Không có ngày nào trôi qua mà báo chí chính thống và truyền thông xã hội không đưa những vụ việc kinh hãi về người di cư bất hợp pháp, người tị nạn, băng đảng ma túy, những phần tử khủng bố xâm lược biên giới Mỹ - Mexico.
Những ai không muốn gọi đây là sự xâm lược thì hãy nhớ rằng chỉ trong tháng Ba và tháng Tư năm nay, 220 ngàn người không phép đã vượt đường biên giới này vào Mỹ, và tính cho cả năm 2019 con số tổng cộng dự kiến sẽ lên đến khoảng 1 triệu người.
Gần đây truyền thông đưa tin nhiều về những đoàn di dân đông tới hơn 10 ngàn người xuất phát từ Trung Mỹ -- Honduras, El Salvador, và Guatemala – đi qua Mexico vào Mỹ.
Họ đến dồn dập với mục tiêu duy nhất là áp đảo lực lượng tuần biên nhằm thoải mái tiến vào nước Mỹ.
Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng xem xét tình trạng điên rồ trong những chính sách của Mỹ đang thể hiện ở đường biên giới này.
Những thành phố/tiểu bang trú ẩn
Bộ máy chính trị ở nhiều thành phố, tiểu bang của Mỹ có mâu thuẫn với việc thực thi Luật di trú quốc gia, khiến cho việc kiểm soát biên giới trở nên bất khả thi. Những địa phương này tự gọi họ là “những thành phố/tiểu bang trú ẩn – sanctuary cities and states.” Họ tán dương chính sách “biên giới mở”, cho phép bất kỳ ai vào Mỹ cũng có được những quyền và lợi ích như người Mỹ. Họ cũng phản đối bất cứ chính sách nào do ông Trump muốn đặt ra để kiểm soát biên giới.
California là bang dẫn đầu phong trào cấp nơi trú ẩn. Chính khách xứ này hành xử như thể họ không phải là một phần của nước Mỹ. Đạo luật Giá trị California (2017) cấm cảnh sát địa phương trợ giúp các nhân viên liên bang bắt giữ và trục xuất người nhập cư phi pháp, ngay cả khi họ là tội phạm hình sự hoặc vi phạm luật di trú. Sở dĩ nhiều kẻ nhập cư bất hợp pháp từng bị trục xuất nhiều lần để rồi lại nhập cảnh trái phép, một phần cũng vì bang California hoan nghênh họ.
Bà Thị trưởng thành phố Oakland bang California giờ đã nổi tiếng vì từng công khai loan báo Cục Di trú và Cưỡng chế hải quan (ICE) sắp có cuộc bố ráp lớn nhằm vào những người nhập cư phi pháp, ngay trước khi cơ quan liên bang này tiến hành cuộc vây bắt.
Thống đốc bang New Mexico gần đây đã rút lực lượng vệ binh quốc gia khỏi khu vực biên giới để ngăn chặn các nỗ lực của ông Trump.
Ở Massachusetts còn có vụ một thẩm phán yêu cầu nhóm đặc vụ thuộc ICE đứng đợi bên ngoài phòng xử án, để rồi quay vào cho phép bị cáo thoát ra khỏi tòa bằng cửa sau để trốn cuộc bắt giữ của ICE.
Tổng thống Donald Trump đến khảo sát vùng biên giới Mỹ - Mexico (ảnh AFP)
|
Ông Trump đã nỗ lực xóa bỏ những thành phố và những tiểu bang trú ẩn bằng cách cắt giảm trợ cấp ngân sách quốc gia cho những khu vực này. Trong khi các tòa án lại phán quyết rằng những địa phương trú ẩn không hề phạm luật khi họ phản đối ông Trump. Để trả đũa, ông Trump đang đe dọa sẽ thả hàng trăm ngàn người phạm pháp vào những địa phương ưa ban phát trú ẩn chứ không rải họ ra đều toàn quốc như bấy lâu. Ôi chính trị!
Bức tường biên giới khét tiếng
Nhiều quốc gia đã thành công trong việc dựng tường hoặc hàng rào ngăn xuất nhập cảnh trái phép. Bức màn Sắt thời chiến tranh Lạnh, Khu phi quân sự của Bắc Triều Tiên, Hàng rào biên giới của Hungary, và Eo biển Măng sơ của Anh là những ví dụ. Nước Mỹ từng có một bức tường biên giới để ngăn người xuất nhập trái phép. Nhưng nó chỉ kéo dài vài trăm dặm dọc theo đường biên giới với Mexico dài tới 2000 dặm (3200 km).
