Vietnam Beverage mong muốn mua 51% Sabeco: Chỉ là đăng ký mà thôi?

VietTimes -- Đúng như phân tích trước đó của VietTimes, quy mô mong muốn mà Công ty TNHH Vietnam Beverage (viết tắt: VietBev) đăng ký mua  ở Sabeco không phải là 25% (giới hạn phải báo cáo) hay 38,59% (giới hạn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài).
Vietnam Beverage mong muốn mua 51% Sabeco: Chỉ là đăng ký mà thôi? (Ảnh: SAB)
Vietnam Beverage mong muốn mua 51% Sabeco: Chỉ là đăng ký mà thôi? (Ảnh: SAB)

Mà thực tế, VietBev đã đăng ký khối lượng mong muốn mua là 327.053.405 cổ phần Sabeco (HoSE: SAB), tương đương 51% lượng cổ phiếu lưu hành, trong đợt đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 18/12 tới đây.

Thông tin vừa được Bộ Công thương cập nhật đã chính thức xác nhận điều này.

So với số cổ phần Sabeco mà Bộ Công thương chào bán – là 343.662.587 cổ phần, tương ứng với 53,59% vốn điều lệ - quy mô trên đã chiếm gần trọn.

Nếu thương vụ thành công toàn phần thì VietBev sẽ trở thành cổ đông lớn nhất, có tiếng nói quyết định nhất tại Sabeco – vượt xa quy mô sở hữu của Nhà nước, với đại diện Bộ Công thương.

Sabeco cũng theo đó mà trở thành công ty con của VietBev – một pháp nhân chỉ vừa mới được thành lập cách đây 2 tháng và hiện chỉ đăng ký vốn điều lệ ở mức 682 tỷ đồng, rất rất nhỏ bé nếu so với vốn điều lệ của Sabeco.

Vietnam Beverage mong muốn mua 51% Sabeco: Chỉ là đăng ký mà thôi? ảnh 1VietBev mang tư cách của nhà đầu tư trong nước nhưng đứng đằng sau nó là ThaiBev, TCC Holdings và tỷ phú Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi. (Ảnh: TCC Holdings)

Nhưng tư cách nhà đấy tư trong nước ấy không thể che lấp nguồn lực ngoại đằng sau VietBev. Hậu thuẫn cho VietBev là ThaiBev – “gã khổng lồ” trong lĩnh vực đồ uống của không chỉ Thái Lan, mà là toàn Đông Nam Á.

Và đằng sau hãng bia đã từng khiến Heineken, Shingha, Carlsberg… “lấm lưng trắng bụng” ấy là tập đoàn TCC Holdings hùng mạnh và vị tỷ phú gốc Hoa đầy lọc lõi Charoen Sirivadhanabhakdi, người giàu thứ 62 thế giới với tài sản ròng lên tới 15,8 tỷ USD – theo cập nhật mới nhất của Forbes.

Vài năm gần đây Charoen và TCC Holdings đầu tư rất lớn vào Việt Nam, thâu tóm và chiếm lĩnh hàng loạt thương hiệu lớn trong lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của vị tỷ phú 73 tuổi đã đổ khoảng 3 tỷ USD vào Việt Nam để thâu tóm Phú Thái Group, Metro Cash & Carry Việt Nam, Oishi… và mới nhất là Vinamilk – doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất TCCK Việt Nam.

Nếu thành công trong thương vụ thâu tóm Sabeco – hãng bia thống trị thị trường đồ uống có cồn và là doanh nghiệp niêm yết giá trị vốn hóa lớn thứ hai Việt Nam, tầm vóc của của Charoen Sirivadhanabhakdi ở đất nước láng giềng hơn 90 triệu dân sẽ ở một tầm cao mới.

Tất nhiên, hiện thực hóa tham vọng chi phối Sabeco và xa hơn là cả thị trường đồ uống Việt là một nhiệm vụ không đơn giản.

Một trong những yêu cầu trước tiên là phải có rất rất nhiều tiền. Với mức giá khởi điểm 320 nghìn đồng/cổ phiếu mà Bộ Công thương đã chào, ước tính VietBev sẽ phải chi khoảng 5 tỷ USD, một số tiền khổng lồ - kể cả với những tỷ phú như Charoen.

Theo chốt sổ của Bộ Công thương, VietBev là nhà đầu tư duy nhất đăng ký mua khối lượng lớn dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco.

