Cuộc chiến địa kinh tế nhằm tranh giành tài nguyên chiến lược Lithium ở Bolivia

VietTimes -- Trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện đang leo thang ngày một gay cấn giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc đảo chính ở một quốc gia bên kia tây bán cầu là Bolivia cho thấy thực chất cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc này là cuộc chiến địa kinh tế trong cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó một trong những mục tiêu hướng tới là tranh giành tài nguyên chiến lược Lithium - nền tảng của công nghệ chế tạo các phương tiện vận tải chạy bằng động cơ điện.
Lithium được coi là "vàng trắng" của Bolivia
Lithium được coi là "vàng trắng" của Bolivia

Trung Quốc ráo riết giành quyền kiểm soát Lithium

Trong những năm gần đây, cùng với “cơn sốt” phát triển các phương tiện vận tải chạy bằng năng lượng điện, trước hết là ô tô và xe máy điện, nguyên tố Lithium trở thành tiêu điểm của cuộc chiến tranh tài nguyên chiến lược do nhu cầu rất lớn của nguyên tố này trong công nghệ chế tạo nguồn điện cho các phương tiện ở các cường quốc công nghiệp phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Hàn Quốc v.v. Vì thế, kiểm soát nguồn cung cấp Lithium trở thành mục tiêu hàng đầu trong chiến tranh địa chính trị giữa các cường quốc, trước hết là Mỹ và Trung Quốc.

Từ phía Trung Quốc, chương trình chương trình “Made In China-2025” của Bắc Kinh đang hướng tới mục tiêu đầy tham vọng là kiểm soát 80% thị trường hàng hóa công nghệ cao trên toàn thế giới, trong đó các phương tiện vận tải sử dụng nguồn pin và acquy điện được chế tạo từ Lithium sẽ chiếm tỷ lệ lớn nhất. Do đó, giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên Lithium là ưu tiên số 1 trong chương trình “Made In China-2025” của Trung Quốc. Mặc dù sở hữu tài nguyên Lithium có trữ lượng khá lớn nhưng so với nhu cầu phát triển thì không đáng kể, nên Trung Quốc phải tìm kiếm và giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên này ở nước ngoài.

Tại Australia, Công ty Talison Lithium của Trung Quốc đã từng giành được quyền kiểm soát khai thác và sở hữu trữ lượng Lithium ở thị trấn Greenbushes, gần thành phố Perth. Công ty Talison Lithium là nhà sản xuất Lithium lớn nhất thế giới. Theo tin trên trang web Greenbushes của Australia, công suất của công ty này đáp ứng khoảng 75% nhu cầu Lithium của Trung Quốc và chiếm khoảng 40% nhu cầu của thế giới.

Hướng tới mục tiêu kiểm soát toàn bộ nguồn tài nguyên Lithium của Australia, Trung Quốc nỗ lực duy trì vị thế đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này. Tuy nhiên, do lo ngại sự bành trướng ảnh hưởng ngày một quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương, Thủ tướng Australia, ông Scott Morrison, gửi thông điệp cảnh báo tới Trung Quốc rằng Bắc Kinh không được xâm phạm lợi ích chiến lược của Canbera trong vực sân sau của Australia. Để kiểm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, Australia đã nối lại và tăng cường hợp tác với các quốc gia trong quan hệ “tứ giác kim cương” cùng với Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản. Đồng thời, Australia đẩy mạnh cung cấp tín dụng cho các quốc đảo Thái Bình Dương để ngăn chặn chiến lược ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc.

Nhận thấy khó khăn trên hướng Australia, Trung Quốc buộc phải tìm kiếm nguồn tài nguyên Lithium ở các quốc gia khác, trước hết ở các nước Mỹ Latinh như Chile và Bolivia. Ở Chile, Công ty Tianquiis của Trung Quốc đã góp vốn cho Công ty SociedadQuimica Y Minera (SQM) của Chile-một trong những nhà sản xuất Lithium lớn nhất thế giới. Sắp tới đây, nếu Trung Quốc thông qua Công ty Tianquiis sẽ giành được quyền kiểm soát SQM thì Bắc Kinh sẽ thay đổi căn bản cục diện cuộc chiến tranh địa kinh tế liên quan tới trữ lượng Lithium của thế giới.

Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Goldman Sachs đánh giá hợp chất Lithium carbonate chế tạo từ Lithium có giá trị kinh tế và chính trị tương đương với giá trị của nhiên liệu xăng trong thế kỷ XX. Cũng theo Goldman Sachs, chỉ cần gia tăng 1% sản lượng xe điện của thế giới sẽ kéo theo sự gia tăng hơn 40% nhu cầu sản lượng Lithium trên toàn cầu. Để hạn chế khí thải CO2 từ các phương tiện vận tải dùng xăng, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang ồ ạt phát triển các phương tiện vận tải chạy bằng năng năng lượng điện và sẽ đưa Lithium thành một trong nhưng tâm điểm cạnh tranh địa kinh tế nóng nhất thế giới

Bolivia sẽ là “Arab Saudi Lithium”?

Nếu Arab Saudi là vương quốc dầu mỏ đóng vai trò rất lớn trong cuộc cạnh tranh địa kinh tế trong thế kỷ XX, thì Boliva được ví như “Arab Saudi Lithium” và sẽ có vị thế đặc biệt quan trọng trong chiến tranh tài nguyên trong thế kỷ XXI bởi quốc gia này sở hữu khoảng 50- 70% trữ lượng Lithium đã được chứng minh của thế giới (khoảng 100 triệu tấn). Tập đoàn công nghiệp Tesla của Mỹ theo đuổi kế hoạch đầy tham vọng xuất xưởng 500.000 ô tô điện mỗi năm và để đạt được mục tiêu đó họ phải kiểm soát gần như toàn bộ thị trường Lithium của thế giới. Vì thế, giá Lithium tăng đến chóng mặt: nếu vào năm 1998, 1 tấn Lithium có giá khoảng 2.000 USD thì hiện nay đã lên tới 20.000 USD.

Bản đồ tài nguyên Lithium ở Chile và Bolivia (Ảnh của The Economist)

Bản đồ tài nguyên Lithium ở Chile và Bolivia (Ảnh của The Economist)

Do sở hữu nguồn tài nguyên Lithium lớn nhất thế giới, Bolivia trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt của Trung Quốc. Từ năm 2015, Công ty công nghệ CAMC của Trung Quốc đã vận hành một nhà máy lớn ở Bolivia để sản xuất chất Clorua Kali làm phân bón. Sau đó, họ phát hiện ra phía dưới lớp quặng Clorua Kali có trữ lượng Lithium lớn nhất thế giới. Tại khu vực của nhà máy này có 1 trong 22 mỏ quặng có chứa Lithium của Bolivia.

Năm 2014, Công ty Lin Lin Dake Trade của Trung Quốc xây dựng một nhà máy sản xuất thí điểm nguồn pin sử dụng Lithium tại đây. Sau đó, vào tháng 2/2019, Chính phủ của Tổng thống Bolivia Eva Morales ký hợp đồng trị giá 2,3 tỷ USD để cùng khai thác Lithium với một công ty của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc kiểm soát 49% cổ phần của một xí nghiệp liên doanh với Công ty quốc doanh YLB của chính phủ Bolivia để sản xuất Lithium và các vật liệu khác từ các mỏ quặng ở Coipasa và PastosGrandes. Theo Ngân hàng Goldman Sachs, Trung Quốc hiện là quốc gia chiếm ưu thế áp đảo trên thị trường thế giới, kiểm soát gần 50% sản lượng Lithium và 60% sản lượng các nguồn pin điện toàn cầu [1].

