Nếu bỏ thời gian để đọc những câu chuyện mà truyền thông Mỹ đăng tải gần đây, người ta dễ tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump - xét về mặt cá nhân ông - đang vận hành các khu trại tập trung chẳng khác gì của Đức quốc xã để giam giữ, trừng phạt, tra tấn và trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ bằng đường biên giới phía Nam.
Có thể nhắc tới một số tít dẫn mà tờ New York Times đăng tải mới đây: "Sự tàn nhẫn sẽ không giúp ngăn chặn sự tàn nhẫn ở biên giới"; "Đói khát, sợ hãi và ốm đau"; "Có mùi hôi thối: Quần áo bám đất và không có phòng tắm cho trẻ em nhập cư"; "Cách đối xử với người nhập cư gần với hành động diệt chủng".
Các tổ chức vì nhân quyền hiện đang khởi kiện, hết nhóm này đến nhóm khác, nhằm chấm dứt tình trạng ngược đãi người nhập cư trái phép. Nhiều nhà thờ, tổ chức phi chính phủ, luật sư, nhân viên xã hội... đang nhân vụ việc trại tập trung để phản đối, đưa ra biện pháp hỗ trợ người nhập cư trái phép, hạ nhục ông Trump và các đặc vụ đang làm việc tại các khu trại này, và gây trở ngại cho hệ thống các trại này bằng cách làm nó quá tải. Liên hiệp Tự do dân sự Mỹ, Chương trình hỗ trợ người tị nạn quốc tế cùng nhiều tổ chức khác đã gửi 150 đơn kiện nhằm vào chính quyền Tổng thống Trump.
Giới chức chính quyền và thành phố ở nhiều bang đang đề ra biện pháp bảo vệ và cung cấp "nơi ẩn náu" cho người nhập cư trái phép, bất chấp các cơ quan chính phủ ra sức thực thi luật nhập cư của Mỹ. Một thẩm phán ở Boston còn đang phải đối mặt với khả năng bị xét xử vì giúp một người nhập cư trái phép thoát khỏi sự truy xét của các đặc vụ liên bang.
Các phái đoàn Quốc hội liên tục rời khỏi văn phòng của họ ở Washington để thực hiện các chuyến thị sát tới các trại tập trung khiến dư luận ngày càng chú ý đến câu chuyện ngược đãi người nhập cư trái phép. Nữ nghị sỹ Alexandria Ocasio-Cortez đã đăng tải một thông điệp trên Instagram rằng "chính quyền Trump đang vận hành các trại tập trung ngay tại biên giới phía Nam của chúng ta".
Một ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, Cory Booker, còn tiến xa hơn khi đến tận lãnh thổ Mexico, gom góp một nhóm người nhập cư trái phép và giúp họ băng qua biên giới để vào Mỹ. Một ứng viên khác, Julian Castro, thậm chí còn yêu cầu - và nhận được sự ủng hộ của toàn bộ 20 ứng viên tổng thống đảng Dân chủ - mở cửa biên giới cho tất cả mọi người, như một biện pháp để xóa bỏ các trại tập trung.
Ngay cả Liên hợp quốc cũng lên tiếng. Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet cho rằng bà cảm thấy "kinh hoàng" và "sốc nặng" trước tình trạng các trại tập trung, nơi mà trẻ em bị chia tách khỏi gia đình chúng, nơi mà "các tù nhân" bị buộc phải ngủ trên sàn nhà, nơi có các điều kiện vệ sinh nghèo nàn và là nơi mà trẻ em bị buộc phải uống nước bồn cầu.
Một đứa trẻ trong trại tập trung người nhập cư (ảnh: Getty Images)
|
Tổng thống Trump còn khiến cho vấn đề này thêm phần tồi tệ, khi đưa ra một số đoạn tweet trong ngày 4/7 vừa qua: "Nếu những người nhập cư trái phép không vui với điều kiện ở các trại tập trung vốn được xây dựng, sửa chữa nhanh, thì nói với họ là đừng đến đây nữa. Vấn đề được giải quyết!".
