Bộ trưởng Công Thương: Phát triển kinh tế số, cần chú trọng an ninh mạng và dữ liệu xuyên biên giới

VietTimes -- Bộ trưởng Công thương Trần Anh Tuấn cho rằng, cần chú trọng những vấn đề như đẩy mạnh an ninh mạng và luồng dữ liệu xuyên biên giới, tạo điều kiện sự phát triển của TMĐT và tài chính di động, tăng cường tiếp cận số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại phiên thảo luận về “Thị trường số, Cơ hội toàn cầu”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại phiên thảo luận về “Thị trường số, Cơ hội toàn cầu”.

Quan điểm trên được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra tại phiên thảo luận về “Thị trường số, Cơ hội toàn cầu” với sự tham dự của gần 200 đại biểu là đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) diễn ra sáng ngày 13/9.

Phiên thảo luận tập trung vào 4 chủ đề chính: Sự bùng nổ thị trường thương mại điện tử; Hạ tầng số, Dịch vụ tài chính di động, Dữ liệu xuyên biên giới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định: "Xu hướng số hóa hay công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ; từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng... Những tác động này dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội cũng như phương thức và cách thức tổ chức của các doanh nghiệp".

Cùng lúc đó, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nếu như năm 2014, doanh thu bán lẻ TMĐT của Việt Nam ước tính đạt 2,97 tỷ USD, chiếm khoảng 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thì đến năm 2017, thống kê ban đầu cho thấy quy mô thị trường bán lẻ đạt khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2016, chiếm 3,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Dự kiến vào năm 2020, 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm; doanh số TMĐT B2C sẽ đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

“Tuy nhiên, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với một số thách thức như: Sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống; an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Để phát triển Kinh tế số, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất các nhà hoạch định chính sách ASEAN cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số không những ở cấp quốc gia, mà còn chung cho toàn khu vực ASEAN.

Diễn đàn Kinh tế thế giới dự báo công nghệ mới sẽ thay thế khoảng 7,1 triệu lao động trên thế giới từ nay đến năm 2020. Do đó, cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay sẽ khiến đất nước có thể phải đối mặt với khó khăn do tự động hóa và chuyển đổi số trong thời gian tới.

Ở góc độ doanh nghiệp, theo khảo sát mới nhất của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp, mặc dù ngành công nghiệp đã có một số doanh nghiệp tiên phong (trong các lĩnh vực như dầu khí, điện…) chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sự thay đổi của công nghệ, nhưng vẫn có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc. Trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu.

Các doanh nghiệp ở khối thương mại và dịch vụ được đánh giá có trình độ tiếp cận công nghệ số và tính sẵn sàng cao hơn. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, logistics, du lịch, bảo hiểm đã và đang ứng dụng mạnh công nghệ số trong hiện đại hóa quy trình kinh doanh.

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đang giữ vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế số thông qua một loạt các cơ chế chính sách, và đặc biệt chủ trương này gần đây đã được củng cố thêm bởi Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những cơ chế này trong thời gian tới sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp đưa ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh nghiều hơn.