Giành quyền kiểm soát Lithium-nguyên nhân dẫn tới cuộc bạo loạn chính trị ở Chile và Bolivia

Khai thác lithium ở Bolivia (ảnh OpenDemocracy)
Khai thác lithium ở Bolivia (ảnh OpenDemocracy)

Các cuộc bạo loạn chính trị diễn ra và kéo dài ở Chile trong năm 2019 khiến quốc gia này phải hủy quyền đăng cai Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC-2019). Nguyên nhân sâu xa là do các tổ chức phi chính phủ của Mỹ giật dây để tạo ra tình trạng bất ổn có kiểm soát nhằm hủy bỏ APEC-2019, đồng nghĩa với việc hủy bỏ sự tham gia sự kiện này và thăm chính thức Chile của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hủy chuyến thăm này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Mỹ đã phá tan cơ hội để Trung Quốc ký nhiều thỏa thuận kinh tế lớn với Chile, trong đó có thỏa thuận cùng khai thác Lithium.

Tiếp sau cuộc bạo loạn chính trị ở Chile, một cuộc bạo loạn khác đã diễn ra ở Bolivia với kết cục dẫn tới cuộc đảo chính lật đổ chính thể của đương kim Tổng thống Evo Morales, buộc ông phải chạy sang lánh nạn chính trị ở Mexico. Khẩu hiệu của các lực lượng bạo loạn là “chống đói nghèo”, “chống tham nhũng”, “chống gian lận trong bầu cử tổng thống” hoàn toàn trái ngược với tình hình thực tế ở Bolivia.

Khẩu hiệu “chống gian lận trong bầu cử” hoàn toàn trái với thực tế  cuộc bầu cử tổng thống được tiến hành theo cơ chế phổ thông đầu phiếu dân chủ và minh bạch ngày 20/10/2019 với kết quả là Tổng thống Evo Morales giành thắng lợi. Khẩu hiệu “chống đói nghèo” và “chống tham nhũng” cũng trái với thực trạng kinh tế-xã hội của Bolivia. Theo Ngân hàng phát triển Liên-Mỹ năm 2019, trong 14 năm trên cương vị Tổng thống, ông Evo Morales đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, tỷ lệ người thiếu ăn giảm từ 38% xuống còn 15%; tỷ lệ người nghèo giảm từ 60% xuống 34%. Tổng thống Evo Morales đưa nền kinh tế Bolivia tăng trưởng trung bình 4,9% mỗi năm-mức cao nhất ở Mỹ Latinh. Đặc biệt, Bolivia đã hoàn toàn xóa bỏ tình trạng lạm phát [2].

Trong thời gian vừa qua, ở Bolivia đã diễn ra “cuộc cách mạng nhung” điển hình như đã từng diễn ra ở Gruzia (2003), Ukraine (2004)  và một số nước Bắc Phi - Trung Đông trong “Mùa Xuân Arab”, trong đó Mỹ đứng đằng sau ủng hộ các lực lượng đối lập mà nòng cốt là phong trào phát xít “Resistencia Juvenil Cochala” để tiến hành cuộc chiến tranh bạo loạn nhằm lật đổ chính thể của Tổng thống Evo Morales.

Lực lượng trong bạo loạn ở Bolivia (Ảnh của Fondsk.ru)

Lực lượng trong bạo loạn ở Bolivia (Ảnh của Fondsk.ru)

Nếu mục tiêu hướng tới của các cuộc bạo loạn ở các nước Bắc Phi-Trung Đông là giành quyền kiểm soát dầu mỏ, thì cuộc đảo chính ở Bolivia là nhằm dựng lên ở thủ đô Sucre một chính thể giúp Mỹ kiểm soát tài nguyên chiến lược Lithium của quốc gia này. Thực tế, ở Bolivia đã diễn ra cuộc chiến tranh địa kinh tế điển hình nhằm tước bỏ quyền của Trung Quốc kiểm soát tài nguyên Lithium của quốc gia Mỹ Latinh này./.

Tài liệu tham khảo

[1] China, USA and the Geopolitics of Lithium. https://www.globalresearch.ca/china-usa-geopolitics-lithium/5695377

[2] Кто стоит за государственным переворотом в Боливии? https://www.fondsk.ru/news/2019/11/13/kto-stoit-za-gosudarstvennym-perevorotom-v-bolivii-49453.html