Mục tiêu chính trong chính sách nhập cư của ông Trump là hoàn thiện bức tường này. Song mặc cho ông đã tạm đóng cửa chính phủ, đã đe dọa đóng cửa biên giới, phe phản đối vẫn không chịu phê chuẩn ngân sách.
Mà bức tường dù có hoàn thiện cũng sẽ không giải quyết được vấn đề. Người nhập cư chỉ cần đến cửa khẩu rồi đề nghị được tị nạn là sẽ được cho phép vào lãnh thổ Mỹ để chờ xem xét. Cuối cùng thì chỉ có 5 -10% sẽ được chấp nhận tị nạn. Thế nên trong khi chờ đợi tòa phân xử, họ chỉ việc biến mất và trở thành phi pháp.
Nhiều người vượt biên lại thấy vượt tường bằng bắc thang hoặc quăng dây cũng là việc dễ. Có người thì đào hầm chui qua, một biện pháp quen thuộc của dân buôn ma túy. Những người khác thì đơn giản là chọn những chỗ không có tường rồi đi bộ qua. Bọn buôn người thì hết sức quỷ quyệt, dùng cả tàu bay không người lái để do thám hoạt động của lực lượng tuần biên.
Người di cư bất hợp pháp tìm cách trèo qua bức tường biên giới (ảnh RNZ)
|
Hơn nữa, một lượng lớn dân nhập cư phi pháp lại không đi qua biên giới phía Nam. Hàng năm có khoảng 700 ngàn người đến Mỹ du lịch, du học, hoặc kinh doanh rồi ở lại quá hạn visa.
Đến đây một câu hỏi lớn tất phải đặt ra: bức tường biên giới sẽ tiêu tốn những 56 tỉ USD mà lại không giải quyết hết được vấn đề nhập cư phi pháp?
Xử lý nhập cư phi pháp
Lượng người nhập cư phi pháp qua đường biên Mexico hiện khoảng 5.500 người/ngày, không thể nào bắt giữ hết để chờ xét xử, cũng không thể trục xuất hết ngay được. Chính sách biên giới hiện được miêu tả là “bắt và thả”.
Khu vực biên giới hiện chỉ có 55 ngàn “giường” để giữ người phi pháp, con số này không thấm vào đâu với số người cần đưa vào nơi tạm giữ lên tới 100 ngàn người mỗi tháng.
Trước đây, nhà chức trách dùng xe bus chuyên chở người bị tạm giữ từ biên giới tới nơi khác để thụ lý giải quyết, song số lượng bus giờ không đủ đáp ứng. Hiện những tàu bay chở 135 người/chuyến đang tham gia công việc này với chi phí 16 ngàn USD/chuyến bay.
Một quận trưởng quả cảm ở Arizona đã nổi tiếng vì khi trại tạm giữ hết chỗ đã cho dựng những lều vải trên sa mạc để chứa người. Tất nhiên người bị tạm giữ phải chịu thiếu thốn về tiện nghi và cái nóng như nung của sa mạc. Kết quả, viên quận trưởng này đã bị kiện ra tòa và mất chức. Phản ứng phán quyết của tòa, ông Trump đã ra lệnh ân xá và ông ta đã không phải vào tù.
“Giường” tạm giữ đã trở thành một phần của cuộc đấu giữa ông Trump và những nghị sĩ Dân chủ ủng hộ biên giới mở. Ông Trump đề xuất thêm kinh phí để lắp đặt thêm giường, phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện đã gạt bỏ ngân sách nâng cấp nơi giam giữ thậm chí còn đang tìm cách giảm thiểu số giường. Đây cũng là thứ cố gắng ngăn trở nỗ lực hành pháp của ông Trump.
Nạn buôn người
Chính những kẻ buôn người là nguyên nhân chính giúp người nhập cư phi pháp tràn qua biên giới. Để đến được biên giới Mỹ, người vượt biên phải di chuyển 2-3 tháng trên quãng đường hàng ngàn dặm trong những điều kiện tồi tệ. Đổi lại, người vượt biên phải trả hàng ngàn USD tùy thuộc số lượng người của cả nhóm. Công ty Rand ước lượng từ 2015 đến 2018 người vượt biên trái phép đã phải chi trả cho bọn dẫn dắt 2,3 tỉ USD để đến được đất Mỹ.
