Các bị cáo tại tòa. Ảnh minh họa |
Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Phạm Công Danh phải chịu mức án 30 năm tù vì đã phạm cả 2 tội Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Hội đồng xét xử ghi nhận ý kiến của luật sư của ông Phạm Công Danh về việc ông Danh đã tiếp nhận ngân hàng Đại Tín trong tình trạng đã lỗ nặng từ trước, đang chịu áp lực rất lớn về thanh khoản, rất căng thẳng về huy động và do thế phải chịu áp lực trả tiền chăm sóc khách hàng…
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng, những khó khăn này là do ông Phạm Công Danh… tự nhận, chứ không ai bắt buộc ông Danh phải nhận. Do đó, “không có cơ sở để chấp nhận bào chữa của luật sư” – hội đồng xét xử nhận định - về việc xem đây như yếu tố xem xét giảm nhẹ tội cho ông Danh.
Đồng thời, Hội đồng xét xử cho rằng, ông Phạm Công Danh đã gây ra thiệt hại cho VNCB và do đó ngân hàng này có thể yêu cầu được bồi thường
Căn cứ quy định hiện hành, Hội đồng xét xử cũng khẳng định đã vận dụng tinh thần Bộ luật Hình sự 2015 để xem xét các tình tiết giảm nhẹ, có lợi cho các bị cáo. Cụ thể, là xem xét giảm nhẹ theo khoản 1 điều 51 và điều 54 của BLHS năm 2015.
Đáng lưu ý, lập luận của Hội đồng xét xử không thực sự có tính thuyết phục khi bác ý kiến bào chữa của luật sư liên quan tới giảm nhẹ tội của Phạm Công Danh trong nỗ lực thu xếp tài chính duy trì hoạt động cho ngân hàng.
Cụ thể, Hội đồng xét xử cho rằng ông Phạm Công Danh đã trả 3600 tỷ đồng cho nhóm bà Hứa Thị Phấn, nhưng lấy từ nguồn vốn vay của VNCB từ số tiền 4500 ty để tăng vốn điều lệ sau khi vay từ ngân hàng VIDB. Như vậy, điều này cho thấy vốn tự có của Thiên Thanh là không có, và là trái với cam kết của ông Phạm Công Danh khi nhận ngân hàng xây dựng đề án tái cơ cấu lại.
Trước đó, trong phần bào chữa và xét hỏi, ông Phạm Công Danh đều khẳng định không ngờ tình hình tài chính của ngân hàng đã suy sụp nặng nề đến thế, mà chỉ biết khi đã tiếp nhận ngân hàng. Tuy nhiên, chi tiết này đã không được xem xét một cách thấu đáo.
Cụ thể, câu hỏi là nếu tình hình của ngân hàng Đại Tín tại thời điểm bàn giao cho ông Phạm Công Danh đúng với báo cáo tài chính, thì liệu bị cáo này và các cộng sự có đủ khả năng vực dậy ngân hàng này ? – đã không được phân tích và nhận định đầy đủ.
Theo Hội đồng xét xử, trong vụ án này, ông Phạm Công Danh là người chủ mưu cầm đầu, Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương là đồng phạm giúp sức tích cực. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, các bị cáo đều có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải.
Đồng thời, bị cáo Phạm Công Danh cũng đã tích cực phối hợp với cơ quan tố tụng điều tra vụ án, tích cực giao nộp tài sản để khắc phục hậu quả, Thiên Thanh là tập đoàn lâu năm, có uy tín. Số tiền rút ra hơn 6.000 tỷ là tiền vật chứng nên có cơ sở thu hồi để khắc phục hậu quả.
Từ đây, Hội đồng xét xử đã tuyên thu hồi nhiều khoản tiền vật chứng của vụ án để đảm bảo khắc phục hậu quả. Cụ thể, đó là thu hồi đó là khoản tiền 5190 tỷ đồng mà bị cáo Phạm Công Danh đã chỉ đạo chuyển khỏi tài khoản của bà Trần Ngọc Bích.
Ngoài ra, quỹ Lộc Việt cũng bị tuyên án buộc nộp lại 3 tỷ đồng, cá nhân bà Hứa Thị Phấn phải nộp lại tổng cộng 948 tỷ đồng, ông Trần Quý Thanh phải nộp lại 362 tỷ đồng, bà Trần Ngọc Bích phải nộp lại 72 tỉ đồng.
Cá nhân bị cáo Phạm Công Danh bị tuyên phải hoàn trả hơn 6000 tỷ đồng gốc và lãi đã rút hoặc vay từ VNCB. Đồng thời, hội đồng xét xủ cũng tuyên kê biên nhiều tài sản của ông Phạm Công Danh và công ty Thiên Thanh để đảm bảo việc thi hành án.
Về mức án, hội đồng xét xử tuyên bị cáo Phạm Công Danh chịu 30 năm tù, bị cáo Mai Hữu Khương 20 năm tù, bị cáo Phan Thành Mai 22 năm tù, bị cáo Hoàng Đình Quyết, 32 bị cáo còn lại nhận mức án từ 3 năm tù treo đến 16 năm tù giam.
Hội đồng xét xử cũng đồng thời công bố quyết định khởi tố tại tòa đối với nhóm bà Hứa Thị Phấn, khởi tố vụ án liên quan hành vi của Phạm Thị Trang (Trang Phố Núi) và khởi tố nhóm Hoàng Văn Toàn - cựu chủ tịch ngân hàng Đại Tín.
Theo kết luận của Hội đồng xét xử, ông Hoàng Văn Toàn - cựu Chủ tịch ngân hàng Đại Tín (Trustbank - tiền thân ngân hàng Xây dựng) và nhóm tín dụng đã cho các công ty Đại Hoàng Phương và Thịnh Quốc vay vốn trái quy định có dấu hiệu vi phạm Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, vì thế Hội đồng xét xử quyết định khởi tố vụ án.
Cụ thể, trong giai đoạn điều hành ngân hàng Đại Tín, ông Hoàng Văn Toàn đã gây ra thất thoát cho ngân hàng qua các giao dịch cho vay vốn với nhóm Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn và nhóm công ty Phương Trang. Nguyên nhân gây thất thoát là Ban điều hành Ngân hàng Đại Tín do ông Nguyễn Văn Toàn đứng đầu đã vi phạm luật các tổ chức tín dụng trong việc cấp tín dụng cho các nhóm công ty này.