Xi măng muốn nhập than để giảm chi phí

Công ty xi măng Hà Tiên 1 (HT1-Hose) đang thương lượng với đối tác Indonesia để nhập khẩu than - Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) dẫn nguồn phân tích của CIMB cho biết trong bản tin gửi cho khách hàng.
Xi măng muốn nhập than để giảm chi phí

Than là nguyên liệu đầu vào chiếm 40% chi phí sản xuất clinker và 32% chi phí sản xuất xi măng. Sở dĩ HT1 muốn nhập than vì thời gian qua giá than trên thị trường thế giới giảm mạnh theo giá dầu. Giá than mà tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) đang bán cho HT1 là 100 đô la Mỹ/tấn, trong khi giá than tại Indonesia chỉ có 52 đô la Mỹ/tấn (giá FOB).

Nếu được nhập khẩu than, Hà Tiên 1 đang đứng trước cơ hội lớn giảm giá thành sản phẩm và qua đó có thể điều tiết giá bán buôn cũng như bán lẻ ra thị trường, giúp đẩy mạnh tiêu thụ xi măng vốn trì trệ trong một vài năm qua và chỉ khởi sắc trở lại từ giữa năm ngoái. Khi được nhập một phần tư số than cần thiết, HT1 sẽ giảm được chi phí đầu vào 8%, một tỷ lệ quá lớn trong bối cảnh kinh doanh của doanh nghiệp nói chung đang gặp không ít khó khăn hiện nay.

Có thể một số các công ty xi măng khác cũng sẽ theo chân Hà Tiên 1 để nhập khẩu than. Tất nhiên việc nhập khẩu hàng hóa năng lượng phải được phép của các cơ quan quản lý, nhưng không có lý do gì để giữ giá than tiêu thụ nội địa ở mức chênh lệch nhiều so với giá thế giới cho dù chúng ta muốn bảo hộ tới đâu.

Ngành xi măng mới chỉ bắt đầu phục hồi khoảng chín tháng qua sau khi sản lượng tiêu thụ trong nước đi lên nhờ các dự án cơ sở hạ tầng được khởi công. Theo số liệu của Hiệp hội Xi măng, sức tiêu thụ xi măng cả nước hai tháng đầu năm nay tăng 20% so với cùng kỳ. Các nhà máy xi măng đều báo mức tiêu thụ tăng như HT1 tăng 30% so với cùng kỳ. Các dự án cầu đường đang là hy vọng của ngành xi măng năm nay.

Thuận lợi thứ hai của ngành xi măng là những đơn vị vay nợ bằng đồng euro sẽ có hoàn nhập dự phòng tỷ giá ở mức chưa từng thấy khi đồng tiền này đang rớt giá từng ngày, và đang ở mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua. Ngày 31-12-2014 một euro tương đương 26.130 đồng, đến ngày 11-3-2015 nó chỉ còn bằng 22.900 đồng, tức giảm 12,4%.

Trên thị trường thế giới, tỷ giá euro/đô la Mỹ đã phá mốc 1 euro bằng 1,07 đô la Mỹ chỉ trong chưa đầy một tuần. Con đường về 1 euro ngang 1 đô la Mỹ đang rộng mở khi Ngân hàng Trung ương châu Âu từ đầu tuần này đã bắt đầu gói QE, bơm vào thị trường mỗi tháng 60 tỉ euro để mua trái phiếu, trong đó dành 10 tỉ euro trực tiếp mua chứng khoán của các doanh nghiệp tư nhân. Ở châu Âu, chỉ số chứng khoán Pháp đã chạm ngưỡng cao nhất trong lịch sử gần 5.000 điểm; chỉ số chứng khoán Đức gần 12.000 điểm; chỉ số chứng khoán Anh gần 7.000 điểm trước khi điều chỉnh trở lại.

Dự báo ngay trong quí 1 lợi nhuận ròng của HT1 có thể đạt 200-250 tỉ đồng nhờ chênh lệch tỷ giá. Tương tự, hoàn nhập dự phòng tỷ giá của Xi măng Bút Sơn (BTS-Hnx) khoảng 120-130 tỉ đồng. Xi măng Bỉm Sơn (BCC-Hnx), theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), lợi nhuận trước thuế năm 2015 có thể lên tới 416 tỉ đồng. Ngay cả một doanh nghiệp xi măng tầm trung không có vay euro như Xi măng Hoàng Mai (HOM-Hnx) lợi nhuận cũng có thể cán mốc 80 tỉ đồng năm nay nhờ sản lượng tiêu thụ đang được cải thiện đáng kể.

Thời điểm gian nan nhất đến mức phải phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ, chịu lỗ tỷ giá, lỗ lũy kế của các doanh nghiệp xi măng đã ở lại phía sau. Nhu cầu sử dụng thứ hàng hóa vật liệu xây dựng này phục hồi sẽ giúp nâng hiệu quả kinh doanh ngành và qua đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Bài toán nhập khẩu than của ngành xi măng cũng đặt ra vấn đề về giá thành than khai thác trong nước và việc vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu than của TKV. Nếu giá thành khai thác than của Việt Nam tiếp tục ở mức cao so với thế giới trong khi trữ lượng than có hạn, càng khai thác nhanh càng mau hết, thì có nên gia tăng sản lượng khai thác, hay nên khai thác ở mức hợp lý, còn lại cho nhập khẩu trên cơ sở cân đối cung cầu? Hơn nữa không thể để các doanh nghiệp tiêu thụ than trong nước phải chịu giá cao hơn thế giới, dẫn đến giá thành sản xuất cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngay trên chính sân nhà.

Theo TBKTSG