Toàn văn TPP cao 1m, nặng hơn 45kg

Toàn văn TPP gồm 5.544 trang, khi in ra, tài liệu này cao gần 1m, nặng hơn 45kg. Do đó, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng không thể nhớ hết các nội dung của nó để tận dụng tốt...
Ảnh: Hữu Khoa
Ảnh: Hữu Khoa

Phải tạo liên kết với doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Ưu đãi nào cũng kèm theo điều kiện mà nếu không tuân thủ tốt và tìm hiểu kỹ, VN khó tận dụng được...

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, đã khẳng định như vậy tại hội nghị “TPP: cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại VN” diễn ra tại TP.HCM ngày 8-4.

"Ưu đãi nào cũng kèm theo điều kiện, mà nếu không tuân thủ tốt và tìm hiểu kỹ, VN khó tận dụng được"

Ông Trương Đình Tuyển (nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP)

Theo ông Tuyển, hơn 80% mặt hàng giày dép VN nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ được hưởng thuế 0% ngay khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.

Trong lĩnh vực dệt may, TPP yêu cầu khắt khe các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, nhưng cũng có những ngoại lệ cho VN chuẩn bị, cơ hội tăng trưởng mặt hàng thủy hải sản, đồ gỗ cũng rất lớn...

Ngoài ra, TPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác cũng đem lại cơ hội cho VN thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu, tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. Theo tính toán, một khi TPP có hiệu lực, giá trị vốn đầu tư vào VN mỗi năm tăng 25-35%.

Tuy nhiên, nguồn vốn này chỉ thật sự phát huy hiệu quả khi VN tạo được kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp bản địa và doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, thừa nhận nếu suôn sẻ, đến năm 2018 TPP chính thức có hiệu lực nhưng nhiều doanh nghiệp VN đang lo lắng với khoảng thời gian đó làm sao VN giải quyết được bài toán xuất xứ hàng hóa.

Những thay đổi của dệt may hiện chuyển động rất chậm, chỉ có hơn 20% nguyên phụ liệu xuất xứ từ VN. VN cần dòng vốn đầu tư FDI vào ngành dệt sợi để giải quyết một phần bài toán này bởi VN không thể khai thác được các lợi thế của TPP đem lại nếu vẫn tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn nguyên phụ liệu từ nước ngoài, đặc biệt hơn 50% nhập từ Trung Quốc.

Theo bà Virginia Foote - chủ tịch và giám đốc điều hành Bay Global Strategies (Mỹ), sự thiếu hợp tác giữa doanh nghiệp VN và doanh nghiệp FDI là lý do làm khoảng cách doanh nghiệp hai bên ngày càng lớn, đặc biệt khi VN hội nhập sâu. VN cần đánh giá đúng vai trò vốn FDI để các khoản đầu tư này được rót nhiều vào doanh nghiệp trong nước, tạo sự lan tỏa trong công nghệ, sản xuất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành, giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho biết ưu thế của doanh nghiệp FDI ngày càng rõ, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN, trong khi chưa có nhiều liên kết giữa hai khối doanh nghiệp bởi VN thiếu hẳn ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đây là sự khác biệt lớn giữa VN với các nước trong khu vực ASEAN hay Trung Quốc. “Nếu không muốn nhảy từ bẫy thu nhập thấp sang bẫy thu nhập trung bình, VN cần có một nguồn lực tăng trưởng mới dựa vào sự trỗi dậy của các ngành nghề trong nước, có sự liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài” - ông Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Nestor Scherbey, cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa thương mại VN (VTFA), cho rằng để tận dụng các ưu đãi thuế từ các FTA, trong đó có TPP mang lại, các công ty FDI sẽ phải xác định lại chuỗi cung ứng toàn cầu khi sản xuất hàng để xuất khẩu sang các thị trường TPP.

Điều này cũng mang đến cơ hội mới cho các doanh nghiệp VN để trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại VN và các công ty toàn cầu khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

“Vấn đề là doanh nghiệp VN phải hành động từ bây giờ, không nên đợi đến thời điểm TPP có hiệu lực. Toàn văn TPP gồm 5.544 trang, khi in ra, tài liệu này cao gần 1m, nặng hơn 45kg. Do đó, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng không thể nhớ hết các nội dung của nó để tận dụng tốt” - ông Nestor Scherbey khuyến cáo.

Theo Tuổi trẻ