Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á trước làn sóng Covid-19 mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đại dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia Đông Nam Á bất chấp nỗ lực của các chính phủ.

Đại dịch Covid-19 tại Đông Nam Á có nhiều diễn biến phức tạp
Đại dịch Covid-19 tại Đông Nam Á có nhiều diễn biến phức tạp

Nguy cơ Covid-19 gia tăng

Theo thống kê của trang Worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 18.397 ca mắc Covid-19 so với một ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 76.040 người.

Tổng số ca nhiễm, tử vong và bình phục bởi Covid-19 ở Đông Nam Á tính đến hôm 22/5. Nguồn: The ASEAN Post

Tổng số ca nhiễm, tử vong và bình phục bởi Covid-19 ở Đông Nam Á tính đến hôm 22/5. Nguồn: The ASEAN Post

Tại Indonesia - ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á, mặc dù số ca mắc mới đã bắt đầu giảm nhưng đây vẫn là quốc gia có số ca tử vong cao nhất khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại Thái Lan cũng không khá hơn khi hôm 27/5, tờ Bangkok Post đưa tin Thái Lan ghi nhận thêm 47 ca tử vong vì Covid-19 trong vòng 24 giờ. Đây là con số cao nhất tại nước này kể từ đầu dịch. Trước tình hình trên, quận chúa Thái Lan Chulabhorn cho phép Học viện hoàng gia Chulabhorn được phép nhập khẩu vắc xin mà không cần thông qua chính phủ, theo Reuters.

Số ca nhiễm Covid-19 mới đang có chiều hướng gia tăng ở khu vực vốn ít bị dịch bệnh tác động như Đông Nam Á. Ảnh: Panos

Số ca nhiễm Covid-19 mới đang có chiều hướng gia tăng ở khu vực vốn ít bị dịch bệnh tác động như Đông Nam Á. Ảnh: Panos

Chính phủ Thái Lan cũng dự kiến có 6 triệu liều vắc xin của AstraZeneca và 3 triệu liều của Sinovac vào tháng 6, với mục tiêu chủng ngừa cho 70% dân số trước thời điểm cuối năm. Các bệnh viện tư còn dự định mua 10 triệu liều vắc xin của Moderna thông qua một công ty nhà nước.

Cũng trong ngày hôm qua (27/5), Malaysia ghi nhận thêm 7.857 ca mắc Covid-19 và là ngày thứ 3 liên tiếp có số ca mắc cao kỷ lục, nâng tổng số ca mắc lên 541.224 với 2.432 ca tử vong.

Cảnh sát đứng gác tại thành phố Petaling Jaya, Malaysia ngày 10/5 - Ảnh: Reuters

Cảnh sát đứng gác tại thành phố Petaling Jaya, Malaysia ngày 10/5 - Ảnh: Reuters

Tại Campuchia, số ca mắc Covid-19 trong ngày tiếp tục tăng, tuy chưa bằng mức hơn 900 ca/ngày cách đây vài tuần. Trong khi đó, theo tờ Khmer Times, số bệnh nhân mới đang vượt số ca hồi phục trong ngày, khiến hệ thống y tế gia tăng áp lực. Bộ Y tế Campuchia hôm qua ghi nhận thêm 649 ca mắc Covid-19 với 4 ca tử vong và 626 ca hồi phục, nâng tổng số lên 27.638 ca mắc với 194 ca tử vong và 20.398 ca hồi phục.

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này đã thông báo đã có thêm 4.973 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này lên 1.184.706. Số ca tử vong tại đây cũng tăng thêm 39 ca lên 19.983.

Kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19, Philippines đã tiêm được hơn 4 triệu liều vaccine. Chính phủ Philippines cho biết tính đến ngày 22/5, gần 1 triệu người đã được tiêm đủ liều vaccine trong khi quốc gia có hơn 110 triệu dân này đặt mục tiêu tiêm cho 70 triệu người trong năm nay để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Phản ứng của các quốc gia

Indonesia

15 tháng sau tuyên bố của Bộ trưởng Y tế Terawan (hồi tháng 2 năm 2020) rằng: "Chúng tôi nhờ ơn Thượng đế. Tất cả là nhờ vào cầu nguyện. Việc cầu nguyện đã giúp Covid-19 không lan đến quốc gia chúng tôi", quốc gia này đã đối mặt với đại dịch và ghi nhận 50.000 người tử vong.