Tuy nhiên, VietBev (mà thực chất là ThaiBev và Charoen) không thể thấy vậy mà chủ quan. Các “cá mập” khác có thể còn đăng ký mua nhiều hơn họ, “máu” hơn họ, nhưng đã khéo léo “ẩn” đi. Chẳng hạn bằng cách phân tán cho nhiều đại diện.

Kinh nghiệm nhãn tiền trong cuộc đua sở hữu Vinamilk với “cá mập” Jarrdine Matheson vừa mới đây hẩn vẫn còn nóng hổi.

Chỉ để đăng ký mà thôi?

VietBev đã đăng ký khối lượng mong muốn mua tới 51% cổ phần Sabeco – xin nhắc lại như vậy. Bộ Công thương hẳn đang rất vui, thương vụ thoái vốn Sabeco hẳn sẽ thành công rực rỡ, ngân sách nhà nước sẽ được bù đắp đáng kể…

Dĩ nhiều cũng có những người đang lo lắng, vì sự lộ diện và độ “máu” của VietBev. Những đối thủ của VietBev trong cuộc đấu giá tỷ đô ở Sabeco hẳn cũng đang đầy toan tính. Thương vụ đấu giá Sabeco hẳn sẽ khốc liệt…

Vietnam Beverage mong muốn mua 51% Sabeco: Chỉ là đăng ký mà thôi? ảnh 2Thông cáo ThaiBev mới phát hành. (Nguồn: ThaiBev)

Tinh thần là như vậy nhưng có lẽ sẽ không có gì là chắc chắn trước giờ G.

Bởi lẽ chỉ mới đây thôi, sau những thông tin dồn dập về tham vọng thâu tóm Sabeco trên truyền thông Việt, ThaiBev đã bất ngờ phát đi thông cáo – với nội dung khá lửng lơ.

Tại thông cáo đề ngày 12/12/2017, ThaiBev cho biết việc công ty Vietnam Beverage đăng ký mua trên 25% cổ phần của Sabeco trong đợt đấu giá ngày 18/12 chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu quy định về đấu giá cạnh tranh của Sabeco.

Tính đến ngày 12/12, Vietnam Beverage chưa đăng ký thủ tục đấu giá cũng như phê duyệt bất kỳ hợp đồng, thỏa thuận nào về việc đặt mua cổ phần của Sabeco trong đợt đấu giá này. Việc đăng ký đấu giá vẫn đang được Vietnam Beverage xem xét. Ngày 17/12 là hạn chót để các bên tham giá đấu giá đăng ký với Ban tổ chức đấu giá Sabeco.

Thai Beverage khẳng định không có sự đảm bảo chắc chắn nào về số lượng và mức giá cổ phần của Sabeco được mua khi đăng ký tham gia đấu giá Sabeco.

Đăng ký khối lượng mong muốn mua tới 51% cổ phần Sabeco, nhưng lại thông cáo như trên, hẳn chỉ có ThaiBev mới thực sự biết họ muốn và sẽ làm gì (!)….

Ít người biết rằng, trước Công ty TNHH Vietnam Beverage, trung tuần tháng 10/2016, ThaiBev từng thành lập ở Việt Nam một pháp nhân có cái tên “na ná”.

Đó là Công ty TNHH International Beverage Việt Nam (International Beverage Vietnam Company Limited). Pháp nhân này được ThaiBev gián tiếp thành lập thông qua một đơn vị thành viên của mình là International Beverage Holdings Limited (viết tắt là “IBHL”).

Khi mới thành lập, Công ty TNHH International Beverage Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, đăng ký vốn điều lệ ở mức 200.000 USD (4,468 tỷ đồng), do ông Rowan Paul Andux Arkotxa Macke (SN 1970, quốc tịch Anh Quốc) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện trước pháp luật; Và có địa chỉ trụ sở chính tại P.605, Tòa nhà CMC Tower, Duy Tân, Hà Nội.

Thành lập và đăng ký hoạt động hơn một năm nay nhưng vẫn chưa rõ Công ty TNHH International Beverage Việt Nam đang làm gì ở Việt Nam, dù về mặt giấy tờ pháp nhân này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là Bán buôn đồ uống (Chi tiết: Thực hiện quyền phân phối bán buôn (không lập cơ sở bán buôn) đồ uống có cồn, bao gồm rượu Scoth Whisky, Gin, Vodka, Thai Rum và Thai Spitits).

Được biết, đầu năm 2017, công ty này đã nâng vốn điều lệ lên mức 300.000 USD./.