Xét toàn diện thì điều kiện ở các khu trại này đúng là kinh khủng, nhưng cũng không đến mức tồi tệ như những người chỉ trích đang lu loa.
Trưởng Thanh tra của Bộ An ninh Nội địa mới đây khẳng định rằng, người nhập cư trái phép trong các khu trại đúng là ngủ trên sàn nhà, không nhận được quần áo sạch, có khẩu phần ăn không đủ và không có phòng tắm. Ủy ban Cố vấn của Bộ An ninh Nội địa cũng đưa ra đánh giá tương tự.
Không ai có thể phủ nhận về tình trạng tồi tệ này, ngay cả tôi cũng vậy.
Nhưng, kết quả kiểm tra mà Trưởng Thanh tra công bố cho thấy các khu trại này không thể gọi là trại tập trung. Các trại tập trung thường là nói về chương trình giam giữ người Do Thái, các đối thủ chính trị, người Gypsy và những người mà trùm phát xít Adolf Hitler thù ghét. Các khu trại của Hitler ban đầu là các trung tâm giam giữ nhưng sau biến thành các trại lao động khổ sai mà trong đó tù nhân cơ bản là phải làm việc đến chết. Các trại tập trung này sau đó biến thành các trại tử thần, được tạo ra để xử tử những kẻ bị Hitler coi là gây rối. Có tới 6 triệu người Do Thái đã bị xử tử trong các khu trại kiểu này.
Ở Mỹ ngày nay, các khu trại nằm dọc biên giới Mỹ đang bị quá tải do tiếp nhận số lượng khổng lồ người nhập cư trái phép. Mặc dù điều kiện trong các khu trại khá tệ, nhưng chúng không thể bị đem ra so sánh với trại tập trung của Đức quốc xã. Phần lớn những người gọi ông Trump và các đặc vụ biên giới là Đức quốc xã, không chỉ nói dối trắng trợn mà còn đang gây ra sự bất công tệ hại đối với những người từng sống khốn khổ và đã chết dưới bàn tay của Đức quốc xã.
Tại tập trung người nhập cư ở Mỹ bị so sánh với trại giam của Đức Quốc xã (ảnh Twitter)
|
Các đặc vụ tuần tra biên giới thậm chí còn bị vu khống thậm tệ, bất công hơn nữa. Họ là những người được huấn luyện chuyên nghiệp để ngăn chặn những kẻ buôn lậu, buôn bán ma túy, các băng đảng bạo lực ở biên giới. Họ không hề được đào tạo để vận hành các trại tạm giam. Vậy mà, thay vì đảm bảo an ninh ở biên giới, các đặc vụ này buộc phải đi thay tã cho trẻ em, phân phát thuốc men, ngăn chặn các vụ đánh lộn, làm việc suốt nhiều giờ - những việc mà họ vốn không có trách nhiệm phải làm.
Lý do mà nhiều người nhập cư trái phép bị giữ trong thời gian quá dài ở các trung tâm này là do các cơ sở như Trung tâm Hải quan và Di trú hay các cơ sở khác của Liên bang không còn chỗ để mà tiếp nhận họ, như luật pháp quy định. Người nhập cư trái phép đổ tới dồn dập đã làm quá tải hệ thống nhập cư, đến nỗi hệ thống này không thể tiếp nhận thêm nữa. Có hàng triệu người nhập cư trái phép đang chờ được tòa án phân xử, và hàng triệu người khác đang chờ lệnh trục xuất. Hệ thống đã sụp đổ hoàn toàn, nhưng không thể đổ lỗi cho các đặc vụ biên giới.
Kiểu nói thổi phồng về vấn đề người nhập cư trong các trại tạm giam ở biên giới cần phải chấm dứt ngay lập tức. Nó đang cản trở người ta hiểu rõ ràng các vấn đề và giải quyết cuộc khủng hoảng ở biên giới, đó là chưa kể việc nó gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong hệ thống chính trị và cả trong cộng đồng người dân Mỹ.