Bộ trưởng Y tế Indonesia, Terawan Agus Putrano. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Y tế Indonesia, Terawan Agus Putrano. Ảnh: Reuters

Giờ đây, chính phủ Indonesia một lần nữa gia hạn "Giới hạn hoạt động cộng đồng tầm vi mô" tới cuối tháng 5 sau khi dự đoán các ca mắc Covid-19 tăng vọt sau kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitri của người Hồi giáo. Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý Covid-19 của Indonesia cho biết, các ca dương tính đã tăng 36,1% một tuần sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Chưa kể Indonesia hiện đã phát hiện hàng chục trường hợp đột biến của các biến thể từ Anh, Nam Phi và Ấn Độ.

Được biết, Indonesia hiện đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 bằng các chương trình tiêm chủng của chính phủ và tiêm chủng hợp tác với khu vực tư nhân. Hiện nước này đặt mục tiêu tiêm 181 triệu dân cho đến tháng 3 năm 2022 để đạt miễn dịch cộng đồng.

Malaysia

“Một chút ánh nắng mặt trời, nghỉ ngơi sẽ là điều nên làm sau 6 tháng. Tôi nghĩ đây là cơ hội đầu tiên để thực hiện những điều đúng đắn”, một người dân Malaysia nói. Tuy nhiên quốc gia này tỏ ra khá lúng túng. Trong khi Bộ Y tế Malaysia đang tập trung vào các biến thể mới xâm nhập, đặc biệt là B1617 từ Ấn Độ, các chủng địa phương không xác định có thể làm nghiêm trọng thêm làn sóng hiện nay. Ngày 10/5/2021, thủ tướng Muhyiddin Yassin của Malaysia đã đánh giá: "Malaysia đang đối diện làn sóng Covid-19 thứ 3 có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng quốc gia" khi ông thông báo phong tỏa toàn quốc từ ngày 12-5 tới 7-6.

Thái Lan

Có thể nói đây là quốc gia có cách "kháng cự" rất cứng rắn với dịch Covid 19. Ngay từ ngày 4/1, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết chính phủ đang nỗ lực đạt 63 triệu liều vắc xin, đủ cung cấp cho gần một nửa dân số. Nội các Thái Lan hôm 5/1 đồng ý chi 39 triệu USD cho vắc xin, dự kiến tiêm chủng miễn phí cho người dân. Lực lượng hải quân nước này cũng đã kịp xây dựng 4 bệnh viện dã chiến trên khắp đất nước, với 4.000 giường bệnh ở khu vực Samut Sakhon, ít nhất 500 giường ở Rayong, bờ biển phía Đông. Nước này cũng lên kế hoạch mở rộng cơ sở y tế tại hai tỉnh ven biển Chanthaburi và Chonburi.

Một nhân viên kiểm tra thân nhiệt của hành khách trước khi lên xe tại ranh giới tỉnh Samut Sakhon và Bangkok, Thái Lan, ngày 4/1. Ảnh: AP

Một nhân viên kiểm tra thân nhiệt của hành khách trước khi lên xe tại ranh giới tỉnh Samut Sakhon và Bangkok, Thái Lan, ngày 4/1. Ảnh: AP

Trước những lo ngại ảnh hưởng kinh tế, Thủ tướng Prayuth quyết định không áp lệnh phong tỏa toàn quốc, song yêu cầu người dân tự giác ở nhà, đảm bảo an toàn.

Campuchia

Bất chấp việc nền kinh tế còn nhiều hạn chế cũng như sự yếu kém trong cơ sở hạ tầng, nước này vẫn quyết định sử dụng những biện pháp hết sức quyết liệt nhằm đối phó với Covid 19. Tuy nhiên, dịch bệnh tại nước này vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Ngày 26/4, chính phủ Campuchia tuy đã bỏ lệnh cấm đi lại liên tỉnh nhưng vẫn duy trì mọi biện pháp chống dịch ở mức cao nhất. Trong đó, Phnom Penh và thành phố lân cận Ta Khmau thuộc tỉnh Kandal tiếp tục đặt dưới lệnh phong tỏa.

Việt Nam

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 diễn ra chiều 21/5, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sĩ Hiệp đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo đang bám sát thực tiễn, chỉ đạo, điều hành, quyết liệt kịp thời, hiệu quả. Nhất là sau khi có chủ trương, các quyết định khen thưởng, xử phạt nghiêm minh, phân cấp mạnh cho địa phương, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương đã rất trách nhiệm, vào cuộc rất quyết liệt, đồng bộ. Tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chưa có ổ dịch mới không rõ nguồn lây, đã có 3 tỉnh qua 14 ngày không phát hiện ca nhiễm mới.