Các công ty chứng khoán ưa thích nhóm ngành, cổ phiếu nào trong năm 2024?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mặt bằng lãi suất tiếp tục ở mức thấp và có thể giảm thêm trong năm 2024 được cho là yếu tố hỗ trợ tốt đối với ngành ngân hàng cũng như mức định giá đối với cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Chỉ số VN-Index 'chốt' năm 2023 với mức tăng 12,2% so với cuối năm 2022, lên sát ngưỡng 1.130 điểm. Trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024, chỉ số này tiếp tục bứt phá, nhanh chóng vượt ngưỡng 1.150 điểm.

Đến nay, nhiều công ty chứng khoán đã công bố báo cáo chiến lược đầu tư năm 2024 và hầu hết đều dự báo VN-Index có thể đạt được mốc 1.300 điểm.

vnindex-3491.png
VN-Index tăng 24,75 điểm trong tuần đầu năm mới 2024 (Nguồn: Tradingview)

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, trái ngược với năm 2023 khởi đầu với nhiều nút thắt của thị trường tài chính trong nước và những "cơn gió ngược" từ bức tranh vĩ mô thế giới, năm 2024 được xem là "dễ thở hơn" ở hầu hết các vấn đề của năm cũ.

Theo đó, kinh tế vĩ mô dự báo sẽ phục hồi từ mức nền thấp nhờ vào sự cộng hưởng tích cực của chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ bắt đầu mang lại hiệu ứng lan tỏa tốt sang các thành phần kinh tế khác trong năm 2024.

Bên cạnh đó, nhu cầu đơn hàng của thế giới sẽ phục hồi sau mức giảm tồn kho đáng kể trong năm 2023, và niềm tin tiêu dùng cải thiện thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và doanh số bán lẻ hàng hóa.

Theo VDSC, một vài biến số vĩ mô có thể sẽ trở thành "cơn gió ngược" của thị trường như lạm phát tăng cao, thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó và kinh tế thế giới chìm sâu vào suy thoái.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, VDSC cho rằng một sự xoay chiều chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương thế giới và phân bổ lại dòng vốn đầu tư giữa các thị trường có thể là động lực giúp thị trường chứng khoán phục hồi mạnh.

Công ty chứng khoán này dự báo, trong năm 2024, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.080 – 1.390 điểm. Giá trị khớp lệnh bình quân có thể duy trì ở mức 15.000 – 20.000 tỉ đồng/phiên.

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024.

Ở chiều ngược lại, những rủi ro mà nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phải đối mặt là xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ tạm ngưng khi sức mua và nhu cầu vốn chưa hồi phục, lạm phát tăng cao và căng thẳng địa chính trị trong khu vực và trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, VCBS nhận định diễn biến chung của thị trường trong năm 2024 nhiều khả năng sẽ là những nhịp tăng giảm đan xen đi cùng với sự phân hóa mang tính “tách tốp”, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp đầu ngành có triển vọng kinh doanh ổn định và khả năng chịu đựng tốt hơn so với các đối thủ trong cùng ngành.

VCBS dự báo mức cao nhất của chỉ số VN-Index có thể đạt được trong năm 2024 là vùng 1.300 điểm. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên có thể đạt khoảng 16.000 – 17.000 tỉ đồng, giảm khoảng 5% so với năm 2023.

Còn theo CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo có thể đảo chiều chính sách là cơ sở để kỳ vọng dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi, trong đó có thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội nâng hạng trong năm 2024 cũng sẽ là yếu tố thu hút dòng tiền ngoại.

BVSC dự báo VN-Index có thể đạt 1.300-1.350 trong năm 2024, với điểm tựa là tăng trưởng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nhóm ngành, cổ phiếu triển vọng trong năm 2024

Bên cạnh những dự báo về thị trường chung, các công ty chứng khoán cũng đưa ra những nhận định về từng ngành, cổ phiếu ưa thích trong năm 2024.

Theo đánh giá của VDSC, các ngành có doanh thu tăng trưởng cao bao gồm: ngân hàng, bất động sản dân dụng, thép, thủy sản, điện, bán lẻ, dệt may, và kho vận, đều đang phục hồi từ mức nền thấp của năm 2023.

Phân tích danh mục 56 cổ phiếu (chiếm 40% tổng vốn hóa sàn HOSE), VDSC ước tính tổng doanh thu năm 2024 của nhóm doanh nghiệp này sẽ tăng trưởng 15% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế dự báo tăng trưởng khoảng 24%, với sự dẫn dắt của các ngành thép, bán lẻ, dầu khí, hóa chất, khu công nghiệp, điện và dệt may.

Các cổ phiếu mà VDSC đánh giá cao bao gồm: VCB, ACB, VIB, KBC, NTC, PVD, FPT, KDH, POW, FMC, GMD và MWG.

Trong khi đó, VCBS cho rằng mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp và có khả năng giảm thêm, là yếu tố hỗ trợ đầu vào quan trọng cho ngành ngân hàng, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mức định giá của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Theo VCBS, những ngân hàng duy trì được chất lượng dư nợ tín dụng tốt, bất chấp bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn chung, sẽ là những lựa chọn đầu tư có rủi ro thấp với mức lợi nhuận chấp nhận được trong năm 2024.

Đối với lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, VCBS nhận định rằng tiềm năng tăng trưởng vẫn là rất lớn. Nhà đầu tư có thể lựa chọn những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đã bước sang chu kỳ bán hàng sau khi hoàn thành xong giai đoạn đầu tư.

Ngoài ra, theo VCBS, để kích thích tăng trưởng kinh tế, Chính phủ sẽ tiếp tục xu hướng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công với trọng tâm là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, theo đó mang đến tác động tích cực cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng.

BVSC không đưa ra khuyến nghị cổ phiếu cụ thể nào cho năm 2024, song công ty chứng khoán này dự báo 80 doanh nghiệp lớn tăng trưởng khiêm tốn 0,3% trong năm 2023 sẽ phục hồi mạnh 15,1% vào năm 2024 với sự tăng trưởng trở lại của nhiều nhóm ngành.

Cũng theo BVSC, chỉ số P/E của các doanh nghiệp phi tài chính và bất động sản hiện ở mức cao. Giá cổ phiếu của nhiều nhóm ngành đã đi trước phản ánh hết kỳ vọng kết quả kinh doanh của năm 2024./.