Tình trạng tồi tàn trong các trại tạm giam ở dọc biên giới phía Nam là do những người có trách nhiệm hữu quan không muốn giải quyết vấn đề. Họ chỉ quan tâm tới việc tranh giành lợi ích chính trị với các đối thủ của mình. Hãy nhìn vào thực tế sau.
Các bộ luật, quy định nhập cư, các cơ sở ở biên giới, các tòa án nhập cư và các cơ sở kiểu như vậy đều đã sẵn có trong suốt nhiều thập kỷ qua (không hề có cơ sở mới). Chúng không phải các cơ sở được xây dựng dưới thời chính quyền Trump hay trước đó là chính quyền Obama. Chúng vẫn vận hành tốt, cho đến mãi gần đây, khi khủng hoảng nhập cư bùng nổ.
Ông Obama - người thường báo chí mô tả một cách đẹp đẽ, tốt bụng - cũng áp dụng các chính sách biên giới tương tự mà giờ là cớ để nhiều người đổ lỗi cho ông Trump. Theo Đài Radio Quốc gia, trong suốt nhiệm kỳ 8 năm làm Tổng thống, ông Obama khét tiếng là "người thích trục xuất", bởi ông đã trục xuất hàng triệu người nhập cư trái phép, vượt xa con số người bị trục xuất hàng năm dưới thời Trump.
Ông Obama cũng cho xây dựng những cơ sở biên giới giờ trở nên khét tiếng là bắt nhốt trẻ em trong cũi, do các cơ sở này giờ bị quá tải so với khả năng tiếp nhận lúc mà ông cho xây dựng chúng. Giờ ông Trump phải tiếp nhận lại các cơ sở thiếu thốn này.
Người di cư bất hợp pháp nằm ngồi la liệt trong trại tập trung (ảnh: Vox)
|
Cần chú ý: Tại sao có quá nhiều trẻ em trong các trại giam này? Đó là bởi những kẻ buôn người thường đưa trẻ em băng qua biên giới trong lúc chúng không đi kèm cha mẹ mình. Những đứa trẻ này đôi lúc rơi vào tay các băng đảng hoặc các tổ chức buôn bán nô lệ tình dục. Bởi vậy, các đặc vụ phải chia tách trẻ em khỏi người lớn ở khu vực biên giới, theo đúng luật pháp, vì mục đích bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, nhiều cha mẹ ở khu vực Mỹ Latin cũng gửi con cái họ tới Mỹ mà không đi kèm, chấp nhận đánh cược với số phận. Các bậc cha mẹ này đều hiểu rõ rằng đặc vụ Mỹ sẽ không bao giờ bỏ rơi con em họ. Cũng do những lời tuyên truyền của các nhóm lợi ích và lãnh đạo đảng Dân chủ mà nhiều gia đình nhập cư trái phép tin rằng, nếu họ gửi con cái mình vượt biên trái phép đến Mỹ, chúng sẽ không bị chặn lại quá lâu. Bởi vậy mà những người dân nghèo khó ở Mỹ Latin vẫn tiếp tục đánh cược với số phận khi gửi con cái mình tới Mỹ với hy vọng đổi đời.
Khi các trại tạm giam tiêu chuẩn đã đầy, ông Obama chuyển những người nhập cư trái phép tới các cơ sở giam giữ có từ thời Thế chiến II - vốn được sử dụng để giam giữ công dân Mỹ gốc Nhật bị tình nghi phản quốc (chính vị Tổng thống Franklin Roosevelt của đảng Dân chủ đã xây các trại giam này và vận hành chính sách nêu trên). Và mới đây, nữ nghị sỹ Cortez đã lên tiếng cáo buộc ông Trump là Đức quốc xã vì bắt giam người nhập cư trái phép như chính quyền Obama và Roosevelt đã từng làm.
Đảng Dân chủ hiện đang vận hành một số website chuyên chỉ trích ông Trump vì bắt nhốt trẻ em ở biên giới, mới đây còn đăng tải nhầm một số bức ảnh nói về hành động "diệt chủng" trong các trại này, trong khi thực ra chúng được chụp dưới thời Obama!!! Khi số ảnh này được gỡ xuống, chúng vẫn cứ bị người ta hiểu lầm là dưới thời Trump.
