Tại Hội thảo “Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực tài chính và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam” do Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) tổ chức hôm 12-4 tại TP.HCM, bà Vũ Minh Châu thuộc Vụ hợp tác quốc tế (Ngân hàng Nhà Nước - NHNN), cho biết, cam kết về mở cửa ngành tài chính – ngân hàng của Việt Nam trong TPP về cơ bản ngang bằng mức cam kết trong WTO.
Cụ thể, Việt Nam không được phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư đến từ các nước TPP, không được phép áp dụng các biện pháp hạn chế thị trường, như hạn chế về pháp lý,… Tổng tỷ lệ cổ phần do cá nhân và tổ chức nước ngoài nắm giữ tại ngân hàng thương mại Việt Nam không được vượt quá 30% vốn điều lệ của ngân hàng – tương đương với cam kết của Việt Nam trong WTO.
Tuy nhiên, trong TPP cũng có các cam kết mà lâu nay Việt Nam chưa cam kết trong các hiệp định khác, hoặc nếu đã có thì mức độ cam kết cũng không cao như trong TPP. Đó là, với cơ chế Ratchet – cơ chế mới so với WTO - các nước TPP sẽ phải giữ nguyên hiện trạng các biện pháp hiện hành, nếu sửa đổi thì chỉ theo hướng tự do hơn. Việt Nam có thời gian chuyển đổi là ba năm khi thực hiện cơ chế này.
Chẳng hạn như, nếu Chính phủ Việt Nam thấy sức khoẻ của hệ thống ngân hàng đã cải thiện và quyết định cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại lên 35% thay vì 30% như hiện nay, thì sau đó Việt Nam không được phép hạ mức 35% mà chỉ có thể sửa đổi theo hướng nâng thêm.
Ngoài ra, với TPP, nếu Việt Nam cho phép các tổ chức tài chính trong nước cung cấp dịch vụ tài chính mới (mà không cần phải xây dựng mới hoặc sửa đổi luật) thì cũng phải cho phép các tổ chức tài chính của các nước TPP cung cấp dịch vụ tương tự.
Việt Nam cũng cho phép các nước TPP cung cấp qua biên giới các dịch vụ tài chính vào Việt Nam. Theo bà Châu, có ý kiến cho rằng nếu cho phép ngân hàng ở nước ngoài cung cấp qua biên giới vào Việt Nam các dịch vụ thẻ, sản phẩm phái sinh,… thì ngân hàng trong nước sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, với TPP, Việt Nam chỉ cho phép các ngân hàng ở nước ngoài cung cấp qua biên giới một số dịch vụ như tư vấn tài chính và chuyển thông tin tài chính. Trên thực tế, Việt Nam đã cho phép cung cấp xuyên biên giới hai dịch vụ này trong cam kết WTO.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường thẻ có mã quốc tế, cho phép nhà cung cấp nước ngoài cung cấp qua biên giới các dịch vụ thanh toán bù trừ (không mở cửa thị trường thẻ nội địa). Việt Nam cũng cho phép nhà đầu tư các nước TPP được chuyển tiền cũng như thanh toán ra vào lãnh thổ Việt Nam một cách tự do, không chậm trễ, không hạn chế loại tiền tệ, theo tỷ giá thị trường tại thời điểm chuyển tiền, liên quan đến khoản đầu tư và các dịch vụ qua biên giới. Nhưng, NHNN vẫn được quyền hạn chế hoạt động này nếu cán cân thanh toán bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoặc có dấu hiệu đe doạ hoạt động quản lý kinh tế vĩ mô.
Bà Vũ Minh Châu cho biết, với việc Việt Nam cam kết cho phép các tổ chức tài chính nước ngoài được cung cấp dịch vụ tài chính mới, sức ép cạnh tranh từ các ngân hàng nước ngoài đã hiện diện tại Việt Nam sẽ ngày càng lớn. Trong khi đó, sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng trong nước còn chưa đa dạng.
Theo ông Alan Phạm, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, trên thực tế, từ khá lâu trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam đã có sự hiện diện của ngân hàng nước ngoài. Do đó, lĩnh vực ngân hàng có cơ sở tốt để cạnh tranh, nhưng giờ đây, các ngân hàng Việt Nam cần tích cực hơn trong cạnh tranh sắp tới, và chuyên nghiệp hoá nhân viên cũng như ban lãnh đạo, điều hành.
Ông Alan Phạm cho biết, tại Việt Nam hiện có nhiều ngân hàng nhưng khách hàng chưa được phục vụ tốt. Khoảng 60-70% thu nhập của ngân hàng Việt Nam đến từ việc cho vay. Ông Alan cho rằng tỷ lệ này quá cao, và cho rằng thay vì kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay, ngân hàng trong nước nên phát triển đa dạng dịch vụ cho khách hàng, như dịch vụ sổ sách cho doanh nghiệp, quản trị tài chính cho người thu nhập cao, ngoại hối,…
Theo TBKTSG