Lượng người dùng Internet tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 52% dân số, tương đương khoảng 49-50 triệu người, nên là một nguồn kiếm tiền quan trọng của các hacker, ông Dhanya Thakkar – Giám đốc phụ trách châu Á Thái Bình Dương của Trend Micro cho biết.
Có 83% các cuộc tấn công trên Internet nhằm mục tiêu kiếm tiền, do đó bất kỳ ở đâu có thể kiếm được tiền thì tội phạm mạng sẽ nhắm đến, bất kể đó là quốc gia hay nền kinh tế nào, ông Dhanya trả lời ICTnews khi được hỏi tại sao một quốc gia thu nhập trung bình với lượng người dùng thẻ tín dụng ít như Việt Nam phải quan tâm đến việc bảo mật.
Ông Dhanya Thakkar,Giám đốc phụ trách châu Á Thái Bình Dương của Trend Micro - Ảnh: H.Đ |
Giám đốc Trend Micro châu Á Thái Bình Dương dẫn trường hợp TP Bank mới đây chặn đứng được nguy cơ bị tội phạm mạng trộm 1,1 triệu USD và vụ tấn công tương tự vào ngân hàng ở Bangladesh với trị giá khoảng 1 tỷ USD là những minh chứng cho thấy tội phạm mạng không từ thủ đoạn hay quốc gia nào để tấn công nhằm mục đích tài chính.
Tại Việt Nam, đại diện Trend Micro cho rằng có thể đã có các cuộc tấn công để lại hậu quả nhưng không được công bố. Việt Nam và nhiều nước châu Á chưa có luật công bố thông tin bị đánh cắp (data breach), do đó thông tin về các vụ tấn công mạng có thể chưa được công khai. Ở các nước có luật Internet chặt chẽ, như Mỹ chẳng hạn, tổ chức nào bị đánh cắp thông tin bắt buộc phải công bố rộng rãi.
Dẫn số liệu từ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), ông Dhanya Thakkar cho biết có khoảng 31.000 sự cố về an toàn thông tin ở Việt Nam năm 2015. Trong khi đó Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cũng đưa ra nhiều cảnh báo về các cuộc tấn công có chủ đích (APT) nhắm vào nhiều cơ quan nhà nước và doanh nghiệp lớn trong nước. Chỉ số an toàn thông tin của Việt Nam do VNISA công bố năm 2015 đạt 46,4%, cao hơn năm trước, nhưng vẫn dưới mức trung bình.
Ngoài ra, số liệu từ Liên minh viễn thông quốc tế (ITU - một tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc) đánh giá Việt Nam đứng thứ 10 trong khu vực châu Á Thái Bình Dương về chỉ số an ninh mạng (Cybersecurity Index). Tuy nhiên, xét trong khu vực ASEAN Việt Nam chỉ đứng trên Lào và Campuchia, đứng sau tất cả các nước còn lại trong khu vực. Đây là những dấu hiệu cho thấy Việt Nam phải làm nhiều thứ để cải thiện an toàn trên môi trường Internet. Tuy nhiên, ông Dhanya Thakkar cũng cho rằng Luật An toàn thông tin vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực trong 1/7 tới chính là một bước tiến lớn của Việt Nam, chứng tỏ các cơ quan chức năng đã có nhận thức rõ ràng về những vấn đề an ninh, an toàn thông tin trên mạng.
Một khi nhận thức được những mối nguy trên mạng, các cơ quan, doanh nghiệp sẽ xây dựng các quy trình đối phó, tiêu chuẩn thực thi đối với từng vụ tấn công, việc này kéo theo các giải pháp bảo mật chuyên nghiệp cần thiết. Do đó, đây là thời điểm mà đại diện công ty bảo mật có trụ sở ở Nhật cho rằng các công ty cung cấp giải pháp chuyên nghiệp có cơ hội để mở rộng thị trường tại Việt Nam, thông qua việc cung cấp giải pháp hay hạ tầng cho các công ty, ngân hàng và cơ quan nhà nước…
Ông Dhanya Thakkar đang ở Việt Nam để dự buổi công bố Trend Micro cung cấp nền tảng bảo mật cho một ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam vào ngày 8/6, bao gồm bảo mật server, bảo mật người dùng và phòng vệ trước các cuộc tấn công có chủ đích cho ngân hàng này.
Ngoài ngân hàng nói trên, đại diện Trend Micro cho biết đang cung cấp giải pháp bảo mật cho các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
Theo ICT News