Anh khi chuyển giao xe tăng Challenger 2 sẽ cung cấp đạn uranium làm nghèo cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Anh khi chuyển giao xe tăng chủ lực Challenger 2 cũng sẽ chuyển đạn uranium nghèo cho quân đội Ukraine. Kế hoạch cung cấp loại đạn này được thứ trưởng Bộ Quốc phòng Annabelle Goldie xác nhận ngày 20/3.

"Cùng với việc cung cấp một phi đội xe tăng chủ lực Challenger 2 cho Ukraine, chúng ta sẽ cung cấp đạn dược bao gồm cả đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo. Những loại đạn này có hiệu quả cao trong nỗ lực đánh bại xe tăng và xe thiết giáp hiện đại", bà Goldie cho biết khi trả lời câu hỏi bằng văn bản từ một thành viên của Thượng viện (House of Lords) Anh.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Anh trả lời chất vấn của thành viên Thượng viện Anh. Ảnh South Front.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Anh trả lời chất vấn của thành viên Thượng viện Anh. Ảnh South Front.

Anh sẽ trang bị cho lực lượng vũ trang Ukraine đạn Uranium làm nghèo

Uranium làm nghèo có mật độ khối lượng cao, do đó loại đạn dưới cỡ này có được hiệu ứng xuyên giáp cao và gây ra sự phá hủy đáng kể cho bất kỳ vật cản kiên cố bền vững nào. Đối với các quốc gia, sử dụng các nhà máy điện hạt nhân, tích lũy trữ lượng uranium nghèo thì đây là vật liệu rẻ hơn để sản xuất loại đạn xuyên giáp nếu so với vonfram.

Phim tài liệu về tác hại của đạn uranium làm nghèo. Video trang web Ba Lan pda.pl

Đức Quốc xã là nước đã sử dụng uranium nghèo trong đạn xuyên giáp lần đầu tiên khi gặp phải tình trạng thiếu vonfram. Vào những năm 1970, Mỹ bắt đầu phát triển những loại đạn xuyên giáp sử dụng uranium làm nghèo để chống lại những xe tăng mới của Liên Xô. Quân đội Mỹ đã sử dụng đạn uranium nghèo trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc, trong chiến dịch không kích Nam Tư và trong cuộc chiến Iraq năm 2003.

Hiện nay, đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo được trang bị cho các loại xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất, xe tăng Leopard 2 của Đức và xe tăng Challenger 2 của Anh.

Cho đến nay, việc sử dụng loại đạn này không bị Liên Hiệp Quốc cấm, nhưng sự nguy hiểm đối với sức khỏe đã được chứng minh.

Các quốc gia đang có trong trang bị những loại đạn uramium nghèo như các quốc gia NATO, Mỹ và Anh thường xuyên khẳng định vật liệu này vô hại, mặc dù một số chuyên gia cho rằng bụi uranium gây ô nhiễm môi trường lâu dài và và là nguyên nhân gây ung thư. Khi một viên đạn bắn vào vật cản kiên cố, một phần của đạn biến thành plasma, tạo ra bụi uranium gây nguy hiểm lớn nhất. Một ví dụ điển hình, các chuyên gia kết luận, đạn uranium làm nghèo mà quân đội NATO sử dụng trong vụ không kích Nam Tư năm 1999 gây hậu quả tiêu cực cho người Serb trong nhiều thế hệ. Một số bệnh ung thư chưa từng được quan sát thấy ở Serbia trước chiến dịch không kích của NATO.

Theo Daily Beast