Vụ thuê trường gần 70 tỷ ở Tiên Yên: Phụ huynh và học sinh vẫn lo canh cánh

VietTimes -- Hơn 1 tuần sau khi UBND tỉnh Quảng Ninh ra thông báo tạm dừng việc chuyển Trường THPT Tiên Yên sang Trường THPT Nguyễn Trãi, nhiều phụ huynh, học sinh của huyện Tiên Yên vẫn canh cánh nỗi lo về việc chuyển trường, cũng như tương lai của ngôi trường THPT Tiên Yên sẽ ra sao.
Trường THPT Tiên Yên
Trường THPT Tiên Yên

Học sinh tiếp tục phản đối

Như VietTimes đã thông tin, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định 896 phê duyệt phương án thuê cơ sở vật chất của Trường THPT Nguyễn Trãi, nhằm tạo điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo an toàn cho học sinh của Trường THPT Tiên Yên.

Tuy nhiên, quyết định này lập tức vấp phải sự phản đối của phụ huynh có con em đang theo học tại đây. Chính các học sinh của Trường THPT Tiên Yên cũng bày tỏ sự phản đối bằng cách nghỉ học 6 ngày liên tiếp. Vì thế, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phải ra thông báo tạm dừng việc chuyển trường đến hết năm học 2018 – 2019, đồng thời vận động học sinh đi học trở lại.

Phóng viên VietTimes đã trực tiếp tới ghi nhận tại huyện Tiên Yên sau khi sự việc xảy ra, nhằm tìm hiểu nguyên nhân khiến người dân và học sinh phản đối quyết định chuyển trường.

Học sinh Nguyễn Thị Quỳnh, lớp 10A1, Trường THPT Tiên Yên, cho biết: “Quyết định chuyển trường không hợp lý, thế nhưng đầu tháng 4 chúng em phải đã phải gấp rút thực hiện. Trong khi đó, tới cuối tháng 3 chúng em mới được thông báo. Không còn cách nào khác, chúng em nghỉ học để phản đối”.

Phòng làm việc của giáo viên tại dãy nhà được cho là đã xuống cấp
Phòng làm việc của giáo viên tại dãy nhà được cho là đã xuống cấp 

Quỳnh chia sẻ, tới tận bây giờ, các học sinh của trường vẫn không đồng tình với quyết định chuyển trường cùng nhiều câu hỏi đặt ra: Vì sao cơ sở vật chất của trường vẫn còn tốt mà phải đi thuê cơ sở mới để học tập? Nhà trường đang có hơn 7.000m2 đất dành cho gần 600 học sinh, vì sao các cơ quan chức năng lại kết luận học sinh không đủ diện tích học tập? Sao không thuê cho học sinh Trường THPT Tiên Yên một diện tích riêng biệt, mà phải chung cơ sở vật chất với học sinh của Trường THPT Nguyễn Trãi? v.v…

Nhiều học sinh của Trường THPT Nguyễn Trãi cũng bày tỏ thái độ không đồng tình với quyết định chuyển trường nói trên. Em Nguyễn Văn Quyết, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Trãi, chia sẻ: “Quyết định chuyển trường không chỉ ảnh hưởng tới các bạn học sinh ở Trường THPT Tiên Yên, mà còn ảnh hưởng tới cả chúng em. Khi các bạn ấy sang, chúng em phải chuyển giờ học từ buổi sáng xuống buổi chiều, rồi sinh hoạt chung sẽ có biết bao nhiêu thứ ảnh hưởng… Vì vậy em phản đối!”.

Nhiều nghi vấn đặt ra

Nỗi lo chuyển trường không chỉ hiện hữu trong từng lớp học, mà còn là tâm sự lo âu trong lòng từng người dân của huyện Tiên Yên. Họ thì thầm với nhau mọi lúc, mọi nơi về nguy cơ ngôi trường Tiên Yên hiện nay sẽ bị xóa sổ, cũng như chất lượng dạy và học sẽ thay đổi ra sao khi học sinh chuyển sang ngôi trường mới.

