Tham vọng trở thành “ASEAN Leader” tại thị trường Việt Nam
Phiên đấu giá cổ phần của CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco (HOSE: SAB) sẽ diễn ra ngày 18/12 tới đây, tiếp tục thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư vào cái tên Công ty TNHH Vietnam Beverage (VietBev), khi doanh nghiệp này đăng ký mua khối lượng lớn dẫn đến việc sở hữu 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco.
Theo kết quả tìm hiểu của VietTimes, không quá khi nói rằng công ty VietBev được thành lập là để chuẩn bị cho thương vụ thâu tóm Sabeco, mà đằng sau là "bàn tay" của tập đoàn Thai Beverage (ThaiBev) do tỷ phú Thái Lan, ông Charoen Sirivadhanabhakdi đang làm Chủ tịch.
Tuy nhiên, thương vụ được dự đoán có thể lên tới 9 tỷ USD của Sabeco cũng chỉ là một mảnh ghép còn thiếu trong chiến lược chung đến năm 2020 của Tập đoàn này tại thị trường Việt Nam.
Phần giới thiệu “ThaiBev Vision 2020” được công bố vào cuối năm 2014 nhấn mạnh, Ban lãnh đạo Tập đoàn quyết tâm củng cố vị trí dẫn đầu thị trường đồ uống tại Đông Nam Á (ASEAN) lâu dài, xác định rõ tập trung và mở rộng vào 3 nhóm sản phẩm chính là: rượu, bia và các sản phầm đồ uống không cồn khác. Một phần trong kế hoạch đó là thâu tóm các thương hiệu khác có tiềm năng tại ASEAN, nhằm đẩy nhanh quá trình và gia tăng đóng góp doanh thu từ hoạt động kinh doanh bên ngoài Thái Lan lên 50%.
Đối với thị trường Việt Nam, Tập đoàn này đã tích cực tham gia đầu tư vào các thương hiệu trong lĩnh vực đồ uống có tên tuổi như CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (HOSE: VNM) và sắp tới đây là Sabeco.
Đầu tư vào Vinamilk từ năm 2005, cho đến nay, Fraser and Neave (F&N) – công ty thành viên của tập đoàn ThaiBev, đã sở hữu được 19,06% cổ phần tại doanh nghiệp có thị phần đứng đầu ngành sữa Việt Nam.
Vai trò của Vinamilk cũng được ông Koh Poh Tiong, Chủ tịch của F&N diễn giải rất rõ ràng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp: “"Tăng cổ phần của F&N trong Vinamilk là một động thái chiến lược để tăng cường sự tham gia của chúng tôi vào thị trường sữa hấp dẫn và đang phát triển của Việt Nam, giảm sự phụ thuộc tăng trưởng lợi nhuận vào các thị trường chủ chốt tại Singapore, Malaysia và Thái Lan."
Nhưng đây có lẽ chưa phải là tỷ lệ 51% cổ phần mà tỷ phú Chaoren mong muốn, khi xuất hiện thêm “cá mập” Jarrdine Matheson mạnh tay đầu tư vào Vinamilk trong thời gian ngắn nhằm tìm kiếm ảnh hưởng tại thị trường đồ uống tại Việt Nam.
Từ kinh nghiệm trong quá khứ, có lẽ tỷ phú Chaoren đang muốn quyết tâm thâu tóm bằng được 53,59% cổ phần hoặc một mức ảnh hưởng tối đa có thể được của Sabeco trong một lần, để tạo thế đứng vững chắc cho các doanh nghiệp trong tập đoàn tại thị trường giàu tiềm năng như Việt Nam.
Và ít ai biết, vị tỷ phú này cũng có nhiều kỷ niệm khó quên trong ngành bia.
Mặc dù được mệnh danh là “ông trùm” bất động sản nhưng tên tuổi của ông Chaoren thực sự lan tỏa khắp châu Á sau cuộc bắt tay với hãng bia Carlsberg vào năm 1991, để cạnh tranh với thương hiệu bia Shingha, khi đó đang thống lĩnh thị trường Thái Lan.
Chỉ mất vài năm, ông Chaoren đã lĩnh hội được các tinh hoa của Carlsberg và cho ra đời thương hiệu bia riêng của mình, mang tên “Chang” trong tiếng Thái có nghĩa là “chú voi”, linh vật của người Thái. Sau 5 năm, chính thương hiệu bia này đã đánh bại được Shingha và vươn lên chiếm 60% thị phần tại Thái Lan. Đến năm 2003, ThaiBev của Chaoren cũng đã dừng liên doanh với Carlsberg với vị thế lớn mạnh hơn trước rất nhiều. Không những thế, ông còn khiến cho hãng bia Carlsberg phải trả 120 triệu USD để giải quyết các vấn đề pháp lý với ThaiBev.
Bên cạnh đó, ThaiBev cũng có nhiều lần “đụng độ” với hãng bia Heineken tại các thị trường mới nổi tại Đông Nam Á. Cuộc đụng độ diễn ra gần đây nhất giữa hai Tập đoàn này liên quan đến thương hiệu bia Tiger diễn ra vào năm 2012.
Khi đó, liên doanh Asia Pacific Breweries (APB) gồm Heineken và F&N (đang sở hữu 64,8% hãng bia Tiger). Vấn đề thực sự phát sinh khi Heineken muốn thâu tóm APB, hãng sản xuất bia Tiger bằng cách mua lại cổ phần của F&N. Dù khi đó ThaiBev chỉ nắm không nhiều cổ phần tại F&N (chỉ có 24%) nhưng Charoen vẫn có cách đem về lợi nhuận cho mình. Các công ty thuộc quyền quản lý của gia đình Charoen đã đề xuất mua lại cổ phần trong APB, buộc công ty của Hà Lan, phải vội vã đưa ra mức giá chào mua 7,5 tỷ USD Singapore (tương đương 6 tỷ USD) để thực hiện thành công thương vụ thâu tóm của mình.
Các nhà phân tích cho rằng ThaiBev sẽ kiếm được khoảng 742 triệu USD lợi nhuận từ thương vụ này. Tuy vậy, việc chậm chân cũng khiến cho ThaiBev không thể thâu tóm được nhãn hiệu bia Tiger.
Còn đối với việc tham gia chào bán cổ phần Sabeco, mức giá tối thiểu 320.000 đồng/cổ phần, tương ứng với P/E gần 50 lần có lẽ cũng không là vấn đề đối với ông Charoen để đưa mức P/E này về mức hợp lý.
Ông Marc Djandji, người phụ trách bộ phận khách hàng tổ chức tại CTCP Chứng khoán Rồng Việt, chia sẻ trong buổi phỏng vấn của hãng tin Bloomberg rằng: “Nếu không nắm quyền kiểm soát tại doanh nghiệp, sẽ rất khó để bạn có thể điều chỉnh được giá cả. Nếu bạn có thể kiểm soát, bạn có thể tác động thay đổi việc phân phối, tiết giảm chi phí và trong vài năm sẽ làm giảm mức P/E từ 40 xuống còn 20 lần và điều đó là rất quan trọng đối với một nhà sản xuất bia tại Châu Á.”
Cũng chia sẽ với hãng tin Bloomberg, ông Nicholas Teo, chuyên gia chiến lược của KGI Securities tại Singapore cũng nhận định đây là “một bước đi lớn” của ThaiBev trong việc tăng cường tầm ảnh hưởng tại thị trường Đông Nam Á.
Do vậy, dù thành hay bại trong lần đấu giá Sabeco lần này, tỷ phú Thái Lan cũng đã gây được tiếng vang trên toàn thị trường trong khu vực.