Khuynh hướng Xã hội chủ nghĩa trong tranh cử ở Mỹ:

Bài 1: Phe Dân chủ ngày càng thiên về một cương lĩnh xã hội chủ nghĩa cực đoan?

VietTimes Editors' Note: Ngày nay trên toàn thế giới không đâu còn có kinh tế thị trường tự do hoàn toàn nữa, gần như tất cả đều đã là những nền kinh tế hỗn hợp (mixed economy) trong đó bàn tay thị trường vô hình và bàn tay nhà nước hữu hình cùng kết hợp để quyết định nền kinh tế sẽ sản xuất cái gì với khối lượng bao nhiêu, sản xuất như thế nào, và sản xuất cho ai. Cũng có thể nói, tất cả đều đã là những nền kinh tế thị trường có định hướng, khác nhau chỉ là định hướng như thế nào và việc định hướng ấy được đặt tên ra sao. Giáo sư Terry Buss, Học viện hành chính quốc gia Hoa Kỳ, có loạt bài viết riêng cho VietTimes về khuynh hướng Xã hội chủ nghĩa ở các ứng cử viên Dân chủ vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020.

3 ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ tranh cử tổng thống 2020: Elizabeth Warren, Joe Biden và Bernie Sanders. Ảnh: NYPost
3 ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ tranh cử tổng thống 2020: Elizabeth Warren, Joe Biden và Bernie Sanders. Ảnh: NYPost

Không chỉ những ứng viên Dân chủ tranh cử tổng thống năm 2020, mà hầu hết những nghị sĩ Dân chủ và lãnh đạo của họ, cùng nhiều nhà tài trợ chiến dịch cho phe Dân chủ, cũng như khối cử tri trọng yếu của đảng (Party’s Base) này đều đang tỏ ra ngày càng thiên tả (moving increasingly left), ngày càng chuyển dịch về hướng Chủ nghĩa xã hội (Socialism)

Phong trào Dân chủ thoát ly Thiên hướng tự do (Liberalism) và tách rời Thiên hướng cải cách xã hội (Progressivism) để chuyển sang Chủ nghĩa xã hội, đã có được động lực mới kể từ khi Tổng thống Obama nhậm chức năm 2008; rồi tăng tốc ở giai đoạn ông Bernie Sanders thua bà Hillary Clinton trong cuộc đua đại diện phe Dân chủ thi đấu với ông Donald Trump năm 2016; và rốt cuộc phong trào này giờ đã trở thành trọng tâm của phe Dân chủ sau khi cuộc bầu cử hạ viện năm 2018 bầu ra 4 thành viên hạ viện mới, là những người định hình đường lối tuyên truyền của Đảng Dân chủ (Party’s narrative)

Đóng góp của Tổng thống tiền nhiệm Obama

Ngay trước cuộc bầu cử tháng 11/2008, ông Obama loan báo: “Chúng ta chỉ còn cách cuộc cải tổ căn bản nước Mỹ có 5 ngày.” Vài tháng trước đó, trong tháng 5/2018, đệ nhất phu nhân Michelle Obama tuyên bố: ”Chúng ta phải thay đổi cách đối thoại; chúng ta sẽ thay đổi nhiều truyền thống, thay đổi lịch sử; và với tư cách một quốc gia, chúng ta sẽ phải tiến tới một nơi chốn mới và khác biệt.

Ông Obama được bầu đúng lúc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 bắt đầu, và chính điều này cho phép ông bắt đầu việc chuyển đổi xã hội và nền kinh tế. Ông tiêu gần 1000 tỉ USD kích thích nền kinh tế bằng cách nâng quyền lợi cho người thất nghiệp, nâng lương giáo viên, chi tiêu chăm sóc sức khỏe, cùng với tài trợ các dự án hạ tầng. Ông cũng mua giải cứu ngành ô tô (81 tỉ USD), ngành ngân hàng (700 tỉ USD). Những người có nguy cơ mất nhà thế chấp thì được cho vay từ quỹ 75 tỉ USD để có nguồn trả một phần nợ vay mua nhà.

Obama đưa ra một chương trình lớn mà nay đang thất bại, mang tên Obamacare, chi tiêu tới một ngàn tỉ USD mỗi năm, khi đó được coi là dấu hiệu báo trước tham vọng của ông muốn từ bỏ bảo hiểm y tế tư nhân và thay thế bằng một chương trình do chính phủ chi trả.

