TP.HCM có thể cho học sinh đi học lại từ tháng 1/2022
Sáng hôm nay, ngày 18/10/2021, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 3 khóa X. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ và Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Văn Dũng chủ trì kỳ họp. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, Đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu.
Tại kỳ họp, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, trên 98% dân số trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1 vaccine COVID-19; người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi là 78,24%, người trên 50 tuổi được tiêm 2 mũi là 66,24%.
Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đánh giá: “Với nhóm trẻ em, tuy dịch bệnh COVID-19 có mức độ ảnh hưởng thấp hơn với ca bệnh người lớn, không đến mức nguy hiểm đến tính mạng nhưng nguy cơ vẫn rất cao với nhóm trẻ có bệnh nền. Thời gian vừa qua, TP.HCM có hơn 20.000 trẻ em mắc COVID-19. Toàn TP.HCM có khoảng 1.800.000 trẻ em, đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn để thành phố thực hiện việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 17 tuổi, đặc biệt là TP.HCM đã có dự kiến sẽ mở lại các trường học vào thời điểm tháng 1/2022”.
Lực lượng tình nguyện tại Bình Dương tổ chức cho trẻ em là F0 có cơ hội vui chơi dịp Tết Trung thu |
Trẻ em có thể tiêm vaccine nào?
Hiện nay, như con số cho thấy, mặc dù số lượng trẻ em bị nhiễm COVID-19 ít hơn so với người lớn, nhưng đây vẫn là đối tượng có khả năng mắc và truyền bệnh COVID-19 cho những người khác. Do đó, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 được xác định là một trong những biện pháp quan trọng có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm bệnh, ngăn ngừa sự lây lan và vắc xin cũng có thể giúp trẻ không bị bệnh nặng ngay cả khi trẻ nhiễm COVID-19.
Thông tin từ HCDC cho biết, trên thế giới, những loại vaccine phòng COVID-19 đã được xác định là an toàn cho người lớn, hiện đang được tiếp tục nghiên cứu ở trẻ em. Trong đó, nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kết luận rằng vaccine Pfizer-BioNTech là phù hợp để sử dụng cho những người từ 12 tuổi trở lên. Trẻ em từ 12 đến 15 tuổi có nguy cơ cao bị mắc COVID-19 nặng có thể được chỉ định vaccine này như các nhóm đối tượng ưu tiên khác trong tiêm chủng.
Theo đó, cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thực hiện một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng với giả dược trên 2.260 người tham gia từ 12 - 15 tuổi tại Hoa Kỳ. Trong nhóm này, khoảng một nửa được cho tiêm vaccine Pfizer-BioNTech COVID-19, những đứa trẻ còn lại được tiêm giả dược. Qua phân tích sau tiêm, trong số những người tham gia (chưa nhiễm SARS-CoV-2 trước đó) thì không có trường hợp nào bị nhiễm bệnh COVID-19 xảy ra trong số 1.005 người được tiêm vaccine. Ngược lại, có 16 trường hợp mắc COVID-19 xảy ra trong số 978 người được tiêm giả dược. Qua đó cho thấy vaccine có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa bệnh COVID-19.
Ngoài ra, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng khuyến cáo rằng trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể tiêm vaccine Pfizer-BioNTech COVID-19 với chỉ định tiêm 2 mũi và mũi 2 cách mũi đầu tiên 3 tuần sau đó. Trẻ em cũng nhận được liều lượng vaccine Pfizer-BioNTech COVID-19 giống như người lớn. Không có yêu cầu về trọng lượng của bệnh nhân đối với tiêm chủng COVID-19 và liều lượng vaccine COVID-19 không thay đổi theo trọng lượng của bệnh nhân.
Thông tin từ HCDC cho biết thêm, hiện nay, ngoài vaccine Pfizer-BioNTech COVID-19, còn có 2 loại vaccine khác cũng đem lại hiệu quả và có thể tiêm phòng cho trẻ em là vaccine Abdala và Soberana của Cuba.
Tham dự kỳ họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, Đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi... |
Đưa cuộc sống về bình thường mới
So với thời gian đỉnh dịch hồi tháng 8, có những ngày TP.HCM ghi nhận tới hơn 6.500 ca nhiễm mới, với số tử vong rất cao, thì giai đoạn hiện tại, số ca nhiễm mới trên địa bàn chỉ còn lại khoảng 1.000 ca/ngày; số tử vong cũng giảm đáng kể và đây đều là các chỉ số được giới chuyên môn y tế đánh giá không còn là mức độ nguy hiểm cao với TP.HCM.
“Suốt hơn 4 tháng ròng, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ đời sống văn hoá cũng như kinh tế, vật chất và tinh thần, tâm lý của người dân TP.HCM, cướp đi nhiều sinh mạng con người, gây sụt giảm kinh tế trầm trọng. TP.HCM xin được ghi ơn sự hy sinh, dấn thân của các lực lượng tuyến đầu, y bác sĩ, nhân viên ngành y, tình nguyện viên trên địa bàn và lực lượng tới từ nhiều vùng, tỉnh thành, hỗ trợ TP.HCM chống dịch” – Bà Tô Thị Bích Châu phát biểu.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khoá X bắt đầu bằng phiên họp sáng ngày 18/10/2021 |
Với nội dung đánh giá lại sụt giảm kinh tế của 9 tháng đầu năm và phương án phục hồi cho 3 tháng cuối năm ở TP.HCM; UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM xem xét danh mục hỗ trợ đầu tư và nhiều phương án hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, khuyến nông cho các đơn vị trên địa bàn; trên nguyên tắc mở cửa an toàn, linh hoạt.
Hướng tới đối tượng yếu thế, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, đại biểu Cao Văn Bình - Ban Văn hoá Xã hội đề nghị HĐND xem xét, tăng mức hỗ trợ cho người dân. Ban Văn hoá – Xã hội cũng đề nghị TP.HCM miễn, giảm học phí cho các cấp học tới hết học kỳ 1 của năm học 2021-2022.