Cần nhớ rằng, trong nhiệm kỳ đầu 4 năm của mình, ông Obama kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện. Trong khoảng thời gian đó, ông tập trung chủ yếu vào kế hoạch cải cách bảo hiểm y tế trị giá cả nghìn tỷ USD của mình, trong khi phớt lờ người nhập cư. Các vấn đề nhập cư lúc đó không phải một ưu tiên của chính quyền Obama. Và giờ đây, sự thờ ơ trong quá khứ đã tạo nên cuộc khủng hoảng ở biên giới.
Trẻ em và người lớn đằng sau hàng rào sắt tại trại tập trung người di cư (ảnh: PBS)
|
Đến nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông Obama để mất Hạ viện và sau đó là cả Thượng viện vào tay đảng Cộng hòa. Mọi hy vọng sửa chữa vấn đề nhập cư lúc đó "bốc hơi": Đảng Cộng hòa không thông qua các chính sách nhập cư của ông Obama. Bởi vậy, ông Obama quyết định qua mặt Quốc hội để đưa ra các chỉ thị hành pháp. Thay vì sửa chữa tình trạng ở biên giới, ông Obama lại nới lỏng kiểm soát biên giới. Và chỉ trong một tháng trong năm 2014, khoảng 50.000 trẻ em không có cha mẹ đi cùng đã đổ dồn vào nước Mỹ. Sau đó, ông Obama giải quyết vấn đề bằng cách trao quyền ân xá cho khoảng 1 triệu trẻ em, cho phép chúng sinh sống trên đất Mỹ.
Khi ông Trump nhậm chức, ông đã coi vấn đề nhập cư như các vấn đề an ninh quốc gia: Những kẻ khủng bố, tội phạm, buôn bán ma túy và buôn bán người đang hoành hành ở biên giới phía Nam. Ông không coi nó là vấn đề nhân đạo. Giải pháp của ông là: Xây dựng bức tường kéo dài 2.000 dặm để chặn người nhập cư. đảng Dân chủ rất nhiều lần ngăn chặn nỗ lực xây tường bao, không chỉ ở trong Quốc hội, mà còn ở hệ thống các tòa án liên bang - vốn nằm dưới sự kiểm soát của đảng này. Cùng lúc, đảng Dân chủ chủ cũng chặn đứng các nguồn ngân sách vốn rót cho hoạt động xử lý người nhập cư trái phép ở biên giới.
Khu trại tập trung người di trú bất hợp pháp ở biên giới Mỹ - Mexico (ảnh: Reuters)
|
Có vấn đề mà rất ít người bàn tới là, những người nhập cư trái phép tới Mỹ chủ yếu là tìm cơ hội kinh tế, chứ không phải họ bị đe dọa về mặt an ninh hay do họ có quyền tị nạn hợp pháp. Chỉ có khoảng 10% số người này được trao diện tị nạn.
Suốt 10 năm qua, cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều thất bại trong việc cải cách bộ luật nhập cư, cải thiện quá trình tiếp nhận người thuộc diện được tị nạn, người tị nạn và những người nhập cư mong muốn đến nước Mỹ. Cùng lúc, nước Mỹ ngày càng trở nên chia rẽ sâu sắc, khi các bên cứ đổ lỗi cho nhau về sự thất bại này.
Làn sóng người nhập cư đổ về khu vực biên giới phía Nam cũng khiến cho nhập cư trái phép trở thành vấn đề chính trị lớn được đem ra thảo luận tập trung trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Các nhóm lợi ích, các tổ chức phi chính phủ, các chính trị gia, luật sư nhân quyền và cả nhà thờ đang lợi dụng các phát ngôn thẳng toẹt của ông Trump về người nhập cư trái phép để đứng ra tổ chức các đoàn người nhập cư trái phép, hết đợt này đến đợt khác, các đoàn xe lên đến hàng nghìn người dồn tới khu vực biên giới. Cứ tưởng tượng xem sẽ thế nào khi một đặc vụ biên giới trong một cơ sở nhỏ bỗng dưng phải đối diện với 10.000 người nhập cư trái phép phẫn nộ đang đòi được vào nước Mỹ?
