Sự can thiệp của Mỹ ở Venezuela
Venezuela được coi là khâu then chốt trong chiến lược của Mỹ nhằm thay đổi chế độ chính trị của Cuba và Nicaragoa. Núp dưới chiêu bài “chống lại chế độ độc tài” và “bảo vệ nhân quyền và quyền tự do dân chủ” ở Venezuela, Mỹ đã tổ chức nhiều chiến dịch kế tiếp nhau dưới danh nghĩa “phát triển dân chủ” ở quốc gia này để lật đổ chính thể do Tổng thống Hugo Chaves trước đây và Tổng thống Nicolas Maduro hiện nay lãnh đạo mà nguyên nhân sâu xa không chỉ là tư tưởng cách mạng Bolivar trái ngược với “các giá trị Mỹ” mà còn là cản trở lớn nhất đối với tham vọng của Washington giành quyền kiểm soát tài nguyên dầu mỏ lớn hàng đầu thế giới của Venezuela và thiết lập trật tự thế giới do Mỹ kiểm soát ở Mỹ Latinh.
Từ năm 2000 đến năm 2012, mọi tính toán của Mỹ nhằm lật đổ Tổng thống Venezuela Hugo Chaves bằng con đường “cách mạng nhung” không mang lại kết quả và Mỹ ráo riết chuẩn vị thực hiện “kịch bản Libya” để loại bỏ ông Hugo Chavez, tương tự kịch bản loại bỏ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Trước tinh thần cảnh giác cao của Venezuela, kịch bản này đã thất bại [12].
Năm 2013, vừa đúng 5 tháng sau khi tái đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 10.2012, Tổng thống Hugo Chaves đã qua đời sau một thời gian lâm bệnh nặng. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã chuẩn bị kịch bản “cách mạng nhung” với toan tính đưa thủ lĩnh của các lực lượng đối lập giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống mới. Các lực lượng đối lập ở Venezuela đã phối hợp với các thế lực phản động từ bên ngoài ráo riết tiến hành cuộc “cách mạng nhung” như đã từng diễn ra ở Grudia (2003), Ucraina (2004), Libya (2011) và Syria (từ năm 2011), không để cho Phó Tổng thống Nicolas Maduro lên cầm quyền ở Venezuela. Bất chấp chiến dịch tuyên truyền và chống phá này, ông Nicolas Maduro vẫn đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 16.04.2013 [14].
Không cam chịu thất bại trong những nỗ lực nhằm lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, năm 2015, Mỹ lại tiến hành chiến dịch mang tên Jericho được soạn thảo theo chỉ thị của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ricardo Zunnigi-một chuyên gia tình báo khoác áo ngoại giao đã từng thực hiện chủ trương của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) tổ chức cuộc các bạo loạn chính trị năm 1963 và 1972 để ủng hộ tướng Lopez Arellano-một nhân vật thân Mỹ lên cầm quyền ở Honduras. Ricardo Zunnigi đã từng là Chỉ huy trưởng Phân ban của CIA ở La Habana, thủ đô của Cuba, trong những năm 2009-2011, với nhiệm vụ tuyển mộ điệp viên và cung cấp tài chính cho họ để xây dựng lực lượng đối lập nhằm chống lại Chủ tịch Cuba Fidel Castro.
Tuy được Mỹ và đồng minh chuẩn bị rất công phu, nhưng chiến dịch Jericho đã không thể qua được tinh thần cảnh giác cao độ của các chuyên gia an ninh Venezuela bởi đây không phải là lần đầu tiên họ phải đối mặt với những âm mưu tương tự. Lần theo dấu vết của những kẻ bị tình nghi, Tổng cục An ninh Venezuela đã sớm phát hiện ra chiến dịch Jericho và tiến hành theo dõi, giám sát tất cả những ai từng tham gia âm mưu giết hại Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12.2.2015, tất cả những thành viên chủ chốt thực hiện chiến dịch này và một điệp viên của Cục tình báo Israel Mossad đã bị bắt giữ, còn hệ thống phòng không của Venezuela đã nhận được lệnh báo động cao. Ngày 12.2.2015, đúng vào ngày chiến dịch Jericho lẽ ra phải mở màn, tất cả những kẻ tham gia đảo chính đều bị bắt giữ. Chiến dịch Jericho bị phá sản [15].
Hiện nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định can thiệp trực tiếp vào Venezuela. Nhận được sự ủng hộ của Mỹ, ngày 24.1.2019 Juan Guaido lãnh đạo đối lập và là Chủ tịch Quốc hội Venezuela, tự xưng là “tổng thống lâm thời của Venezuela”. Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tuyên bố công nhận Juan Guaido là “tổng thống hợp pháp của Venezuela” và coi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vừa tuyên thệ nhậm chức là "bất hợp pháp". Ông Donald Trump còn cho biết không loại trừ khả năng Mỹ sẽ can thiệp quân sự vào Venezuela để bảo vệ “tổng thống lâm thời của Venezuela”.
