Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã mang những sáng kiến gì tới WEF 2018?

VietTimes -- Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) sáng 12/9 đã có phiên khai mạc toàn thể với chủ đề “Những ưu tiên của ASEAN trong Cách mạng Công nghiệp 4.0”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã mang đến hội nghị những sáng kiến nhằm phát triển nhanh và đẩy lùi các thách thức trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Các đại biểu tham dự WEF 2018. Ảnh: chinhphu.vn
Các đại biểu tham dự WEF 2018. Ảnh: chinhphu.vn

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công nghệ cao và kinh tế số là lĩnh vực tiềm năng của nền kinh tế ASEAN với dự báo nền kinh tế trực tuyến sẽ tăng gấp 4 lần lên tới trên 200 tỷ USD vào năm 2025. Thủ tướng cũng chỉ ra những cơ hội và thách thức lớn của ASEAN trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời đề xuất một số phương hướng phát triển ưu tiên.

Phương án đầu tiên, quan trọng nhất là kết nối số, chia sẻ dữ liệu. “Dữ liệu là nền tảng của Cách mạng Công nghiệp 4.0”, Thủ tướng đề nghị các quốc gia cần nâng cao trao đổi kết nối số, hỗ trợ thương mại và chính phủ điện tử. Hai là cần có sự hòa hợp trong môi trường kinh doanh và kết nối hạ tầng, có sự kết hợp về tài chính, ngân hàng, thị trường, truyền thông và logistic. Ba là thúc đẩy phát triển những vườn ươm sáng tạo, tìm kiếm và phát huy những tài năng. Bốn là thành lập mạng lưới giáo dục ASEAN, phát triển hệ thống học tập suốt đời.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn

Bên cạnh hướng nhìn ra bên ngoài, Thủ tướng đề nghị phát huy thị trường nội khối là một thị trường đủ lớn cho các chiến lược phát triển, hướng đến thị trường ASEAN 2025 - một ASEAN mở, hợp tác đa dạng. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, Thủ tướng cho rằng cần phải đoàn kết, tăng cường hợp tác trong nội bộ ASEAN.

Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã đưa ra 3 sáng kiến mở trao đổi tại diễn đàn. Thứ nhất là quan điểm về một ASEAN phẳng, không chênh lệch về khoảng cách, mọi công dân ASEAN đều sống bình đẳng dưới một mái nhà. Thứ hai, quyền Bộ trưởng đề xuất thiết lập Đại học Công nghệ Thông tin (ICT) của ASEAN nhằm trang bị những kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông cho các công dân ASEAN. Sáng kiến thứ ba là thành lập trung tâm chia sẻ thông tin về an ninh mạng trong cộng đồng ASEAN.

Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: VnExpress
Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: VnExpress

“Cuộc sống của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào Internet. Sự thịnh vượng của chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, Internet không an toàn. Vì vậy, điều quan trọng nhất với chúng ta trong tương lai là an ninh mạng”, Quyền Bộ trưởng giải thích.

Hội nghị với sự tham gia của khoảng 1000 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN, trong khu vực và lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới. Sau lễ khai mạc, các đại biểu sẽ cùng thảo luận một số vấn đề nổi bật như viễn cảnh kinh tế ASEAN, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tương lai, xung đột thương mại, chủ nghĩa đa dạng ở ASEAN...