Mục đích của những đoàn người này không chỉ là thu hút sự chú ý của dư luận để kêu gọi cải cách chính sách nhập cư, mà còn là để làm quá tải hệ thống nhập cư Mỹ, từ đó ép chính quyền phải thực thi chính sách "biên giới mở".
Trong số các tổ chức phi chính phủ chuyên tổ chức cho người nhập cư trái phép vào nước Mỹ, có một tổ chức gọi là "Người dân không biên giới". Người nhập cư trái phép hiểu rằng nếu họ phá vỡ hệ thống, họ có thể vào nước Mỹ mà không bị chặn và sau đó sẽ được bảo vệ bởi các thành phố "ẩn náu" mà đảng Dân chủ kiểm soát. Họ cũng hiểu rằng ông Trump không thể đóng cửa biên giới và gây tổn hại tới nền kinh tế đất nước.
Thêm vào đó, các nhóm lợi ích còn dạy cho người nhập cư trái phép cách để lừa các đặc vụ biên giới nghĩ rằng họ đủ điều kiện xin diện tị nạn, trong khi thực tế họ chỉ là diện nhập cư kinh tế, chứ không thuộc diện tị nạn. Chủ tịch Hạ viện (thuộc đảng Dân chủ) Nancy Pelosi - quan chức có quyền lực đứng thứ hai chỉ sau ông Trump - thậm chí còn đang công khai đưa ra lời khuyên cho người nhập cư trái phép để họ vượt mặt hệ thống hành pháp.
Hàng trăm người tập trung trước căn hộ của Thượng nghị sỹ Chuck Schummer ở Brooklyn để phản đối các trại giam giữ người di cư (ảnh: AFP)
|
Bất bình hơn nữa là việc nhiều người nhập cư trái phép đến biên giới trong tình trạng cần chăm sóc y tế khẩn cấp của các cấp chính quyền. Đương nhiên không có cơ sở y tế hay bệnh viện nào ở biên giới: Đó là một vùng sa mạc! Nhưng khi việc điều trị bị trễ hoặc thất bại, những nhân viên y tế ở biên giới lại bị cáo buộc là những kẻ sát nhân hay diệt chủng. Những nhân viên y tế này trở nên chán nản và muốn nghỉ việc chỉ bởi trò chơi chính trị này.
Cũng cần nhớ tới điều này: Những kẻ nhập cư trái phép giả vờ là cần diện tị nạn đang làm tệ liệt hệ thống vốn để phục vụ những người thực sự là nạn nhân của tình trạng bạo lực và khủng hoảng ở nước họ.
Điều mà chúng ta chứng kiến trong các trung tâm tạm giam này là một hệ thống được xây dựng có mục đích giờ bị biến thanh thứ vũ khí chính trị để ép chính quyền mở cửa biên giới. Một bức tường bao biên giới thì không cần bàn. Luật nhập cư khó có thể được cải cách. Cải thiện tình trạng trong các trung tâm tạm giam chỉ giống như giải pháp tạm thời. Nhưng điều mấu chốt ở đây chính là, hàng triệu người sẽ được đặt chân lên lãnh thổ Mỹ một cách trái phép mà không qua tiến trình xử lý tiêu chuẩn.
Khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2017, hai trong số các Bộ trưởng An ninh Nội địa (DHS) của ông là John Kelly và Kristjen Nielsen đã liên tục yêu cầu Quốc hội chuyển ngân sách để cải thiện các trung tâm tạm giam ở biên giới. Lúc bấy giờ DHS đã cạn tiền. Mới đây, Jeh Johnson - cựu bộ trưởng An ninh Nội địa dưới thời Obama - cũng xuất hiện trên các kênh truyền thông đại chúng để chứng thực rằng, hệ thống này đang dần cạn tiền.