Cần lưu ý, quyết định của Juan Guaido tự xưng tổng thống lâm thời Venezuela là vi hiến. Trong Hiến pháp Venezuela có một điều khoản mà Juan Guaido có thể dựa vào đó để tự tuyên bố là tổng thống lâm thời. Đó là Điều 233 quy định tổng thống đương nhiệm không thể thực hiện được chức trách được giao trong các trường hợp: qua đời; nghỉ hưu; bị Tòa án tối cao tước bỏ quyền lực; trạng thái sức khỏe và tâm lý được Hội đồng Y học Quốc gia xác nhận là không thể tiếp tục nắm giữ quyền lực; tổng thống đương nhiệm từ chức và được Quốc hội công nhận. Căn cứ vào tình tình thực tế ở Venezuela vào thời điểm này, Juan Guaido chỉ có thể dựa vào điều khoản “tổng thống đương nhiệm từ chức” để tự tuyên bố tổng thống lâm thời.
Do đó, để hợp pháp hóa tuyên bố tự xưng tổng thống lâm thời của Juan Guaido, báo chí Mỹ và phương Tây tung tin “do bị người dân phản đối, Nicolas Maduro bỏ chạy sang Nga trên một chuyến bay đặc biệt”. Tình huống này được dàn dựng theo kịch bản đảo chính ở Ukraine trong năm 2014, trong đó Mỹ và các nước phương Tây cũng tung tin “tổng thống Ukraine Yanukovich bỏ chạy sang Nga”. Rõ ràng, Juan Guaido là hiện thân của một cuộc đảo chính do Mỹ và đống minh của họ dàn dựng, hoàn toàn đi ngược lại Hiến pháp Venezuela. Trước khi Juan Guaido đi tới quyết định bất ngờ đó, ông đã có cuộc điện đàm với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và nhận được cam kết ủng hộ từ Washington. Cũng theo The Wall Street Journal, thay đổi chế độ cầm quyền của Venezuela, Triều Tiên và Iran là những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump [16].
Quyết định hành động của Tổng thống Donald Trump ở Venezuela chỉ là sự tiếp nối chuỗi dài các hành động can thiệp của Washington vào chính trị nội bộ của quốc gia này. Tiếp theo quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều nước là đồng minh và đối tác của Mỹ như Argentina, Brazil, Costa Rica, Ecuador, Guatemala, Chile, Colombia, Paraguay, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Đức, Thụy Điển, Phần Lan, Hà Lan, Áo, Bồ Đào Nha và Đan Mạch công nhận ông Juan Guaido là “tổng thống hợp pháp duy nhất của Venezuela”.
Trong khi đó, nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba, Bolivia… chỉ công nhận ông Nicolas Maduro là tổng thống hợp hiến duy nhất của Venezuela. Và người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định Liên Hợp Quốc công nhận tính chính danh của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và coi đây là nguyên thủ duy nhất của quốc gia này. Tình hình này đẩy cuộc cạnh tranh địa chính trị ở Venezuela giữa một bên là Mỹ với bên kia là Trung Quốc và Nga leo thang lên đỉnh cao mới và có nhiều nét tương đồng với sự cạnh tranh giữa Mỹ và Nga ở Ukraine và Syria.
Đáp trả tuyên bố của chính quyền Mỹ thừa nhận tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaido, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ. Bộ trưởng Bộ quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino tuyên bố:“Các binh sĩ quốc gia không chấp nhận một tổng thống tự xưng bị áp đặt bởi những lợi ích mơ hồ. Các lực lượng vũ trang Venezuela sẽ bảo vệ hiến pháp và chủ quyền quốc gia".
Ngày 29.1.2019, Tòa án tối cao Venezuela ra lệnh cấm Juan Guaido rời khỏi đất nước hoặc chuyển tài sản ra nước ngoài, đồng thời đóng băng các tài khoản ngân hàng của ông ta. Tòa án tối cao Venezuela còn mở cuộc điều tra về tội phạm của Juan Guaido trong các vụ bạo loạn ngày 22.1.2019. Động thái này được đưa ra sau khi Washington tuyên bố trao quyền kiểm soát tài sản của Venezuela tại Mỹ cho Juan Guaido với lý do “vì lợi ích của người dân Venezuela”.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Washington đã cấp phép cho “chính quyền lâm thời” của thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido kiểm soát một số tài sản nhất định của Venezuela mà Cục dự trữ liên bang Mỹ nắm giữ hoặc các ngân hàng được Mỹ bảo hiểm. Giấy phép sẽ áp dụng đối với một số tài sản nằm trong các tài khoản thuộc về Chính phủ Venezuela hay Ngân hàng trung ương nước này. Còn Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Washington sẵn sàng can thiệp quân sự vào Venezuela. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng cho biết không loại trừ khả năng Washington sẽ đưa quân đến Colombia hoặc một nơi khác trong khu vực trước tình hình bất ổn hiện nay ở Venezuela. Trước đó, Mỹ đã triển khai 5.000 quân ở Colombia - quốc gia láng giềng của Venezuela.
