đến nhìn nhận sao với số phận con người.

Việc gắn sao với con người và tử vi đều có nguồn gốc từ Trung Cận Đông. Các dòng văn minh ấy lại chảy đến những trung tâm văn minh như Ấn Độ, Trung Hoa và người Việt Nam ảnh hưởng nhiều của Trung Hoa nên cũng chịu sự chi phối về mặt tâm linh.

Tuy nhiên, những điều đó đi theo một chặng dài của không gian và thời gian đến nước ta thì khó tránh khỏi những huyền hoặc. Nên khi đến nước ta, nó thực sự gắn với “đạo giáo” và những người liên quan đến “đạo giáo” mang tư chất như những phù thủy nên chỉ hoàn toàn gắn với đền quán mà thôi.

PGS. TS. Trần Lâm Biền: "Việc dâng sao giải hạn không hề dính dáng đến chùa"
PGS. TS. Trần Lâm Biền: "Việc dâng sao giải hạn không hề dính dáng đến chùa"

"Việc dâng sao giải hạn không hề dính dáng đến chùa"

- Như vậy, việc dâng sao giải hạn vốn chỉ diễn ra ở đền quán chứ không phải ở chùa, thưa ông?

Việc dâng sao giải hạn không hề dính dáng đến chùa. Vì thực chất của đạo Phật và chùa là đi theo đúng tinh thần nhà Phật, tức là chống lại mê tín dị đoan. Bởi đạo Phật - chứ không phải Phật giáo - là một hệ triết học coi trọng trí tuệ, từ bi thoát tục.

Người xưa đã quan tâm đến việc diệt trừ dục vọng nên nhận thấy rằng chùa nghèo cảnh khó mới có khả năng chống lại dục vọng tốt hơn. Những người nhà Phật từng nói rằng “Hảo tự ố tăng” để dạy những người xung quanh, tức là ngôi chùa càng to lớn, càng đẹp đẽ theo con mắt đời thường bao nhiêu, thì càng đề cao vật chất của người tu hành nặng bấy nhiều.

Vì thế hiện nay có những nơi làm chùa quá lớn là không đúng với tiêu chí của nhà Phật, rõ ràng chỉ là một hình thức khoe mẽ mà thôi. Việc xây dựng chùa không tỏ ra “kính Phật trọng tăng” như thế chính là “bệ đỡ” để dâng sao giải hạn nhập vào cửa chùa và nhập một cách mạnh mẽ.

Việc dâng sao giải hạn khi nhập vào các kiến trúc không phải là đạo quán sẽ bị sai lệch đi. Chính sự không hiểu biết là “bệ đỡ” để đón nhận dâng sao giải hạn vào trong các kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng khác, bởi nếu có hiểu biết thì họ đã không đưa dâng sao giải hạn vào chùa.

Nhưng nếu là cái “bệ đỡ” không hiểu biết thì còn nhẹ, mà theo tôi, nó còn bị bọn lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng vì quyền lợi vật chất mà làm méo mó cửa Phật. Trong cửa chùa, tinh thần tối thượng là điểm sáng của đạo, nơi để chúng sinh đến làm điều thiện trên nền tảng trí tuệ Phật, chứ không phải là nơi “thu thuế cho kẻ hoạt đầu”. Đã bao thế kỷ đạo Phật tồn tại ở nước ta, nhưng không ghi nhận có chuyện dâng sao giải hạn nơi cửa Phật.

Chùa là nơi giữ trí tuệ tâm linh, hạn chế tiêu cực của tâm linh nảy sinh từ dâng sao giải hạn. Chùa phải giữ được sự cân bằng tinh thần cho dân chúng mà nay lại ủng hộ cho dâng sao giải hạn là sai rồi.

Vì thế, cái nạn hiện nay là việc dâng sao giải hạn diễn ra ở chùa chứ không phải ở đình quán. Cũng như hầu đồng nay diễn ra ở chùa là biểu hiện của sự hụt hẫng tinh thần. Trước đây, những người chân tu không nhảy đồng, nhảy bóng, nhưng nay thì có.

"Dâng sao giải hạn phát triển mạnh khi xã hội bất yên"

- Thưa ông, việc dâng sao giải hạn ở nước ta có từ khi nào?

Không ai biết dâng sao giải hạn ở Việt Nam có từ khi nào, nhưng có sự trồi sụt do ảnh hưởng từ thực tế xã hội. Dâng sao giải hạn phát triển mạnh khi xã hội bất yên. Việc dâng sao giải hạn ở chùa hiện nay là một hiện tượng chống lại ý thức hệ khi cho rằng thực tại chỉ là sự níu kéo, ràng buộc con người vào đau khổ nên muốn phá bỏ.