Một lý do người vượt biên kết nhóm đi thành đoàn là để tránh bọn buôn người, nhưng ngay cả di chuyển thành đoàn cũng nguy hiểm. 80% phụ nữ vượt biên báo cáo đã từng bị hiếp hoặc bạo hành, theo Tổ chức Ân xá quốc tế. Trẻ em và phụ nữ nhiều khi bị bán cho những đường dây mại dâm. Trẻ em thì thường bị các băng đảng tội phạm – nhất là băng MS-13 El Salvador khét tiếng, thường giết người bằng dao – chiêu nạp bằng ép buộc. Chỉ riêng năm 2018 đã có tới 4000 thành viên băng đảng bị trục xuất khỏi Mỹ. Các đường dây ma túy thường xuyên chiêu mộ người vượt biên tham gia vận chuyển ma túy vào Mỹ. Dân buôn người thì thường vận chuyển người vào Mỹ bằng xe tải, làm nhiều người chết vì thiếu ô xy hoặc mất nước khi bị bỏ rơi trên sa mạc nắng cháy.
Một người lính gác đường biên (ảnh Washington Examiner)
|
Một trong những lý do dân buôn người tính phí chuyên chở rất cao là do những băng đảng ma túy kiểm soát Bắc Mexico thu tiền mãi lộ rất cao với những ai đi qua lãnh địa cát cứ của chúng. Cay đắng hơn, nếu bị trục xuất, người vượt biên còn phải thanh toán tiền mãi lộ mới trở lại được quê hương mình.
Giới buôn người đã biến biên giới thành một vùng vô pháp. Không có gì ngạc nhiên khi đây đã trở thành khu bạo lực. Bên cạnh các băng đảng ma túy, cướp có vũ trang, buôn vũ khí và tội phạm, công dân Mỹ cũng làm cho tình hình thêm tệ. Những nhóm dân quân tự vũ trang đã hình thành ở Texas để giam giữ người vượt biên để chuyển cho nhà chức trách biên giới. FBI cho biết những kẻ vô chính phủ tự xưng là chống Phát xít, đang mua sắm vũ khí để nổi loạn dọc theo biên giới.
Những gia đình vượt biên
Những gia đình vượt biên cần được quan tâm đặc biệt vì thường có trẻ em liên quan. Người vượt biên biết rằng cách dễ nhất để vào được Mỹ là có một đứa trẻ trên xe hoặc gửi một đứa trẻ đơn độc tới biên giới. Theo Jeh Johnson, cựu Bộ trưởng An ninh nội địa, chỉ có 95 “giường” gia đình dọc theo khu biên giới dưới thời Obama. (Trẻ em cơ nhỡ được họ hàng, hoặc nhà thờ hoặc những tổ chức phi chính phủ chăm sóc.) Kết quả là số lượng gia đình đến biên giới hiện chiếm 60% tổng số người vượt biên trái phép, trước kia tỷ lệ này chỉ 35%.
Nhưng còn có một vấn đề lớn khác phát sinh: nạn “gia đình giả tạo”. Dân buôn lậu và người độc thân thường mượn những đứa trẻ đem theo để được vào Mỹ. Nạn cho thuê trẻ em để đóng giả gia đình xuất hiện. Mức giá hiện nay chỉ khoảng 100 USD. Nhiều đứa trẻ được cho thuê “quay vòng”. Khoảng 3.600 gia đình được phân loại là giả tạo trong 6 tháng qua, theo ICE. Một nghiên cứu gần đây của ICE cho biết có đến 1/3 số gia đình là giả tạo.
Nhiều người vượt biên lại đi bắt cóc trẻ em để khỏi trả phí, vào được đất Mỹ rồi thì nhẫn tâm bỏ rơi đứa trẻ.
Không phải mọi gia đình đều mạo hiểm mạng sống hay an toàn để tham gia đoàn vượt biên, cho nên họ thuê dân buôn lậu mang đứa trẻ sang Mỹ. Nhiều gia đình đẩy bọn trẻ vào đoàn người di dân và chúc chúng “may mắn.” Còn giới truyền thông thì thích đăng những bức hình hàng trăm trẻ em ngồi trên nóc những toa tàu hàng trên đường chạy vào đất Mỹ.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, do nhiều khuyến khích và do chấp pháp lỏng lẻo, chỉ riêng năm 2014, khoảng 60 ngàn trẻ em đã vượt biên trái phép vào Mỹ.
