TP.HCM: Vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế nhưng phải an toàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại kỳ họp thứ 3, HĐND TP .HCM khóa X , Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế nhưng phải an toàn.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế nhưng phải an toàn
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế nhưng phải an toàn

Sẵn sàng bình thường mới

Sáng ngày 19/10/2021, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM tiếp tục kỳ họp thứ 3, HĐND TP.HCM khóa X. Phát biểu tại kỳ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết UBND TP đang khẩn trương tổng kết công tác phòng chống dịch và hoàn thiện phương án phòng chống dịch tổng thể, dự kiến ban hành trong tháng 10/2021. Đồng thời, ông Phan Văn Mãi cũng cho hay, TP.HCM đang vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế.

Tính đến hôm nay, tại vùng dịch TP.HCM 22 quận – huyện, TP Thủ Đức đều đã đạt tiêu chí kiểm soát dịch, chuẩn bị sẵn sàng bước vào giai đoạn bình thường mới. Số ca nhiễm trong ngày đã giảm xuống ba con số và số ca tử vong giảm sâu xuống còn 2 con số; tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 cho người trên 18 tuổi đạt 99%, tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt trên 76%; hệ thống y tế tiếp tục được củng cố.

Thực hiện Chỉ thị số 18 ngày 30/9/2021 của Chủ tịch UBND TP.HCM, một số hoạt động kinh tế, xã hội bắt đầu hoạt động trở lại tại những nơi bảo đảm tiêu chí an toàn. Ý thức của người dân, doanh nghiệp về phòng chống dịch được nâng cao…

“Đây là những tín hiệu tích cực để TP triển khai các kế hoạch, giải pháp phục hồi KT-XH với phương châm “mở cửa từng bước, thận trọng, an toàn, vững chắc” - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, TP.HCM có nền tảng để áp dụng các mức độ phòng chống dịch khi dịch bùng phát. Đồng thời, tập trung củng cố hệ thống y tế. Trong đó tập trung phát triển y tế cơ sở với 3 trụ cột: y tế cộng đồng, y tế điều trị và y tế phục hồi gắn với hoàn thiện mô hình điều trị 3 tầng.

Về phát triển kinh tế - xã hội các tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; giải quyết những khó khăn với các doanh nghiệp, người dân và các dự án, công trình.

Bên cạnh đó, TP sẽ tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, tập trung hỗ trợ về vốn, nguồn lực lao động, giải quyết những khó khăn cụ thể. TP vừa tập trung hỗ trợ cho khu vực sản xuất chủ lực, có giá trị sản xuất lớn, vừa chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

UBND TP.HCM sẽ chỉ đạo các sở ngành liên quan làm việc cụ thể với nhà đầu tư để rà soát từng dự án công trình, đảm bảo tiến độ khối lượng thực hiện và phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 95%; trong kế hoạch cân đối, sử dụng hiệu quả khoản điều chỉnh giảm chi đầu tư công, tiếp tục hoàn thiện kế hoạch đầu tư công 2021-2025.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khoá X
Toàn cảnh kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khoá X

Ngưng hoạt động nhiều bệnh viện dã chiến

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X ngày 19/10, lãnh đạo TP.HCM cho biết, sau 20 ngày giảm bớt mức độ giãn cách xã hội, diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM có nhiều tín hiệu khả quan. TP chưa phát hiện thêm ổ dịch nào mới, đồng thời, số ca nhiễm và số tử vong đều giảm sâu so với đợt bùng phát thứ 4. Số ca mắc mới vẫn đang tiếp tục giảm dần kể từ sau ngày 1/10; nhiều ngày gần đây TP.HCM ghi nhận dưới 1.000 ca mắc mới, hiện TP đang chăm sóc cho 11.531 bệnh nhân, trong đó, có 902 trẻ em dưới 16 tuổi, 404 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 17/10 có 640 bệnh nhân nhập viện, 664 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 241.461), 51 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 16.238).