Những năm 1980-1990, việc dâng sao giải hạn chủ yếu nằm ở các đạo quán. Song do sự hụt hẫng tinh thần của quần chúng, do nhận thức về tôn giáo tín ngưỡng có hiểu sai về lẽ đạo, nên khi nền kinh tế đi lên, con người lục vấn tinh thần, nhưng lại không có “bệ đỡ” được dẫn dắt bởi những người có chức năng về tôn giáo tín ngưỡng một cách tử tế, nên họ bị ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường là đề cao tính cá nhân, chỉ nghĩ đến quyền lợi vật chất trước mắt mà đánh rơi mất những lợi ích tinh thần.

Hình ảnh ấn tượng về lễ dâng sao giải hạn ở một ngôi chùa tại Hà Nội mới đây. (Nguồn ảnh: Zing)
Hình ảnh ấn tượng về lễ dâng sao giải hạn ở một ngôi chùa tại Hà Nội mới đây. (Nguồn ảnh: Zing)

Vì thế, nhiều thần thánh tưởng được đề cao nhưng thực sự lại bị giải thiêng. Thần nào còn được cho là đưa đến quyền lợi vật chất một cách hoang tưởng, thì được đề cao, hay theo nhu cầu đầy tiêu cực của xã hội mà cũng chuyển hóa từ tính chất tích cực thành tiêu cực.

Ví như các lao xao, lộn xộn ở các lễ hội vốn xưa cần thực hiện nhưng có các nguyên tắc của nó, để đồng nhất thời gian không gian với quá trình phát triển của loài người nhằm chấm dứt hiện tượng lộn xộn đó, đưa thời gian, không gian đi vào trật tự, như Lễ mở cửa rừng 6 tháng giêng ở chùa Hương là chấm dứt sự mất trật tự giữa hai làng Yến Vĩ và Đục Khê, hay Lễ rước Ông Đám ở Đồng Kỵ, tục cướp kén, cướp bông …

Người xưa mất trật tự là để thiên nhiên vũ trụ ủng hộ cho cộng đồng, còn ngày nay mất trật tự là do thiếu hiểu biết, nên mới có chuyện đánh nhau, cướp lộc ngay trên bàn thờ, là vì cá nhân chứ không có dấu tích cộng đồng.

Mê tín dị đoan là con đẻ của sự tối tăm về kiến thức

- Quan điểm của ông trước hiện tượng dâng sao giải hạn diễn ra ngày một rầm rộ ở các chùa?

Việc dâng sao giải hạn là ước vọng cầu bình yên, khỏe mạnh, hanh thông trong công việc, không bị tai ương, mà người ta cho rằng tai ương là do sao xấu chiếu lên thân phận họ.

Nhưng thực tế, sao trên trời không ai thay đổi được. Sự chuyển đổi vị trí của các ngôi sao là do sự thay đổi của người nhìn thấy nó –sự thay đổi chủ quan dưới sự nhìn nhận chưa đầy đủ khoa học của người xưa. Cho nên không có lễ dâng sao giải hạn, cũng như tử vi nào thay thế được số mệnh.

Năm 1945, Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật và hàng nghìn người, từ trẻ nhỏ mới sinh đến người già, cả người tốt lẫn người xấu, đều chết. Họ sinh ra ở những thời khắc khác nhau, tại sao số phận lại giống nhau? Thực tế lịch sử ấy cho thấy các ngôi sao chiếu trên trời cũng như trật tự của các sao chỉ là sự nhận thức chủ quan do thiếu hiểu biết, chứ không phải những ngôi sao ấy có ảnh hưởng đến thân phận họ.

Người ta tin vào dâng sao giải hạn vì trong cuộc sống họ gặp nhiều tai họa và dâng sao giải hạn chỉ như một hình thức con người đặt ra để tự an ủi mà thôi.

Mê tín dị đoan là con đẻ của sự tối tăm về kiến thức. Nhưng những người làm báo không thể chuyển hóa từ mê tín dị đoan này sang mê tín dị đoan kia, như cách đây 2 ngày, trên một kênh truyền hình có ca ngợi một “nhà khoa học” và ông ta khuyên mọi người không nên đốt vàng mã mà nên… gọi hồn.

Hãy nói thật với dân đi, đừng đem cái ngoại cảm không đến nơi đến chốn để lừa mọi người!

- Là nhà nghiên cứu văn hóa Việt lâu năm, theo ông, cần làm gì để ngăn chặn “trào lưu” dâng sao giải hạn có vẻ như đang “quá đà” này?

Khi vấn đề ảnh hưởng đến tư tưởng, nhận thức thì các cơ quan chức năng phải can thiệp bằng việc có bộ phận tôn giáo, tín ngưỡng mang tính chất chính quyền, giải quyết. Ngành văn hóa, đặc biệt là truyền thông, phải tìm hiểu bản chất của vấn đề và nêu thực chất của vấn đề để nâng cao dân trí.

Dù sao, trong sự phát triển bao giờ cũng có sự khủng hoảng phát triển. Sự khủng hoảng này sẽ tiêu vong khi kinh tế và dân trí được  nâng cao hơn, là bài học đã nhìn thấy ở nhiều cư dân trên thế giới.

- Chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!