Bác sĩ Trương Hữu Khanh đưa giải pháp: F0 điều trị tại nhà vẫn được cấp thẻ xanh sau khi khỏi bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hàng trăm ngàn F0 điều trị tại nhà ở tâm dịch TP.HCM lo lắng vì không ai chứng nhận họ đã khỏi bệnh, để được cấp thẻ xanh đi làm. 
Bác sĩ Trương Hữu Khanh đưa giải pháp đơn giản xác định người mắc bệnh truyền nhiễm đã khỏi
Bác sĩ Trương Hữu Khanh đưa giải pháp đơn giản xác định người mắc bệnh truyền nhiễm đã khỏi

Phóng viên: - Thưa bác sĩ, thời gian này vùng dịch TP.HCM đang có khoảng 100.000 F0 điều trị tại nhà, trước đó cũng có mấy chục ngàn F0 đã điều trị khỏi tại nhà. Nhưng mọi người đều đang lo lắng vì sắp tới khi triển khai cấp thẻ xanh, thẻ vàng để đi lại, hoạt động sau giãn cách thì không có cơ quan nào cấp chứng nhận cho các F0 đã khỏi trong thời gian điều trị tại nhà?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Có giải pháp cho các F0 khỏi bệnh sau thời gian điều trị tại nhà được. Chỉ cần Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cho phép. Gần đây, người dân được cơ quan chức năng chấp nhận các kết quả test PCR tự trả phí rồi. Các F0 điều trị tại nhà sau khi test PCR chứng minh đã âm tính, khỏi bệnh rồi có thể đến bất kỳ bệnh viện hay cơ sở y tế nào để thực hiện thử máu là có kết quả chứng minh họ đã từng là F0 và đã khỏi bệnh.

Để chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm kinh điển như sởi, rubella, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… người ta đều phải chứng minh bằng phương pháp huyết thanh. Ca bệnh được xác định khi có kháng thể đặc hiệu trong máu bệnh nhân. Trong các đợt lây lan mạnh dịch bệnh COVID-19 từ trước đến giờ, muốn chẩn đoán người nào bị trước, người nào bị sau cũng bằng phương pháp huyết thanh. Máy xét nghiệm này rất kinh điển, hầu như bệnh viện, phòng khám và cơ sở y tế nào cũng có đầu tư thiết bị này.

Sau khi F0 nhiễm và điều trị khỏi bệnh, sẽ có được miễn dịch bền vững. Và chỉ cần xét nghiệm máu sẽ biết được họ nhiễm bệnh vào khoảng thời gian nào.

Nếu không nhanh chóng ra các quyết định và hướng dẫn cần thiết, rất có thể nhiều người F0 đã khỏi bệnh nhưng vẫn cố tình tìm cách đi chích ngừa vaccine để có được chứng nhận đã chích ngừa. Tình trạng này sẽ gây hỗn loạn xã hội, và tiêu tốn một lượng vaccine không cần thiết trong khi mấy trăm ngàn F0 đã khỏi bệnh đều đã có kháng thể tự nhiên.

Bổ sung lực lượng nhân viên y tế tham gia chiến dịch chích ngừa COVID-19

Bổ sung lực lượng nhân viên y tế tham gia chiến dịch chích ngừa COVID-19

*Đến thời điểm này, giải pháp giãn cách quá chặt của TP.HCM có còn phù hợp với tình hình, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Theo nhận định của tôi, đến thời điểm này của vùng dịch TP.HCM mà vẫn giãn cách quá chặt thì không còn hợp lý. Cho đến giờ, con số đếm mỗi ngày tăng thêm mấy ngàn F0 không còn ý nghĩa gì nữa. Giãn cách không làm hết F0 được nhưng cần giãn cách để chờ đủ vaccine, tiêm đủ cho các nhóm đối tượng cần thiết, không để các F0 lây lan thêm, bảo vệ các yếu tố nguy cơ trong cộng đồng.

Giãn cách xã hội buộc phải đi cùng với giải pháp chích ngừa cho những người chưa nhiễm. Thời điểm này, quan trọng nhất là hãy tập trung xem xét xem mỗi ngày có bao nhiêu ca F0 tiến triển nặng lên, các F0 này được tiếp cận thế nào, phân luồng, điều phối, đưa họ đến các tầng điều trị kịp thời. Tập trung lực lượng điều trị các ca bệnh nặng để giảm tử vong.

Hiện tại TP.HCM có khoảng 100.000 F0 điều trị tại nhà, và khoảng hơn 40.000 F0 điều trị tại bệnh viện. Nhưng hãy để ý xem hơn 40.000 F0 đang nằm trong bệnh viện là từ thời điểm nào? Cần chú ý những bệnh nhân đã nằm viện mấy chục ngày liền mà vẫn không được xuất viện.

Điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP. Thủ Đức (Ảnh: BVCC)
Điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP. Thủ Đức (Ảnh: BVCC)

*TP.HCM bắt đầu giảm số tử vong và có 3 quận, huyện (Quận 7 và 2 huyện Củ Chi, Cần Giờ)công bố đã kiểm soát được dịch, theo bác sĩ nguyên nhân tại sao?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Đây là tín hiệu vui. Quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ đều là các địa bàn rộng, dân cư ở thoáng nên thực hiện giãn cách tốt hơn. Khả năng rất cao là các quận huyện này ít các khu nhà trọ tập trung đông dân cư trong điều kiện vệ sinh không thuận lợi.

Chắc chắn các quận, huyện này đều có giải pháp y tế từ cơ sở rất tốt chứ không phải chỉ tập trung hết vào các bệnh viện tuyến cuối. Thực hiện theo dõi F0 tại nhà ở các quận, huyện này chắc chắn làm tốt. Và yếu tố chích ngừa với vaccine COVID-19 tại các quận, huyện này cũng làm tốt.

Số tử vong giảm rõ rệt vì thực ra nên hiểu rằng bệnh nhân tử vong là những người đã được nhập viện trước đó bao nhiêu ngày. Trước đây, số ca cấp cứu quá nhiều, quá dồn dập nên không đủ vật tư y tế và nhân sự để kịp thời cấp cứu. Còn đến giai đoạn gần đây, đa phần bệnh nhân nhập viện khi trở nặng đều được cứu sống vì cơ sở y tế bây giờ đã tập trung chỉ điều trị bệnh nhân nặng và đã có thể điều phối được oxy để cấp cứu kịp thời hơn.

*TP.HCM và nhiều nơi hiện nay đã hết vaccine Mordena. Trong khi thời hạn chích ngừa của loại vaccine này khá ngắn. Phải làm thế nào với tình trạng này thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Nếu tiêm mũi 1 vaccine do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; Nếu tiêm mũi 1 vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại. Việc này, cách đây mấy ngày Bộ Y tế cũng đã khẳng định. Trên thế giới nhiều nước cũng đã cho phép tiêm như vậy để nhanh chóng phủ vaccine ngừa COVID-19 cho người dân các vùng dịch.

*Xin cảm ơn bác sĩ!