Tuy nhiên, chính đảng Dân chủ lại từ chối giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở biên giới. Đầu tiên họ nói rằng không có cuộc khủng hoảng nào cả. Sau đó, khi các hãng truyền thông cùng nhiều chính trị gia không thể phớt lờ được cuộc khủng hoảng này nữa, phe Dân chủ bắt đầu quay sang cáo buộc ông Trump là "gây ra cuộc khủng hoảng". Khi khủng hoảng biên giới bắt đầu trở thành nỗi hổ thẹn của quốc gia, đảng Dân chủ mới lên tiếng thừa nhận rằng đó là một cuộc khủng hoảng lớn, nhưng thêm rằng đó là lỗi của ông Trump. Hãng Yahoo News còn viết: "Hành động của ông Trump ở biên giới sẽ khiến nước Mỹ hổ thẹn trong nhiều thập kỷ". Trong khi chẳng ai nhắc tới vai trò của ông Obama trong cuộc khủng hoảng này.
Lực lượng tuần biên Hoa Kỳ tại một trung tâm xử lý người di cư ở El Paso, Texas (ảnh: Getty Images)
|
Cuối cùng, tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã phê chuẩn khoảng ngân sách 4,5 tỷ USD cho vấn đề viên giới, đương nhiên chỉ là một giọt nước trong chậu nếu xét về những thứ cần làm, nhưng ít nhất cũng là khởi đầu tốt. Như có thể dự đoán, Hạ viện mà phe Dân chủ kiểm soát và Thượng viện mà phe Cộng hòa kiểm soát không thể nhất trí về lượng tiền nên được phân bổ. Và sau nhiều hành động tai quái trong tiến trình này, kế hoạch ngân sách của Thượng viện đã được Quốc hội thông qua.
Và điều đương nhiên là, Ocasio-Cortez cùng 3 kẻ chuyên cản mũi trong Hạ viện đã bỏ phiếu chống lại dự luật ngân sách này. Lý do của họ rất đơn giản: Lực lượng tuần biên là Đức quốc xã, vậy tại sao phải chi tiền để họ tiếp tục là Đức quốc xã?
Cuộc chiến giữa phe Dân chủ và Cộng hòa về vấn đề nhập cư đã bắt đầu kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan (Cộng hòa) ký bộ luật nhập cư vào năm 1986, trong đó trao ân xá cho khoảng 3 triệu người nhập cư trái phép được ở lại nước Mỹ, đổi lấy việc phe Dân chủ chấp nhận ủng hộ các bộ luật thắt chặt kiểm soát an ninh biên giới. Đảng Dân chủ có được lệnh ân xá, trong khi đảng Cộng hòa chưa từng nhận được những điều luật cải cách an ninh biên giới mà hai bên đã thỏa thuận. Kể từ đó, không đảng nào dám tin bên còn lại. Các cải cách chính sách nhập cư dưới thời Obama và Trump đều bị ngăn chặn bởi không Đảng nào muốn bên còn lại được nâng cao tín nhiệm vì giải quyết được vấn đề nhập cư.
Ngày nay, đảng Dân chủ ngày càng thúc ép mở cửa biên giới, cho phép gần như bất cứ ai cũng có thể đi vào nước Mỹ. Một số lượng đang tăng những kẻ cực đoan trong đảng Dân chủ thậm chí còn muốn giải tán Cơ quan Tuần biên và Bộ An ninh Nội địa!
Đảng Cộng hòa thì đang chia rẽ: Một số muốn tiếp nhận thêm người nhập cư, dù là trái phép, bởi nhiều doanh nghiệp Mỹ dựa trên nguồn nhân công giá rẻ mới có lợi nhuận. Những người khác muốn tăng cường kiểm soát biên giới, với lo ngại rằng quá nhiều người nhập cư trái phép sẽ tạo gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội và khiến nước Mỹ nghèo hơn.
Cho đến khi hệ thống chính trị nghiêng hẳn về một phe, vấn đề nhập cư khó có thể được giải quyết trong tương lai gần.