Nhóm phụ huynh học sinh trong buổi làm việc với VietTimes
Nhóm phụ huynh học sinh trong buổi làm việc với VietTimes

Phụ huynh Nguyễn Xuân Đăng (52 tuổi, cư dân thị trấn Tiên Yên) cho biết: “Chúng tôi cố gắng vận động con em mình quay trở lại trường, vì việc học với các cháu rất quan trọng. Song, chúng tôi chưa bao giờ ủng hộ quyết định chuyển trường!”. Theo ông Đăng, Tiên Yên có 10 xã nghèo và 1 thị trấn, là huyện miền núi xa xôi với nhiều khó khăn, vì vậy chưa đủ điều kiện để thực hiện xã hội hóa trường học. Bên cạnh đó, cả huyện chỉ có một Trường THPT công lập, nhưng giờ lại phải đi thuê và không có khuôn viên riêng biệt, sẽ ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt, học tập của học sinh.

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn giao thông cũng được các phụ huynh đề cập đến. Phụ huynh Hà Thị Lợi (50 tuổi) cho biết, nếu chuyển sang trường mới, học sinh phải đi qua quốc lộ 18A luôn có rất nhiều xe tải, xe công-ten-nơ… lưu thông với mật độ và tốc độ cao. “Hàng trăm học sinh đi xe đạp ùa ra con đường quốc lộ luôn đầy những chiếc xe hạng nặng đang di chuyển sẽ gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Chúng tôi không muốn đánh cược tính mạng của con em mình!” – Bà Lợi cho biết.

Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng tiếp tục đặt các câu hỏi: Tại sao lại phải chuyển trường một cách vội vã khi chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm học - thời điểm phải hạn chế tối đa sự xáo trộn để các em học sinh tập trung cho kỳ thi, nhất là các lớp cuối cấp? Chính quyết định này đã dẫn đến việc "bãi trường" của hàng trăm học sinh, để rồi tỉnh lại phải ra công văn hỏa tốc lùi thời gian chuyển trường. Việc chuyển trường vào thời điểm không phù hợp liệu có vì một mục đích phi giáo dục nào không?

Một dãy nhà học của Trường THPT Tiên Yên
Một dãy nhà học của Trường THPT Tiên Yên

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Theo bà Hoàng Việt Anh - nguyên Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh, các phụ huynh sẵn sàng đối thoại với UBND tỉnh Quảng Ninh để tìm ra phương án hợp lý nhất, nhằm giải quyết các vấn đề còn khúc mắc xung quanh việc chuyển Trường THPT Tiên Yên. “Người ta cho rằng chúng tôi vì quá yêu ngôi trường nên mới phản đối việc chuyển trường, nhưng thực tế là do chúng tôi thấy quyết định này có nhiều điều chưa hợp lý. Chúng tôi luôn ủng hộ chủ trương của Nhà nước, nhưng lãnh đạo cũng cần hiểu vì sao phụ huynh kịch liệt phản đối cách làm của UBND tỉnh Quảng Ninh, thì mới có biện pháp giải quyết”.

Những khúc mắc của người dân chưa được giải đáp thỏa đáng và nỗi lo lắng về tương lai học tập của học sinh huyện Tiên Yên vẫn đang thường trực.

Tuần trước, phóng viên VietTimes đã trực tiếp về làm việc tại UBND tỉnh Quảng Ninh để làm rõ những bất thường trong Quyết định 896, nhằm giải tỏa thắc mắc cho người dân. Tuy nhiên, ông Trần Việt Phương - Phó trưởng Phòng Khoa giáo - Văn xã của UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết chưa thể xếp lịch làm việc với lãnh đạo tỉnh trong thời gian này. Trả lời câu hỏi "khi nào tỉnh sẽ trả lời", ông Phương chỉ cho biết khi có lịch hẹn sẽ thông báo. Nhưng đến hôm nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía UBND tỉnh Quảng Ninh.