Những chương trình phúc lợi xã hội, bao cấp thực phẩm, trợ giúp nhà ở, bồi thường thất nghiệp, mua giải cứu tín dụng nhà đất đều được mở rộng mạnh mẽ.

Obama lập nên những đại kế hoạch cấp trung ương (central planning schemes), đặc biệt ở lĩnh vực năng lượng và môi trường. Một bộ mục tiêu quốc gia được tạo ra nhằm giảm phát thải carbon xuống thấp hơn những mức trước đó. Lĩnh vực môi trường được quy định ngặt nghèo không chỉ để xóa bỏ phát thải carbon mà còn để giải thể những ngành sản xuất tạo nhiều khói bụi vốn là nền tảng của khu vực chế tạo Mỹ. Các ngành than và dầu khí bị tàn phá nặng nề trong một nỗ lực dùng quang điện và phong điện làm nguồn thay thế. Các công ty năng lượng được liên bang trợ cấp để đẩy mạnh việc từ bỏ những ngành sản xuất tạo nhiều carbon. Ông Obama cho các công ty sản xuất tấm pin mặt trời vay hàng tỉ USD.

Ông Obama cũng cắt giảm sâu chi phí quốc phòng, bao gồm cả giảm thiểu quy mô quân đội để tài trợ những chương trình này. Sau 8 năm cầm quyền ông Obama đã làm nợ quốc gia tăng thêm 8,6 ngàn tỉ USD để bù đắp thiếu hụt chi tiêu.

Ông Sander mở rộng cương lĩnh xã hội chủ nghĩa như thế nào?

Ông Sanders, 78 tuổi, trong suốt sự nghiệp chính trị của mình vẫn tự tuyên ngôn thẳng thừng rằng bản thân là người thực hành Xã hội chủ nghĩa. Trước cuộc tranh cử tổng thống năm 2016, không có ai chú ý đến những đề xuất cực tả (radical left) của ông. Mặc dù có 27 năm trong Quốc hội, ông chưa từng là tác giả của hay giành thắng lợi với bất kỳ sáng kiến lập pháp nào. 

Tuy nhiên khi cạnh tranh với bà Clinton hồi 2016, bất chấp tuổi tác cũng như quá khứ hơi nghèo thành tựu của mình, ông vẫn lấy được cảm tình của cử tri, nhất là những người trẻ bằng những đề xuất Xã hội chủ nghĩa dòng chính. Năm đó, Sanders là ứng cử viên tổng thống duy nhất có được một danh mục đầy đủ những chính sách được chuẩn bị kỹ lưỡng để thu hút sự quan tâm của những ai đang tìm kiếm những thay đổi sâu rộng mà trước đó ông Obama đã hứa hẹn.

Có thể tóm tắt chính sách của ông Sanders như sau: coi bộ phận giàu có nhất chiếm 1% dân Mỹ là nguyên nhân của bất công kinh tế và bất công xã hội trên toàn quốc; tái phân phối của cải trong toàn dân Mỹ; giảm quyền lực của các đại công ty, công ty đa quốc gia; mở rộng can thiệp của chính phủ tới mọi phương diện của đời sống Mỹ.

Ông giành 43% phiếu và thua bà Clinton (55%) trong vòng sơ bộ 2016 của đảng Dân chủ, một phần nguyên nhân là do đảng Dân chủ Toàn quốc bí mật cản trở chiến dịch của ông, và do truyền thông dòng chính năm đó ủng hộ bà Clinton.

Chủ nghĩa xã hội đã phải chịu một bước lùi lớn, tuy là tạm thời, khi bà Hillary Clinton thất cử trước ông Donald Trump. Ông Trump đã tháo dỡ một cách có hệ thống gần như toàn bộ những sáng kiến chính sách của ông Obama vốn được thực thi trong giai đoạn 2009-2017. Ông xóa bỏ những chính sách về năng lượng và môi trường của Obama. Xem xét lại ở mức sâu rộng những quy định của chính quyền trong mọi khu vực nền kinh tế, đặc biệt trong ngành tài chính và ngân hàng. Ông giảm thuế cho toàn dân Mỹ, bao gồm cả các công ty. Giảm mạnh việc tham gia những chương trình phúc lợi xã hội. Và vì vậy, ông Trump đã phải đối mặt với những phong trào kinh tế và công lý xã hội. Có lẽ chính việc bà Clinton thua ông Trump và những hệ quả đi kèm, đã kích hoạt những người Xã hội chủ nghĩa, thôi thúc họ nỗ lực hơn trong cuộc tranh cử sắp tới.

