Vẫn tiến hành chém lợn
Ông Nguyễn Đình Lợi (61 tuổi) - Hội trưởng Hội người cao tuổi làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh), Phó ban tổ chức lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng - cho biết, sáng 23.2 dân làng Ném Thượng đã chính thức làm lễ khai mạc lễ hội chém lợn năm Ất Mùi. Đến chiều cùng ngày, hai “ông Ỉn” đã được người dân làm lễ long trọng đón về nhập tịch trong đình làng.
Ông Nguyễn Tiến Dư (70 tuổi) - Thủ từ đình Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh) khẳng khái nói: Lễ hội là việc của làng và nghi thức chém lợn không vi phạm pháp luật, nên phải để dân làng tự quyết. Dân làng chúng tôi không nhất trí thay đổi tên lễ hội và càng không thể chấm dứt lễ hội mang đậm bản sắc của ông cha và quê hương.
Ông Dư cũng cho biết, sau khi có thông tin Tổ chức động vật châu Á đề nghị bỏ lễ hội này, dân làng đã họp nhiều lần và thống nhất ý kiến vẫn tổ chức lễ hội như hàng năm. Lợn là động vật được nuôi nhiều trong toàn dân để lấy thực phẩm, không phải động vật hoang dã quý hiếm phải bảo tồn. Việc chém lợn không có gì kích động hay gây tâm lý không tốt cho trẻ, bởi qua 16 năm tổ chức chưa xảy ra xô xát gì trong lễ hội.
“Nếu nói dã man, tàn bạo thì tôi hoàn toàn phản đối, bởi những nước tiên tiến trên thế giới sản xuất ra như bom nguyên tử có thể giết người hàng loạt, ảnh hưởng của nó đến hàng chục năm sau. Hay lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, hàng chục thanh niên đâm đến lúc con trâu ngã quỵ. Mà con trâu là đầu cơ nghiệp, vì thế còn dã man hơn nhiều lần. Trong khi đó lễ chém lợn chỉ diễn ra trong 5 phút” - ông Dư nói.
Chém trước sân đình
Về việc có thay đổi hình thức chém lợn bằng hình thức khác hay không, ông Nguyễn Đình Lợi - Phó Ban tổ chức lễ hội - cho biết, chính quyền xã có yêu cầu làng làm theo đúng hướng dẫn của tỉnh Bắc Ninh là vẫn thực hiện các nghi lễ rước, tế như phong tục cổ truyền. Nhưng thay vì thực hiện lễ chém lợn ở sân đình thì thực hiện ở sau hậu cung. Tuy nhiên, các cụ và dân làng bảo đây là bản sắc vùng miền, không vi phạm pháp luật thì vẫn tổ chức bình thường. Đây là truyền thống văn hóa từ lâu đời. Theo lệ thì phải chém ở sân đình, không thể chém chỗ khác được, do đó, phải chém ở trước sân đình” - ông Lợi nói.
Nói về tục chém lợn của làng, vị bộ lão làng Ném Thượng kể: Lễ hội nhằm tưởng nhớ ông Lý Đoàn Thượng, người có công với làng, được dân làng suy tôn làm Thành hoàng làng. Lễ chém lợn là tái hiện lại ông Lý Đoàn Thượng chém lợn khao quân sau khi đánh thắng quân giặc. Từ đó, người dân đã mở hội chém lợn hằng năm để tưởng nhớ đến người có công khai khẩn vùng đất hoang vu này.
Theo tín ngưỡng dân gian của vùng quê Kinh Bắc, máu lợn trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu...
Khi lễ rước trở lại sân đình, hai tướng thủ đao được dân làng chọn từ những gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay, khỏe mạnh và phải đúng 50 tuổi - ra tay chém hai cụ ỉn tế thánh. Thịt lợn tế thánh được chia cho mọi người với mong muốn cả làng được phát tài, phát lộc.
Về việc lấy tiền quệt vào máu lợn, các vị ban tổ chức lễ hội cho biết: Đây là hình thức không nằm trong quy trình nghi lễ, do đó người dân không nên để tình trạng này tái diễn.
Theo Lao động