Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (HoSE: STB) vừa công bố liên tiếp hai bản Báo cáo thường niên, năm 2015 và năm 2016.
Tại Báo cáo thường niên năm 2016, Chủ tịch HĐQT Sacombank Kiều Hữu Dũng đã có thông điệp gửi tới cổ đông, khác hàng và các nhà đầu tư.
“Tại Sacombank, năm 2016 dù phải đối mặt với không ít thách thức của giai đoạn đầu tái cơ cấu, nhưng với sự tận tâm, tận lực vì mục tiêu chung của hơn 17.000 CBNV, Ngân hàng đã vượt qua những khó khăn bước đầu và đạt được một số kết quả tích cực khi duy trì năng lực tài chính vững mạnh với tổng tài sản đạt trên 330.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2015”, ông Dũng viết.
Cũng theo bản thông điệp trên, Chủ tịch STB tự đánh giá: Niềm tin của khách hàng đối với Sacombank vẫn không ngừng được củng cố, minh chứng là tốc độ tăng trưởng huy động của Sacombank được duy trì ổn định (tăng 11,7% so với đầu năm); thu dịch vụ tăng hơn 22% so với năm 2015… Đặc biệt, lợi nhuận đạt mức dương với gần 160 tỷ đồng trong năm đầu tiên thực hiện tái cơ cấu sau sáp nhập là điểm đáng ghi nhận của Sacombank. Những kết quả đáng khích lệ trên thể hiện định hướng đúng đắn của Sacombank và sự chuyển biến mạnh mẽ trong các mặt hoạt động Ngân hàng.
Năm 2017, Sacombank xác định mục tiêu quan trọng là: “Tận dụng cơ hội - Củng cố nền tảng - Ổn định và nâng cao chất lượng nhân sự”.
Theo đó, để thực hiện mục tiêu trên, Sacombank đặt ra 10 nhóm giải pháp trọng yếu bao gồm: (i) Tận dụng các ưu thế, cơ hội, gia tăng nguồn lực tài chính; (ii) Đẩy mạnh phát triển kinh doanh đồng bộ tại tất cả các Đơn vị; (iii) Tăng trưởng tín dụng ở mức cao để củng cố nguồn thu chính; (iv) Tiếp tục phát huy lợi thế huy động vốn, đặc biệt huy động từ TCKT&DC; (v) Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và nợ bán VAMC, giảm dần các khoản phải thu; (vi) Khai thác hệ khách hàng tại các Đơn vị mới để đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, bán chéo sản phẩm; (vii) Quản trị chi phí điều hành trên quan điểm đúng mục đích, đủ nhu cầu, tránh lãng phí; (viii) Nhanh chóng hoàn tất công tác tái cấu trúc mạng lưới hoạt động, khai thác tiềm năng thị trường; (ix) Chăm sóc nhân sự bằng các cơ chế cụ thể, thiết thực để thu hút và giữ chân lực lượng nhân sự; (x) Duy trì ưu thế về công nghệ, tăng cường bảo mật, tạo nền tảng vững chắc để phát triển sản phẩm mới.
Một chi tiết đáng chú ý khác trong báo cáo thường niên mà Sacombank vừa công bố, đó là những thông tin về cơ cấu cổ đông tại ngân hàng này.
Theo đó, tính tới 31/12/2016, Sacombank đang có tổng cộng 65.001 cổ đông, gồm 63.960 cổ đông cá nhân trong nước (nắm giữ 68,21% cổ phần), 223 cổ đông tổ chức trong nước (nắm giữ 23,25% cổ phần), 707 cổ đông cá nhân nước ngoài (nắm giữ 0,49% cổ phần), 62 cổ đông tổ chức nước ngoài (nắm giữ 8,05% cổ phần).
Ngoài ra, Sacombank cũng có 81.562.287 cổ phiếu quỹ, chiếm 4,32% cổ phần.
Đáng chú ý, tính đến cuối năm 2016, Sacombank chỉ có một cổ đông lớn duy nhất, sở hữu trên 5% vốn điều lệ, là Eximbank, với tỷ lệ sở hữu 8,76%. Được biết, Eximbank từng lên kế hoạch chuyển nhượng lô cổ phần này và thoái vốn khỏi STB. Tuy nhiên đến thời điểm này, chưa thấy thông tin gì về hoạt động chuyển nhượng trên.
Theo kế hoạch, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Sacombank sẽ được tổ chức vào 7h30 ngày 30/06/2017. Tại Đại hội này, đáng chú ý, Sacombank sẽ kiện toàn bộ máy nhân sự thượng tầng cho nhiệm kỳ 2017 – 2021.
Tổng tài sản giảm mạnh sau kiểm toán
Trước thềm Đại hội đồng cổ đông lịch sử, Sacombank đã công bố các Báo cáo tài chính kiểm toán – cả hợp nhất và riêng công ty mẹ - trong hai niên độ 2015 và 2016.