Mặc dù thua cuộc, ông Sanders vẫn giữ nguyên vẹn tổ chức chính trị của mình, và nỗ lực để nó sẵn sàng cho cuộc tranh cử với Donald Trump năm 2020. Nhiều cổ động viên giờ vẫn trung thành với ông Sanders đến mức từ chối chuyển sang ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào khác.

Để tranh cử tổng thống năm 2020, ông Sanders đã dùng lại cương lĩnh 2016 và điều chỉnh để nó “Xã hội chủ nghĩa hơn.” Ông vẫn tấn công dữ dội giới tỉ phú, các đại công ty, và giới quyền lực Washington.

Lo ngại ông Sanders thắng vòng đề cử của đảng Dân chủ năm 2020, toàn bộ 25+ ứng cử viên tổng thống của phe Dân chủ đã bắt đầu sao chép những chính sách Xã hội chủ nghĩa của ông. Chẳng hạn ta biết rằng kể từ 2010 đảng Dân chủ vẫn ủng hộ chương trình Obamacare vốn gộp trợ cấp công cộng với bảo hiểm tư nhân để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thế mà nay các ứng viên tổng thống 2020 của đảng Dân chủ lại chủ yếu chỉ ủng hộ những biến thể của chương trình Y tế cho tất cả (Medicare for All) của ông Sanders, theo đó sẽ xóa bỏ chương bình Obamacare để chuyển hẳn sang chỉ dùng một hệ thống hoàn toàn công cộng.

Khi những chính sách đề xuất của các ứng cử viên này tỏ ra khá tương đồng, một số ứng cử viên còn chủ động chuyển xa hơn nữa về phía tả để tách mình ra xa những ứng viên còn lại. Chẳng hạn, ông Sanders còn muốn tạo ra những chương trình “bồi thường, chuộc lỗi” dành cho những người Mỹ da đen có tổ tiên từng phải làm nô lệ. Những ứng cử viên khác còn hứa bồi thường tiền mặt không chỉ cho người da đen, mà còn cho cả những người nhập cư bất hợp pháp, những người tàn tật, những cặp đôi đồng tính, những người LGPQ và những người khác nữa trong một chương trình tái phân phối khổng lồ.

Những người Xã hội chủ nghĩa Dân chủ trỗi dậy năm 2018

Một phần nhờ thành công của ông Sanders, nhóm DSA (Democratic Socialists of America -- những người Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Mỹ), thành lập năm 1982, đã mở rộng được từ 30 ngàn lên 60 ngàn thành viên, nhóm này chắc hẳn sẽ chống Trump và những người Dân chủ đang cầm quyền (establishment Democrats). Có 2 ứng cử viên DSA giành được ghế ở quốc hội: Alexandra Ocasio-Cortez (viết tắt là AOC) và Rashida Tlaib. Hai người này cùng hai người khác của đảng Dân chủ mới giành thắng lợi trong bầu cử, là Ilhan Omar và Ayanna Pressley, đã lập nên một nhóm gọi là “The Squad”(nhóm đặc nhiệm - ND) trong quốc hội, theo đuổi một cương lĩnh Xã hội chủ nghĩa cực đoan. Trong khi DSA phản ánh những chính sách Xã hội chủ nghĩa của ông Sanders thì tự thân ông này lại là một ứng cử viên độc lập (an Independent)

4 thành viên nhóm The Squad (từ trái qua): Rashida Tlaib (43 tuổi), Ilhan Omar (37 tuổi), Alexandria Ocasio-Cortez (30 tuổi), và Ayanna Pressley (45 tuổi)
4 thành viên nhóm The Squad (từ trái qua): Rashida Tlaib (43 tuổi), Ilhan Omar (37 tuổi), Alexandria Ocasio-Cortez (30 tuổi), và Ayanna Pressley (45 tuổi)

Nhóm “The Squad” ngay lập tức dùng truyền thông chủ lưu và truyền thông xã hội tấn công nhóm cầm quyền, bao gồm cả những người Dân chủ Tự do và Cải cách (Liberal and Progressive Democrats) cùng nhóm lãnh đạo của họ; ông Donald Trump cùng những người Cộng hòa đương nhiên cũng bị tấn công. Những thành viên nhóm đặc nhiệm này hiện hết thảy đều nổi tiếng như là những “ngôi sao nhạc rock của công chúng”, nhiều người tin rằng họ sẽ là gương mặt mới của phe Dân chủ.

