Cao thủ Putin "phá trận" phương Tây với thượng đỉnh cùng Donald Trump

Giới quan sát nhìn nhận Nga cũng không mong chờ cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki đem lại nhiều kết quả. Nhưng thượng đỉnh Nga –Mỹ đầu tiên dưới nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump sẽ là cơ hội để tổng thống Vladimir Putin phá vỡ thế cô lập của Nga trên bàn cờ quốc tế.
Tổng thống Putin gặp người đồng cấp Donald Trump tại Helsinki ngày 16/7
Tổng thống Putin gặp người đồng cấp Donald Trump tại Helsinki ngày 16/7

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga băng giá, cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ Donald Trump và Vladimir Putin được giới quan sát đánh giá có tầm mức quan trọng không kém thượng đỉnh tại Singapore giữa nguyên thủ Mỹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Thật khó đoán định kết quả cuộc họp giữa hai nguyên thủ có cá tính rất khác nhau như hai ông Donald Trump và Vladimir Putin. Trong lúc ông Trump qua Twitter liên tục đề cập đến quan hệ Nga-Mỹ, thì ngược lại tổng thống Nga Putin hoàn toàn im lặng về mục đích, chiến lược và những gì ông mong đợi có được từ thượng đỉnh Helsinki.

Chiều 16/7, tại dinh tổng thống Phần Lan, nguyên thủ Nga đã bắt tay tổng thống Mỹ, sau khi vừa tổ chức thành công mỹ mãn Cúp bóng đá thế giới 2018. Với dư luận trong nước, Vladimir Putin vừa đắc cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống thứ tư. Ông là người đã đưa bán đảo Crimea về lại nước Nga, đương đầu với phương Tây đang trừng phạt Matxcơva bị phương tây cáo buộc can thiệp vào Ukraine, và thành công rực rỡ trên chiến trường Syria.

Riêng với Mỹ, quan hệ giữa Matxcơva và Washington đã xấu đi đáng kể trong những tháng cuối nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama, ông Putin cũng đã tưởng dễ dàng nói chuyện với chính quyền Trump, cho tới khi nghi án điện Kremlin can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ và Washington liên tiếp gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào nước Nga. Gần đây nhất là vụ tư pháp Mỹ truy tố 12 "gián điệp Nga thâm nhập thư điện tử của đảng Dân chủ" trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Trước những thách thức trong quan hệ Mỹ -Nga, chuyên gia Alexandre Gabouev thuộc viện nghiên cứu Mỹ Carnegie phân tích rằng thượng đỉnh Helsinki lần này "trước hết là cơ hội để ông Putin chứng minh với công luận trong nước và với một số nước châu Âu, rằng Nga không trong thế cô lập".

Về thực chất, giới quan sát cho rằng, tổng thống Nga đến Helsinki trong thế thượng phong và ông có nhiều điểm tương đồng với Donald Trump.

Lợi thế thứ nhất của Vladimir Putin là ông biết khá rõ tâm lý nguyên thủ Mỹ. Theo nhãn quan của Vladimir Putin, Donald Trump là "một doanh nhân giàu kinh nghiệm" và có "nhiều ưu điểm". Tổng thống Mỹ là người có đầu óc "thực tiễn", dù không có kinh nghiệm chính trị nhưng Trump đã "học hỏi rất nhanh" và bất chấp bề ngoài sôi nổi nhưng thật ra, tổng thống Mỹ là người "biết lắng nghe và người ta có thể tìm được đồng thuận với ông ấy".

Lợi thế thứ hai của tổng thống Putin là ông sẽ ngồi vào bàn đàm phán với một nguyên thủ Mỹ mà lập trường về Nga không mấy rõ ràng, nhưng không hẳn là bất lợi cho Matxcơva.

Tổng thống Donald Trump khi thì dùng đòn hù dọa, khi lại có những lời lẽ ve vãn nước Nga. Điển hình là tổng thống Mỹ tại thượng đỉnh G7 Canada, quy tụ 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới, đã đề nghị mời Nga quay trở lại câu lạc bộ này. Cũng tổng thống Trump tại thượng đỉnh NATO đã tố cáo một đồng minh trong NATO là Đức mua khí đốt của Nga, bị Matxcơva thao túng. Nhưng Donald Trump đã không ngớt lời chỉ trích NATO, mặt khác lại liên tiếp chĩa mũi dùi vào cả Liên hiệp châu Âu. Điều đó khiến một số đồng mình than phiền rằng đã biến Donald Trump thành một "đồng minh" của ông Putin.

Do vậy, vẫn theo chuyên gia của viện nghiên cứu Carnegie, Alexandre Gabouev được báo Pháp Le Figaro trích dẫn, tương tự như ông Trump, ông Putin không mấy thiết tha với mô hình thế giới đa cực kiểu của phương Tây. Thêm vào đó, Donald Trump đã công khai xếp Liên hiệp Châu Âu vào danh sách các địch thủ của Mỹ, ngang hàng với Trung Quốc và Nga. Thái độ của nguyên thủ Mỹ với các đồng minh châu Âu là bằng chứng rõ rệt nhất để Nga thuyết phục những cột trụ trong đại gia đình châu Âu, như là Pháp và Đức, đi tìm một điểm tựa khác là Matxcơva.

Chuyên gia của viện Carnegie cho rằng có lẽ vì mục đích này mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháng 5/2018 đã viếng thăm Saint Petersburg, quê hương của ông Putin. Và ông Macron vừa rồi cũng đã đích thân bay tới Mátxcơva dự khán trận chung kết bóng đá World Cup 2018 cùng ông Putin, nơi mà đội tuyển Pháp đã lần thứ hai lên ngôi vô địch thế giới và cả thế giới, bao gồm cả những nước phương Tây không ưa Kremlin cũng đã buộc lòng phải thừa nhận nước Nga đã thành công rực rỡ trên cả một kỳ World Cup.