Cụ thể, tại tờ trình số 383/2017/TTr-HĐQT ngày 03/06/2017, LPB đã trình ĐHĐCĐ về việc miễn nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013 – 2018 đối với ông Dương Công Minh – đương kim Chủ tịch HĐQT.
Trước đó, ngày 31/05/2017, ông Dương Công Minh đã gửi đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch/Thành viên HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.
Cùng ngày 31/05/2017, cổ đông của LPB là CTCP Him Lam đã gửi Đơn đề nghị bổ sung vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 năm 2017 của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt với nội dung: Miễn nhiệm chức danh Chủ tịch/Thành viên HĐQT đối với ông Dương Công Minh.
Lưu ý, CTCP Him Lam là cổ đông lớn nhất tại LPB, với tỷ lệ sở hữu cập nhật đến cuối năm 2016 là 14,98%. Công ty này do ông Minh là người sáng lập và làm Chủ tịch. Cá nhân ông Dương Công Minh không nắm giữ cổ phần tại LienVietPostBank nhưng vợ ông, bà Lê Thị Vân Thảo, cùng em gái Dương Thị Liêm sở hữu gần 5% cổ phần.
“Do đó, HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt kính trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013 – 2018 đối với ông Dương Công Minh.
Kính trình Đại hội đồng cổ đông xem xét chấp thuận”, Tờ trình được ký bởi Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh nêu rõ.
Song song với sự rút lui trên, tại Đại hội bất thường lần 2 này, LPB cũng sẽ bầu bổ sung nhân sự thay thế ông Minh tham gia HĐQT.
Người được đề cử là một cái tên cũ, ông Nguyễn Đức Hưởng. Nội dung tờ trình số 340a/2017/TTr-HĐQT LienVietPostBank về việc thông qua việc bầu bổ sung thành viên HĐQT LienVietPostBank nhiệm kỳ 2013 – 2018 xác tín điều này.
Tờ trình trên đề ngày lập vào 16/05/2017; Trong phần căn cứ của Tờ trình, LPB có trích dẫn Công văn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc chấp thuận nhân sự dự kiến bầu làm thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt nhưng phần số hiệu và thời điểm ban hành công văn thì lại bỏ trống.
Lưu ý là, ông Hưởng mới được miễn nhiệm khỏi cơ cấu quản trị LPB tại ĐHĐCĐ bất thường cách đây hơn một tháng. Khi đó, ông Hưởng xin rút khỏi LPB để tham gia công tác tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại theo phân công của Ngân hàng Nhà nước. Rồi người ta thấy tên cựu Phó Chủ tịch LPB trong danh sách ứng viên tham gia HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2021.
Nhưng cách đây ít ngày, ông Hưởng lại bất ngờ nộp đơn không tham gia ứng cử HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017 – 2021. Cùng với ông Hưởng, một cộng sự gần gũi khác của ông Dương Công Minh là bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Liên Việt cũng có văn bản đơn gửi HĐQT Sacombank thông báo không thể tham gia ứng cử HĐQT Sacombank nhiệm kỳ mới (2017 - 2021).
Được biết, phiên Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 của LienVietPostBank vừa diễn ra chiều nay (05/06/2017) – tức là chỉ 2 ngày sau khi Tờ trình số 383/2017/TTr-HĐQT liên quan đến việc rút lui của ông Minh được phát hành.
Cần thiết phải nói rằng, phiên đại hội bất thường lần 2 năm 2017 nêu trên và sự rút lui của ông Minh là những thông tin thực sự bất ngờ đối với thị trường. Đến thời điểm này, kết quả cụ thể, biên bản và nghị quyết của đại hội này vẫn chưa được cập nhật trên website của LienVietPostBank nhưng khả năng lớn tất cả các tờ trình sẽ được thông qua.
Những diễn biến nhân sự tại LPB đến thời điểm này ít nhiều có những liên hệ đến chuyển động tại Sacombank.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi Thông tin báo chí về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước, phóng viên VietTimes đã đặt câu hỏi: “Với hai vai - vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa là người được ủy quyền từ nhóm cổ đông lớn của Sacombank, NHNN có định hướng gì về nhân sự chủ chốt và tái cấu trúc Sacombank?”.
Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ chuyển câu hỏi đến Cơ quan Thanh tra Giám sát (NHNN) và đề nghị đơn vị này trao đổi trực tiếp với VietTimes./.