Qua 7 tháng hoạt động, nhóm “The Squad” đã thành công đến mức những tư tưởng Xã hội chủ nghĩa cực đoan của họ đã đi vào được dòng chính. Kết quả, họ tỏ ra đã chuyển được Đảng Dân chủ đi xa thêm nhiều về phía tả, còn các ứng cử viên tổng thống của đảng này thì đi về phía cực tả. Duy nhất chỉ còn Joe Biden, phó tổng thống của Obama hiện cũng đang nỗ lực tranh cử tổng thống, là vẫn còn trung dung chưa ngả theo sự dẫn dắt của nhóm The Squad.

Còn AOC, sau khi nhậm chức, đã tạo ra một nghị quyết mang tên Green New Deal (Tạm dịch Tân chính sách về Phát triển xanh, sau đây viết tắt là GND), một tuyên bố về chính sách có vai trò hướng dẫn một Quốc hội mới trong năm 2019. GND đi xa hơn những kế hoạch của Obama, thậm chí của Sanders. AOC lăng xê “chào bán” GND như là một kế hoạch khẩn cấp nhằm cứu quốc gia và hành tinh khỏi biến đổi khí hậu. Cô ta đã khôn khéo kết hợp được nỗi sợ về biến đổi khí hậu với cái nhu cầu tái cấu trúc tổng thể xã hội và nền kinh tế, tức là Chủ nghĩa xã hội. Làm được vậy, thì chi phí đắt rẻ sẽ không còn là vấn đề nữa.

Cố vấn trưởng của AOC gợi ý rằng GND “giải quyết được biến đổi khí hậu VÀ đảo ngược được sự bất bình đẳng của cải bằng cách chủ động xây dựng một nền kinh tế năng lượng mới trong nước Mỹ.” GND kêu gọi “một sự tập hợp kinh tế, xã hội và ngành nghề mới, trên phạm vi quốc gia và ở một quy mô chưa từng thấy từ Thế chiến II và từ kỷ nguyên Tân chính sách (New Deal).” Gần đây, cộng sự của AOC có thừa nhận mục tiêu của GND là hạ bệ (take down) chủ nghĩa tư bản (Capitalism) và thay thế nó bằng Chủ nghĩa xã hội dân chủ (Democratic Socialism).

GND, ít nhất là về tinh thần, được cho là đã lấy cảm hứng từ những tân chính sách mà tổng thống Franklin Roosevelt đã dùng để đáp lại cuộc đại khủng hoảng kinh tế những năm 1930.

GND cổ xúy những thứ như xóa bỏ hầu hết du lịch hàng không, chuyển đổi sang một nền kinh tế tổng phát thải bằng zero vào năm 2030, cải tạo để mọi tòa nhà trở nên tiết kiệm năng lượng, loại bỏ mọi loại nhiên liệu hóa thạch và nhiều thứ khác. Về mặt kinh tế, mọi người đều được trao việc làm; mọi người đều được đảm bảo một mức lương đủ sống; miễn phí hoàn toàn y tế, giáo dục, nhà ở, vân vân. GND đi theo cách tiếp cận của Sanders: người giàu sẽ bị đánh thuế.

Điều thú vị là khi vận động tranh cử, gần như tất cả những ứng cử viên tổng thống năm 2020 đều bày tỏ sự ủng hộ GND. Giới lãnh đạo Dân chủ ở Hạ viện chủ trương cấm bỏ phiếu cho GND, cho rằng nó sẽ gây hệ lụy lớn; trong khi ở Thượng viện, tất cả các thành viên Dân chủ (43) bỏ phiếu trắng, còn tất cả thành viên Cộng hòa (53) bỏ phiếu chống. Thế nhưng các ứng cử viên tổng thống, không muốn xung đột với nhóm The Squad, thì lại nói rằng họ ủng hộ GND về mặt nguyên tắc, chỉ có điều chưa cam kết ủng hộ những chi tiết của kế hoạch mà thôi !

