Lâu nay, các vụ thao túng giá trên thị trường chứng khoán hầu hết đều xử lý khá ì ạch. Nhiều vụ phải mất nhiều năm mới được đưa ra ánh sáng. Đơn cử như vụ 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì cho vay margin cổ phiếu FTM từ năm 2019, phải mất 2 năm mới sáng tỏ. Vụ thao túng KSA từ năm 2015 - 2016, nhưng tới 2019 vụ án mới được khởi tố hình sự. Mỗi năm có đến vài trăm vụ vi phạm về công bố thông tin, làm giá cổ phiếu nhưng rất hiếm khi bị điều tra, xử lý hình sự mà chỉ phạt hành chính vài trăm triệu đồng.
Vụ bắt giữ Chủ tịch tập đoàn FLC và đề xuất kỷ luật các lãnh đạo điều hành thị trường cho thấy rõ quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc làm minh bạch thị trường tài chính có giá trị hơn 9 triệu tỷ đồng (số liệu đến 31/12/2021) này. Với pháp luật, không có một vùng cấm nào. Sự kiện vừa qua sẽ mang lại nhiều đóng góp tích cực tới thị trường chứng khoán.
Thứ nhất, sự lành mạnh và minh bạch của thị trường sẽ thúc đẩy dòng tiền quy mô lớn đổ vào thị trường chứng khoán vì đây vẫn là nơi phân bổ tài sản chất lượng và là nơi huy động vốn trung, dài hạn tốt cho nhóm công ty làm ăn đàng hoàng. Ngoài ra, đây cũng là một pha "ghi điểm" đáng giá trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Từ vụ việc này, với hàng loạt cổ phiếu “lau sàn”, nguy cơ bị hủy/đình chỉ giao dịch; tâm lý về đánh bạc, đầu cơ của đội lái sẽ giảm bớt và sự nắn dòng vốn đầu tư sẽ diễn ra rất rõ. Có thể nói, nhóm cổ phiếu hưởng lợi là nhóm cổ phiếu làm ăn tốt, quy mô lớn, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và uy tín từ người lãnh đạo sẽ hút hàng.
Cơ quan quản lý sẽ thận trọng hơn trong việc xem xét niêm yết với các cổ phiếu có vấn đề, từ đó nâng cao chất lượng hàng hóa giao dịch trên sàn.
Song nói đi cũng phải nói lại, để tránh những trường hợp trục lợi tương tự, nhà đầu tư cần phải tỉnh táo hơn, bớt tư duy “theo đóm ăn tàn”. Thực chất, các nhà đầu tư không phải không biết có sự bất thường ở các cổ phiếu nóng, nhưng lòng tham đã dẫn dắt họ vào những cái bẫy.
Từng có không ít vụ thao túng chứng khoán rúng động, gây thiệt hại cho nhà đầu tư như vụ Dược Viễn Đông (DVD) hồi năm 2010 - 2011, vụ KSA năm 2015 - 2016 khiến 1,496 nhà đầu tư mất hơn 8 tỷ đồng và làm 3 công ty chứng khoán bị thiệt hại 761 triệu đồng. Cùng năm 2015 - 2016, vụ CDO khiến 572 nhà đầu tư thiệt hại hơn 11 tỷ đồng.
Kịch bản quen thuộc là đội lái lập nhiều tài khoản chứng khoán, sau đó mua bán chéo, tạo lực cung - cầu ảo, đẩy giá cổ phiếu lên cao. Khi đã “ăn đủ”, đội lái buông tay khiến giá cổ phiếu lao dốc không phanh. Người bị hại chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ. Nhưng vết thương rồi cũng lành, vụ việc nhanh chóng chìm vào dĩ vãng và người ta lại tiếp tục ngửi thấy mùi thơm của những miếng mồi cổ phiếu nóng để rồi nhắm mắt lao vào.
Người viết từng nghe một chuyện vui thế này: một nhà đầu tư kịch liệt chê bai một mã cổ phiếu, nói rằng đây là cổ phiếu bị đội lái thao túng. Nhưng rồi một thời gian sau, chính anh thông báo với môi giới của mình đã đặt lệnh mua vào cổ phiếu ấy.
Không ai dám chắc những vụ thao túng sẽ hoàn toàn bị xóa sổ. Điều quan trọng là nhà đầu tư phải thận trọng để tránh những cổ phiếu nóng, không có giá trị nội tại mới mong thoát khỏi việc trở thành nạn nhân của đội lái hoặc của những lãnh đạo doanh nghiệp thừa lọc lõi nhưng thiếu lương tâm.
Theo FiLi