Nếu nhìn từ quan điểm kiểm soát biên giới, bạn sẽ không thể hiểu nổi: trong giai đoạn 2014-2016 Obama cho phép hàng ngàn trẻ di cư phi pháp ở Trung Mỹ tập trung lại rồi điều tàu bay thương mại tới chở sang Mỹ, khỏi phải tự tìm lối vượt biên mà làm gì!
Ông Trump đã phái 5000 binh sĩ tới biên giới giúp lực lượng tại chỗ quản lý dòng người nhập cảnh. Đội quân tinh nhuệ này đã lập tức biến thành những người giữ trẻ, họ phải chăm sóc những em bé không có người lớn đi cùng. Bộ Quốc phòng đã phải phê duyệt 320 biên chế chuyên trách cho công việc này.
Lều tạm cho những vượt biên (ảnh Reuters)
|
Bộ Luật di trú đầy thiện ý muốn giúp đỡ những đứa trẻ bị bóc lột tại biên giới, quy định rằng trẻ em phải được tách khỏi gia đình và được chăm sóc riêng. ICE áp dụng luật này quá nghiêm ngặt, đã tách trẻ em ra khỏi người thân, không một chút du di ngoại lệ. Kết quả là ICE đã không thể kết nối trở lại hàng ngàn trẻ em với gia đình chúng.
Một chính sách mới nhằm giải quyết vấn đề này là yêu cầu nhà chức trách kiểm tra ADN để xác định các thành viên “gia đình” khai báo tại biên giới có thực sự là ruột thịt của nhau không. Trước khi áp dụng biện pháp này, nhà chức trách cũng đã sử dụng việc lấy vân tay trẻ em để tránh gian lận
Sự nhức nhối của cuộc khủng hoảng biên giới thể hiện rất sống động qua nạn sử dụng trẻ em như chim mồi. Bọn buôn người thả một đứa trẻ ở sa mạc, và khi nhà chức trách bị hút sự quan tâm đến đứa trẻ thì một nhóm người lớn sẽ vượt biên và mất dạng.
Tình trạng sức khỏe
Đáng chú ý, lực lượng tuần biên không phải chịu trách nhiệm về những trường hợp tử vong hay lạm dụng người vượt biên ở khu vực biên giới. Từ 1998 đến 2017, có 7216 người vượt biên trái phép bị chết. Trong số này chỉ tám phần mười chết hàng năm vì trốn truy nã (thường vì buôn ma túy, hoạt động băng đảng, hoặc buôn người) hoặc chết khi tạm giữ. Số còn lại chết trên sa mạc hoặc chết trong tay của bọn buôn lậu, băng nhóm tội phạm hoặc những đường dây ma túy.
Những người ở trại tạm giữ thường chết vì lý do sức khỏe. Sau khi cuốc bộ qua hàng ngàn dặm họ đều gầy yếu thậm chí mang trọng bệnh mà không báo cho nhà chức trách biết. Cũng có nhiều người chủ động xin được chăm sóc y tế miễn phí.
Mỗi ngày có khoảng 55 người phải chuyển tới bệnh viện cấp cứu vì bệnh nặng hoặc vì chấn thương trong ngày. Chi phí y tế trung bình mỗi năm là 16 triệu USD.
Một góc bức tường biên giới Mỹ - Mexico (ảnh UPI)
|
Tuy nhiên, trái với tuyên truyền của nhiều nhóm vận động, nhà chức trách biên giới không bắn thường dân vượt biên. Cần ghi nhận, nếu không có giúp đỡ của họ, thêm rất nhiều người sẽ phải chết khi băng qua biên giới.
Kết luận
Sự hỗn loạn dọc theo đường biên giới này đã diễn ra trong nhiều thập kỷ qua, ngày càng tệ hơn và hiện chưa thấy có triển vọng giải quyết. Những ngày này, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang cạnh tranh để nắm ghế Tổng thống, quyền kiểm soát Nghị viện và Tòa án vào năm 2020. Và, di cư là một đại vấn đề đối với tất cả. Nhưng không có ai tỏ ra muốn giải quyết vấn đề này, thậm chí một số còn muốn làm nó tồi tệ hơn. Thực tế, việc vượt biên trái phép gần đây được chính những người chủ trương biên giới mở ở Trung Mỹ và ở ngay nước Mỹ đứng ra tổ chức.
Minh Văn (chuyển ngữ)