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng nói: “Giai đoạn TP.HCM bắt đầu thực hiện chỉ thị số 16, dịch bệnh vẫn lây lan rất nhanh, cho đến ngày 16/7, vùng dịch TP.HCM chuyển thành cấp độ 4, trên 150 ca/100.000 dân/ngày. Số ca nhập viện tăng nhanh, có những tuần lên đến 11.069 ca. Ngày cao điểm trong tháng là 28/8, số ca mắc mới lên đến 17.403 ca, cùng lúc đó hệ thống y tế phải chăm sóc cho hơn 104.000 F0, trong đó có gần 40.000 F0 nặng. Số ca tử vong cũng tăng nhanh mỗi ngày. Từ 18/8 đến 24/8, số tử vong tăng lên đến 2.105 ca/tuần”.

“Ở giai đoạn này, tất cả bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị trên địa bàn TP đều quá tải. Mặc dù TP.HCM đã thành lập 32 bệnh viện dã chiến và chuyển công năng 64 bệnh viện sang điều trị COVID-19”, Giám đốc Sở Y tế khẳng định đây là giai đoạn khó khăn đỉnh điểm của dịch bệnh, chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Về công tác thu hẹp các bệnh viện dã chiến, Sở Y tế thông tin, ngày 15/10, Bệnh viện Đại học Y Dược đã tiếp nhận Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Cùng ngày, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng tiếp nhận Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Riêng việc tiếp nhận Trung tâm Hồi sức COVID-19 thuộc bệnh viện Trung ương Huế của Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ được thực hiện vào cuối năm 2021.

Kíp trực chăm sóc bệnh nhân nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 BV Trung ương Huế tại TP.HCM
Kíp trực chăm sóc bệnh nhân nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 BV Trung ương Huế tại TP.HCM

TP cũng đã có lộ trình ngưng hoạt động các bệnh viện dã chiến. Cụ thể, đến ngày 31/10 sẽ ngưng hoạt động 5 bệnh viện gồm: Bệnh viện dã chiến Củ Chi cơ sở 2 và 3, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1, 7 và 9. Đến ngày 30/11, ngưng hoạt động Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2, 4, 10, 11, 12. Đến ngày 31/12, TP.HCM sẽ tiếp tục ngưng hoạt động 5 bệnh viện gồm: Bệnh viện dã chiến Củ Chi cơ sở 1, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3, 5, 6, 9.

Một trong những biện pháp quan trọng để vượt qua đợt dịch thứ 4 là tiêm ngừa vaccine COVID-19 đã được tiến hành thần tốc trong vùng dịch. Tính đến ngày 19/10, TP.HCM có tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm vaccine 1 mũi là 98,8%, 2 mũi là 76,3%; trong đó, tỷ lệ trên 50 tuổi tiêm đủ 2 mũi là 76,11%.

Trong 5 tháng qua, TP.HCM buộc phải thực hiện giãn cách xã hội nhiều lần với siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh, giá trị tổng sản phẩm GRDP ước giảm 4,98% và dự báo cả năm giảm 5,56% (mục tiêu tăng 6%); tổng số vốn đầu tư được giải ngân chỉ đạt 32% kế hoạch; dự kiến chỉ hoàn thành 11/29 chỉ tiêu thành phần (37,93%), không hoàn thành 13/29 chỉ tiêu (44,83%), 5 chỉ tiêu chưa tính toán được trong thời điểm này; dự báo thu ngân sách nhà nước không giảm sâu nhưng sẽ rất khó khăn để hoàn thành kế hoạch năm 2021.

Chính vì thế, đây là kỳ họp rất quan trọng của HĐND TP.HCM để đánh giá sâu sắc, toàn diện những nỗ lực, cố gắng của TP trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19; đồng thời thông qua các chính sách quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp không có nguồn thu do ảnh hưởng của dịch bệnh; các giải pháp trọng tâm để thu hút đầu tư, phục hồi KT-XH; đề ra kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 với các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục…