Xi măng muốn tăng công suất

Những kết quả kinh doanh vừa qua cho thấy ngành xi măng đang hấp dẫn trở lại.
Xi măng muốn tăng công suất

Đầu tư từ năm 2006 với công suất 0,91 triệu tấn/năm, đầu năm nay Nhà máy Xi măng Trung Sơn (Hòa Bình) vừa trình văn bản đề xuất xin được tăng công suất lên đến 5,5 triệu tấn/năm. Không chỉ Nhà máy Xi măng Trung Sơn, nhiều dự án khác cũng đề xuất được tăng công suất hoạt động, dù chỉ mới cách đây hơn 1 năm ngành xi măng vẫn còn chìm trong khủng hoảng.

Sau cơn mưa trời lại sáng

Các công ty xi măng hàng đầu ở Việt Nam công bố kết quả kinh doanh năm 2014 rất khả quan, nhất là khi so với những năm làm ăn bết bát trước đây. Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (HT1), chẳng hạn, đạt lợi nhuận trước thuế 396 tỉ đồng, vượt xa con số năm trước đó, một phần nhờ doanh thu tiếp tục tăng (6,3%), chi phí lãi vay giảm (hơn 250 tỉ đồng) cùng phần lãi từ đánh giá lại chênh lệch tỉ giá (94 tỉ đồng).

Không chỉ HT1, nhiều công ty xi măng niêm yết cũng được lợi nhờ tỉ giá và lãi suất. Tính chung 8 doanh nghiệp xi măng niêm yết trên sàn, nợ phải trả đã giảm 13%. Trong năm qua không công ty nào thuộc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) thua lỗ, tình trạng vốn xảy ra thường xuyên ở nhiều năm trước.

Xét về triển vọng kinh doanh, tình hình ngành xi măng cũng đã sáng sủa hơn nhiều nhờ yếu tố cung cầu thuận lợi hơn. Theo Bộ Xây dựng, tổng sản lượng tiêu thụ toàn thị trường đạt hơn 70 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ. Kết quả này hoàn toàn nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia, dù sản lượng ngành xi măng đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại từ năm 2013 sau thời gian suy giảm liên tục từ năm 2010.

Một điều đáng chú ý là công suất sản xuất của các nhà máy xi măng năm 2014 đang ở mức cao nhất, lên đến 86%, trong khi năm 2013 chỉ đạt 79,54%, theo tổng hợp của Hiệp hội Xi măng Việt Nam.

 Nếu chia theo thị trường, sản lượng khu vực nội địa tăng trưởng 6,3%, mức cao nhất trong vòng 4 năm gần đây. Thị trường xuất khẩu cũng tăng trưởng đến 30% so với năm ngoái, đạt 21,1 triệu tấn. Các doanh nghiệp xi măng trong năm qua cũng tích cực xuất khẩu hơn, với tỉ lệ sản lượng xuất khẩu năm 2014 tăng đến 27,54%, mức cao nhất trong tất cả các năm (năm 2012, 2013 chỉ quanh mức 19%).

 Có nhiều lý do để giải thích cho một năm được mùa của các công ty xi măng ngoài yếu tố tài chính. Đó là sự tăng tốc của các dự án hạ tầng và sự kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ ấm lên trong tương lai gần. Trả lời báo giới, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng năm 2015 ngành xi măng sẽ tiếp tục lạc quan hơn nhưng ông lại khá thận trọng khi dự báo lượng tiêu thụ trong nước tăng khoảng 4-5%, trong khi xuất khẩu tăng 10%.

Tăng trưởng bết bát vì đầu tư “lệch pha” với chu kỳ kinh tế trong nhiều năm qua, nhưng những kết quả mới nhất cho thấy ngành xi măng có vẻ như đang hấp dẫn trở lại. Bằng chứng là sự hào hứng của một số doanh nghiệp trong thời gian qua khi mua lại các dự án xi măng để gia tăng quy mô. Tập đoàn Xi măng The Vissai là một ví dụ.