Những thông tin này thực sự có ý nghĩa, nếu biết rằng, kể từ sau ngày nhận sáp nhập Southern Bank, Sacombank đã không công bố báo cáo sau kiểm toán. Việc được hoãn công bố báo cáo theo luật định có thể hiểu như một sự đặc cách mà STB được nhận, trong nỗ lực tái cấu trúc hậu sáp nhập.
Cả bốn bản báo cáo tài chính mà Sacombank mới công bố đều được ký ban hành vào ngày 29/05/2017. Báo cáo kiểm toán độc lập được ký cùng ngày, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.
Đáng chú ý, đã có sự chênh lệch nghiêm trọng tại hầu hết cả khoản mục kế toán và chỉ tiêu tài chính giữa báo cáo trước và sau kiểm toán.
Như tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, tổng tài sản của Sacombank đã bị giảm tới 1.271,8 tỷ đồng so với con số mà ngân hàng tự công bố trước đó.
Cụ thể, trên bảng cân đối kế toán, đã có tới 8 hạng mục tài sản tại Sacombank bị điều chỉnh giá trị, sau kiểm toán.
Trong đó, hạng mục bị điều chỉnh mạnh nhất là Các khoản lãi phí phải thu, khi bị giảm tới 1052,6 tỷ đồng do: Tăng 577,8 tỷ đồng do hoàn nhập lãi đối với các khoản vay được xử lý theo đề án tái cơ cấu; Tăng 60,8 tỷ đồng do phân loại lại lãi dự thu từ khoản phải thu cho đúng bản chất nghiệp vụ; Giảm 27,8 tỷ đồng do thoái lãi dự thu đối với các khoản cho vay bị hạ nhóm; Giảm 1.611,8 tỷ đồng do thoái lãi dự thu các khoản cho vay được xử lý theo đề án tái cơ cấu; Giảm 51,6 tỷ đồng do thoái thu lãi tại ngân hàng con đối với các khoản vay bị hạ nhóm.
Kế đó, Các khoản phải thu cũng bị điều chỉnh giảm 408,3 tỷ đồng do: Giảm 438,7 tỷ đồng do điều chỉnh sang khoản đầu tư dài hạn khác cho đúng bản chất nghiệp vụ; Giảm 120,2 tỷ đồng do phân loại lại chung đúng bản chất nghiệp vụ; Giảm 2,9 tỷ đồng do điều chỉnh các bút toán theo báo cáo kiểm toán của công ty con; Tăng phải thu NSNN 153,5 tỷ đồng do số tạm ứng nộp thuế trong năm lớn hơn số phải nộp.
Các hạng mục tài sản còn lại của Sacombank được điều chỉnh với các mức độ khác nhau, từ 58,1 tỷ đồng đến 438,7 tỷ đồng.
Đối ứng với tổng tài sản, Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của Sacombank cũng bị điều chỉnh một khoản tương ứng, là 1.271,8 tỷ đồng. Trong đó hạng mục bị điều chỉnh nhiều nhất là lợi nhuận chưa phân phối (bị điều chỉnh giảm 784,6 tỷ đồng do điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế của năm 2015 và năm 2016). Kế đó là các khoản phải trả khác (giảm 501 tỷ đồng).
Tương tự bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trước và sau kiểm toán của Sacombank cũng bị “vênh” nghiêm trọng. Tổng hợp các điều chỉnh, lợi nhuận sau thuế năm 2016 trên Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất sau kiểm toán đã giảm 283,9 tỷ đồng.
Trong đó, hạng mục bị điều chỉnh lớn nhất là thu nhập lãi thuần. Hạng mục này đã bị điều chỉnh giảm 1098,7 tỷ đồng do thoái lãi dự thu đối với các khoản cho vay bị hạ nhóm. Kế đó, lãi thuần từ hoạt động khác tăng 507,2 tỷ đồng do bổ sung khoản thu nhập từ bán tài sản cấn trừ nợ, điều chỉnh (giảm) sang khoản thu nhập góp vốn mua cổ phần cho đúng tính chất tài khoản.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán, lũy kế cả năm 2016, Sacombank lãi ròng 88,609 tỷ đồng – bằng 13,68% mức lãi ròng sau kiểm toán của cả năm 2015. Tương ứng lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của STB trong năm 2016 chỉ đạt 49 đồng.
Tương tự báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, 3 bản báo cáo còn lại – là báo cáo tài chính riêng năm 2016, báo cáo tài chính hợp nhất và riêng năm 2015 của Sacombank – cũng bị “vênh” nghiêm trọng so với báo cáo mà ngân hàng tự công bố trước đó.
Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập của Sacombank vừa được phê duyệt!
Các báo cáo kiểm toán mà STB vừa công bố đã tiết lộ một thông tin quan trọng.
Đó là ngày 22 tháng 5 năm 2017, Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập của Sacombank và các kiến nghị của Ngân hàng tại Đề án tái cơ cấu về một số cơ chế và giải pháp để xử lý tài chính đối với các khoản lãi dự thu, trái phiếu đặc biệt VAMC, các khoản nợ xấu, các tài sản tồn động và các khoản đầu tư góp vốn mua cổ phần trong thời gian thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN.Tym và Công văn số 426/NHNN-TTGSNH.Tym./.