Phóng viên: - Thưa bác sĩ, TP.HCM như dự kiến thì ngày mai 22/10 có thể sẽ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ, tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể gì về việc này? Xin bác sĩ cho biết quan điểm riêng của chuyên gia truyền nhiễm về việc này?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Tôi cho rằng chưa nên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em trong giai đoạn này. Các tỉnh khác cũng đang phát sinh nhiều vùng dịch “nóng” và còn chưa có đủ vaccine để tiêm cho người lớn. Rất nên ưu tiên cho đối tượng người lớn. Nếu TP.HCM đã phủ đủ vaccine cho người trên 18 tuổi thì nên chuyển vaccine cho các tỉnh, thành phố khác.
Không chỉ các tỉnh thành ở phía Nam, mà vùng Bắc – Trung Bộ cũng nhiều tỉnh, thành đã có những dấu hiệu thấy rõ sắp sửa bùng phát mạnh dịch bệnh COVID-19. Thời tiết nóng của những tháng hè mà vùng dịch phía Nam còn lây nhiễm mạnh như nửa năm vừa rồi, nên chúng ta cần chuẩn bị tinh thần để chống dịch cho các tỉnh Bắc – Trung Bộ và phía Bắc khi thời tiết lạnh dần lên, có thể dịch sẽ lây rất nhanh ở miền Bắc.
TP.HCM đã bị lây nhiễm rất nặng nhưng nếu để tính toán giải quyết một bài toán tổng thể, hãy nhớ rằng cần tính tới tất cả các tỉnh thành, vùng miền. Vì người dân TP.HCM trên 18 tuổi được chích đủ vaccine, nhưng các tỉnh thành khác vẫn tới với TP.HCM để giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội. Nên bắt buộc phải giải quyết bài toán vaccine cho người lớn trước. Còn nếu muốn nhìn đến tương lai xa, hãy bàn câu chuyện tự chủ vaccine thì mới có thể chủ động chống dịch trong mọi tình huống.
*Thưa bác sĩ, như dự kiến thì có thể từ tháng 1/2022 hoặc sớm hơn, tuỳ theo tình hình thực tế, trẻ em TP.HCM có thể trở lại trường. Thực tế là một số vùng xanh ở TP.HCM, cụ thể như huyện Cần Giờ đã bắt đầu thử nghiệm cho trẻ đến trường. Nếu thời gian tới trẻ em toàn TP.HCM đồng loạt trở lại trường học nhưng chưa được tiêm vaccine thì lây nhiễm dịch bệnh vẫn là vấn đề khiến hàng triệu phụ huynh lo nghĩ?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Vẫn phải chờ đến thời điểm có vaccine Abdala và Soberana của Cuba chuyển được về TP.HCM thì hãy tiêm cho trẻ em trong vùng dịch TP.HCM. Còn cho đến hiện giờ, các vaccine khác đã về được đến Việt Nam chỉ nên dùng để chích ngừa cho người lớn.
Nếu chích đủ 2 mũi vaccine phù hợp thì có thể hoàn toàn yên tâm cho trẻ đến trường mà không cần phải lo nghĩ gì nữa. Nhưng vấn đề là chưa có đủ nguồn vaccine.
Hiện tại, kể cả khi chưa chích ngừa COVID-19 cho trẻ, nhưng qua quá trình chống dịch vừa rồi, có thể khẳng định là nếu muốn thử nghiệm cho trẻ quay trở lại trường thì vẫn có thể làm được và thăm dò thêm.
Người lớn thì không cần bàn thêm nữa, có bất cứ vaccine gì thì chích vaccine đó, nhưng với trẻ em thì khác, rất cần đợi có đủ vaccine phù hợp hãy chích.
Học sinh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ hào hứng trở lại trường. Ảnh: Hoà Bình ghép |
*Ngoài việc đợi có vaccine Cu ba để tiêm cho trẻ em, với vaccine Pfizer-BioNTech như các nghiên cứu của Mỹ đã chứng minh là tỷ lệ bảo vệ trẻ lên tới 100% thì sao, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Cá nhân tôi thấy rằng không nên tiêm vaccine Pfizer-BioNTech cho trẻ em vì lý do cho đến giờ chưa ai khẳng định được nguy cơ viêm cơ tim xảy ra khi chích ngừa COVID-19 với loại vaccine này. Thêm nữa, Mỹ có thông báo rất rõ ràng về nguy cơ viêm cơ tim và ai muốn thì chích, ai không muốn thì không cần chích vì đây là quyền tự do lựa chọn của mỗi người.
Ở Mỹ, theo tôi biết, tỷ lệ chích ngừa COVID-19 không cao, có những bang, chỉ có hơn 30% đến dưới 40% người dân lựa chọn chích ngừa COVID-19. Chính vì lý do này, nên Mỹ mới tiến hành tiêm cho đối tượng trẻ em để bảo vệ ngược lại cho người lớn. Vì khi trẻ em mắc COVID-19, thường là ít chuyển nặng nhưng trẻ mắc COVID-19 vẫn chơi, ăn, ngủ bình thường và lây cho nhiều người lớn thì thực tế đã chứng minh rồi.
*Như vậy, việc tiêm vaccine COVID-19 cho đối tượng trẻ em phải theo thực tế chống dịch ở Việt Nam chứ không theo các nước khác được, đúng không thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Đúng vậy, thời gian vừa rồi, TP.HCM có hơn 20.000 trẻ mắc COVID-19, tuy nhiên, các trẻ này hầu hết không có tỷ lệ trẻ bị chuyển nặng, càng ít các trường hợp nguy kịch hoặc ảnh hưởng đến tính mạng, tử vong vì COVID-19 với đối tượng trẻ em còn chưa có.
Tôi khẳng định những trẻ mắc COVID-19 nếu chuyển nặng là thuộc nhóm trẻ béo phì, có bệnh nền. Riêng nhóm này, không chỉ COVID-19 mà nguyên nhân tử vong có thể từ nhiều bệnh khác nhau, không thể đổ cho việc lây nhiễm COVID-19 mà dẫn tới tử vong.
Hơn 20.000 trẻ em mắc COVID-19 đã được nhập viện thời gian vừa rồi cũng bị “lố”. Trẻ mắc COVID-19 vẫn ăn ngủ bình thường, không có bất cứ bé nào diễn biến nặng. Thậm chí ngay cả ý nghĩa cách ly các em là F0 khỏi cộng đồng cũng không còn đúng nữa, bởi vì cả nhà cùng mắc thì không cần phải tách họ khỏi cộng đồng, chỉ cần cho cả gia đình tự cách ly tại nhà là được. Thời gian vừa rồi rất nhiều gia đình cùng mắc COVID-19 đã bị đưa đi nhiều bệnh viện khác nhau, điều trị trẻ em khác với điều trị người lớn, nhưng thực tế là các gia đình bị chia lìa không phải là tốt nhất cho việc điều trị COVID-19.
Việc này do quy định cũ tính theo tuổi, trẻ dưới 1 tuổi mắc COVID-19 thì nhập viện. Chúng tôi đang chờ quy định mới, văn bản hướng dẫn mới sẽ điều chỉnh lại, việc nhập viện vì COVID-19 phải theo triệu chứng, không căn cứ theo độ tuổi nữa.
*Cảm ơn bác sĩ!
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu