Việt Nam xếp thứ 100 về chỉ số an ninh mạng

VietTimes -- Theo kết quả khảo sát do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Việt Nam chỉ xếp hạng 100 (0,245 điểm), ngang bằng Afghanistan. Kết quả này không khiến giới chuyên môn bất ngờ, bởi với hơn 40% hệ thống website tại Việt Nam tồn tại lỗ hổng, sự cố an ninh mạng ở nước ta đang tăng theo cấp số nhân. 
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Kết quả xếp hạng của ITU một lần nữa cho thấy cả các tổ chức lẫn cá nhân đều phải có cách nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề an ninh mạng. Và thực tế này đang đặt các tổ chức, cá nhân, thậm chí cả Chính phủ trước yêu cầu cần có cách nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề an ninh mạng.

Theo kết quả này, Singapore là quốc gia có chỉ số an ninh mạng hàng đầu thế giới khi đạt 0,925 điểm (thang điểm tối đa là 1 điểm). Vị trí thứ 2 thuộc về Mỹ với 0,919 điểm; Úc, Pháp, Canada góp mặt trong TOP 10.

Số điểm và thứ hạng của một số quốc gia trong danh sách ITU khảo sát:

Việt Nam xếp thứ 100 về chỉ số an ninh mạng ảnh 1

Trước đó, Việt Nam thường xuyên được nhắc tên trong nhóm các quốc gia có số lượng máy tính bị lợi dụng trong các mạng botnet, phát tán thư rác nhiều nhất thế giới. Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), Việt Nam hứng 127.000 vụ tấn công mạng trong 6 tháng đầu năm.

Về vấn đề an ninh mạng tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đánh giá: “An toàn thông tin mạng là vấn đề nóng và đang thu hút sự quan tâm lớn hiện nay. Các hình thức tấn công APT, mã độc gián điệp, mạng botnet, DDOS, deface, phising,.... đang ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp.

Nhiều cuộc tấn công có chủ đích (APT) nhằm vào các cơ quan Chính phủ, các hệ thống tài chính, ngân hàng, các hạ tầng thông tin trọng yếu, các website của các cơ quan tổ chức doanh nghiệp tại VIệt Nam; xu hướng tấn công vào các thiết bị IoT như Camera và Smart TV, mã độc tống tiến Ransomware đang ngày càng tăng cao; xu hướng sử dụng các mạng xã hội để phát tán mã độc, lừa đảo trúng thưởng, mạo danh và đánh cắp thông tin cũng đang gia tăng một cách đáng ngại, những cuộc tấn công DdoS mới đã xuất hiện chiếm băng thông lên tới 400Gb tại Việt Nam và 1000 Gb tại Mỹ”.

Thực tế các tấn công mạng phần lớn đều có sử dụng các máy chủ đặt tại nước ngoài để cản trở, phá hoại hoạt động của các dịch vụ, máy chủ mục tiêu. Do vậy, công tác phối hợp quốc tế chặt chẽ trong quá trình ứng cứu sự cố là điều kiện tiên quyết để xử lý dứt điểm nguồn gốc cuộc tấn công và các vấn đề liên quan, đảm bảo an toàn mạng quốc gia. 

Được biết, khảo sát của ITU được tiến hành dựa trên luật pháp, những giải pháp kỹ thuật và giải pháp tổ chức, khả năng giáo dục và nghiên cứu cũng như sự phối hợp của quốc gia đó trong mạng lưới chia sẻ thông tin.

Mức độ của liên thông mạng này phản ánh khả năng thông tin có thể bị lộ, thậm chí từ cơ sở hạ tầng quan trọng đến những quyền cơ bản của con người có thể bị tổn hại