Như là một phương án thay thế, các ứng cử viên đang nhặt từng hợp phần của GND rồi chắp nối để tạo ra những phiên bản riêng của mình. Chẳng hạn, có ít sự ủng hộ cho chủ trương đảm bảo công việc cho mọi người, nhưng có nhiều ủng hộ cho đề xuất tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ.

Nhóm The Squad sẽ không thỏa hiệp với những người Dân chủ khác về GND. Nhóm này đang dùng nhiều chiến thuận khác nhau để đe ép những người Dân chủ phải chuyển sang 'thiên tả'. Công cụ chính yếu là tìm ra những ứng cử viên ủng hộ GND để chống lại những người Dân chủ không ủng hộ. Nhóm Squad thậm chí còn có những tổ chức gây quỹ riêng để chạy chiến dịch lật đổ những người Dân chủ không đồng thuận với họ. Nhóm đặc nhiệm này là những bậc thầy về lôi kéo chú ý của truyền thông cho những kế hoạch của mình. Họ xuất hiện trên truyền thông hàng ngày, vượt xa mức xuất hiện của bất kỳ đảng viên Dân chủ nào khác. Họ đã công khai tấn công giới lãnh đạo Dân chủ trong quốc hội, ép giới này phải ủng hộ mình. Nhóm này cũng đoàn kết trong việc phản đối bất cứ thứ gì ông Trump làm. Ngay cả vị cố vấn (mentor) của họ là Bernie Sanders cũng bị tấn công một cách gián tiếp chỉ vì ông đã khá già (nhóm the Squad đều mới ngoài 30). Chiến lược này tỏ ra hữu hiệu khi nhiều người trong Quốc hội đang tỏ ra ủng hộ họ.

Nhóm The Squad cũng đã tự sa vào những mắc mớ chính trị, phần nào xa rời kế hoạch thực hiện những mục tiêu GND. Chủng tộc, giới tính, tuổi tác, tôn giáo là những vấn đề đang quẩn xoáy quanh họ mạnh đến mức những người Dân chủ Tự do và Cải cách từng ủng hộ họ giờ cũng đang quay lưng. Còn ông Trump và những người Cộng hòa thì tấn công nhóm này hàng ngày.

Triển vọng cho Chủ nghĩa xã hội ở Mỹ

Như vậy, phe Dân chủ có thể đang đứng trước khả năng trở thành một đảng chính trị Xã hội chủ nghĩa “hoàn toàn”, với sự thúc đẩy của Sanders, nhóm Squad, và một số thành viên từ khu vực bầu cử của họ. Cũng có thể cái nỗ lực theo đuổi Chủ nghĩa xã hội này có thể sắp sụp đổ. Những vòng bầu cử sơ bộ mùa Xuân 2020 để chọn ra một ứng cử viên tổng thống sẽ đấu với Trump và để bầu thành viên quốc hội, sẽ phát tín hiệu việc chuyển hướng sang Chủ nghĩa xã hội có trở thành hiện thực hay không.  

Và, nếu phe Dân chủ giành ghế tổng thống và kiểm soát quốc hội năm 2021, thì nước Mỹ khả năng cao sẽ chuyển sang Chủ nghĩa xã hội. Nếu phe Dân chủ đánh mất hoặc Hạ viện, Thượng viện hoặc Ghế tổng thống, bất kỳ một chương trình Xã hội chủ nghĩa lớn nào cũng sẽ bị giảm tốc rất nhiều.

Phe Dân chủ đang hy vọng rằng sự ủng hộ mạnh mẽ (40%) dành cho Chủ nghĩa xã hội trong công chúng Mỹ, đặc biệt là những người trẻ, sẽ biến thành lá phiếu cho phe Dân chủ cạnh tranh với ông Trump. Điều này hiện vẫn chưa chắc chắn.

Cuộc chạy đua tổng thống vừa mới khởi động và kinh nghiệm quá khứ cho ta biết rằng người được trông đợi là thắng lợi nhiều nhất có khi lại thất bại cay đắng: Hãy hỏi bà Clinton hồi 2008 và 2016.

Phần 2: Chủ nghĩa xã hội sẽ hình thù ra sao khi Tổng thống năm 2021 là một người Dân chủ?

Hải Văn (chuyển ngữ)