 Đầu tháng 2 vừa qua, dự án Xi măng Sông Lam Nghệ An đã chính thức được khởi công ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đây là dự án được The Vissai mua lại từ cuối năm ngoái (trước đây, dự án có tên là Xi măng Đô Lương). Sau khi mua lại, The Vissai đã nâng quy mô dự án từ mức 0,91 triệu tấn/năm lên 6 triệu tấn/năm (trong đó giai đoạn 1 là 4 triệu tấn/năm). Trước đó, tập đoàn này đã mua lại nhiều công ty xi măng khác như Nhà máy Xi măng Hòa Phát, Xi măng Đồng Bành.

 Không chỉ vậy, mặc cho sự khó khăn của thị trường trong những năm qua, ngành xi măng đang hấp dẫn cả những doanh nghiệp không hoạt động trong ngành như Tập đoàn Viễn thông Quân Đội (Viettel). Hồi tháng 10 năm ngoái, Viettel đã mua lại số cổ phần từ Vinaconex với dự án Nhà máy Xi măng Cẩm Phả (công suất 2,3 triệu tấn/năm) và Viettel cũng được cho là đang đàm phán mua lại Nhà máy Xi măng Hạ Long (công suất 2,1 triệu tấn/năm).

 Hầu hết các công ty thực hiện mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành xi măng đều là những đơn vị mạnh về vốn, trong khi điểm chung của những dự án xi măng bị mua lại là gặp trục trặc về tài chính. Đầu tư dây chuyền thiết bị trong lúc nền kinh tế gặp khó khăn, nhu cầu giảm cùng lãi suất cao đã khiến cho những công ty này rơi vào cảnh nợ nần.

Trên thực tế, các công ty xi măng đều có cấu trúc nợ lớn, với khoảng 80% lượng vốn là từ vay nợ. Ví dụ rõ nhất là HT1. Năm 2013, HT1 chỉ lãi 5,3 tỉ đồng, vì chi phí tài chính đã lên tới 1.040 tỉ đồng, trong đó trả lãi vay là 773 tỉ đồng.

Ngành xi măng tái cơ cấu

 Rõ ràng, sau giai đoạn phát triển nóng, ngành xi măng đang bước vào giai đoạn thu hẹp lại về số lượng do khủng hoảng thừa. Số dự án xi măng gặp khó khăn trong hoạt động đang ngày càng tăng. Gần đây nhất là Nhà máy Xi măng Sông Thao với vốn đầu tư 3.700 tỉ đồng (77% tài trợ từ vốn vay) đang có khoản lỗ lũy kế 306,6 tỉ đồng. Hiện VICEM đang được giao tái cấu trúc nhà máy xi măng này.

 Những dự án gặp khó khăn như Xi măng Sông Thao là cơ hội cho các doanh nghiệp lớn đi thâu tóm. Và những dự án này nếu không được mua lại thì cũng sẽ dần bị loại bỏ. Năm 2014, Bộ Xây dựng đã trình lên Chính phủ loại 5 dự án và hoãn triển khai 9 dự án với lý do quy mô nhỏ, hiệu quả thấp và chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm quản lý.

Song bên cạnh đó, năm 2014 cũng cho thấy kết quả khả quan ở một số công ty thời hậu M&A như Xi măng Cẩm Phả. Sau khi Viettel nhảy vào đơn vị này hơn 1 năm, kết quả kinh doanh do Xi măng Cẩm Phả báo cáo cho thấy Công ty đang tăng trưởng tốt trở lại với lợi nhuận đạt 94 tỉ đồng và dự kiến năm 2015 sẽ tăng lên 183 tỉ đồng.

 Tuy nhiên, cũng cần phải thận trọng trước sự tăng trưởng nóng của ngành xi măng để tránh đi vào vết xe đổ ngày trước. Theo tính toán của Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus trong báo cáo mới nhất về ngành xi măng, đến năm 2026, Việt Nam mới thoát khỏi tình trạng dư nguồn cung (dựa trên giả định tăng trưởng nhu cầu hằng năm là 5% và nhiều giả định khác). Trong bối cảnh này, tiến hành M&A để giảm số lượng công ty không hiệu quả trong ngành có vẻ như là một biện pháp tốt.

Theo NCĐT