Để gia tăng sự ủng hộ trực tiếp cho “tổng thống tự xưng” Juan Guaido, Mỹ ráo riết xúc tiến sự can thiệp vào Venezuela núp dưới khẩu hiệu “can thiệp nhân đạo” theo học thuyết “trách nhiệm bảo vệ”. Theo kịch bản này, Mỹ núp dưới chiêu bài “chuyển hàng viện trợ nhân đạo cho người dân Venezuela” để đưa lực lượng và vũ khí vào quốc gia này nhằm mục đích gây ra cuộc nội chiến. Từ đó, tổng thống lâm thời Juan Guaido sẽ kêu gọi Mỹ can thiệp quân sự trực tiếp nhằm tiêu diệt Tổng thống Nicolas Maduro, theo kịch bản Libya hoặc Syria. Tuy nhiên, trước tinh thần cảnh giác của chính phủ Venezuela, có được sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc, Cuba và một số nước khác, chiến dịch “can thiệp nhân đạo” này bước đầu đã bị phá sản [16,17].
Sau khi chiến dịch “can thiệp nhân đạo” thất bại, Mỹ chuyển sang thực kiện “Kịch bản B”, theo đó Washington Mỹ chuyển sang thực hiện chiến dịch điên cuồng phá hoại tiềm lực kinh tế nhằm gây bất ổn chính trị ở Venezuela [18]. Hành động đầu tiên là Mỹ sử dụng các hacker tấn công phá hoại hệ thống điều khiển điện của Venezuela, gây tình trạng mất điện trên khắp cả nước. Ngay lập tức, “tổng thống tự xưng” cáo buộc chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro “không có khả năng quản lý đất nước và cần phải được loại bỏ”. Dự báo, sắp tới đây Mỹ sẽ sử dụng các lực lượng đối lập tiến hành nhiều hoạt động phá hoại kinh tế khác. Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro và Cuba ra tuyên bố cáo buộc Mỹ đang tiến hành các hoạt động khủng bố ở Venezuela [19].
Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố với Tổng thống Nicolas Maduro rằng Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ Venezuela khắc phục hậu quả và khôi phục lại hoạt động bình thường của hệ thống điện của quốc gia này sau vụ bị các hacker Mỹ tấn công [20]. Tổng thống Nga Putin quyết định viện trợ khẩn cấp lương thực và thực phẩm thiết yếu và sẵn sàng giúp khôi phục lại toàn bộ hệ thống cung cấp năng lượng cho Venezuela [21,22].
Nhận định về khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela, tương tự như ở Syria, giới phân tích quân sự cho rằng nếu Washington liều lĩnh thực hiện kịch bản này thì Hoa Kỳ sẽ gặp phải “một Việt Nam thứ hai ở Mỹ Latinh”. Vì thế, Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể mạo hiểm đưa sự nghiệp chính trị của mình vào đánh cược ở Venezuela. Do đó, có nhiều khả năng, Mỹ sẽ sử dụng các lực lượng đồng minh của họ ở Mỹ Latinh để thực hiện cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Venezuela. Ngay cả theo kịch bản này, Mỹ cũng đứng trước khả năng thất bại [23]./.
Tài liệu tham khảo
[12] Атомные подлодки США у берегов Венесуэлы и формула Бенгази. http://www.fondsk.ru/news/2011/11/14/atomnye-podlodki-ssha-u-beregov-venesuely-i-formula-bengazi.html
[14] Obama failed his coup in Venezuela. https://www.voltairenet.org/article186879.html
[15] Operation Jericho Airforce Officials Sentenced to 4-8 Years. https://venezuelanalysis.com/news/11380
[16] Wall Street Journal план по свержению Мадуро разработан администрацией США. https://rossaprimavera.ru/news/4abc8766
[17] US Intervention in Venezuela Portrayed as a “Humanitarian Mission”. “Responsibility to Protect” (R2P). https://www.globalresearch.ca/us-intervention-in-venezuela-a-humanitarian-mission-responsibility-to-protect-r2p/5667382
[18] В Венесуэле после провала плана А, США перешли к плану Б. http://maxpark.com/community/13/content/6680653
[19] Куба обвинила США в терроризме в Венесуэле. https://www.pravda.ru/world/1409516-pompeo/
[20] Китай бросил вызов США по Венесуэле. https://www.pravda.ru/world/1409689-china/
[21] Мадуро заявил, что Венесуэла с радостью примет помощь России. https://tvzvezda.ru/news/vstrane_i_mire/content/201901300703-6ujp.htm
[22] Россия поможет Венесуэле восстановить энергоснабжение. https://balayazh.com/rossiia-pomojet-venesyele-vosstanovit-energosnabjenie/
[23] Эксперт предрек США новый Вьетнам в случае вторжения в Венесуэлу. https://politpuzzle.ru/132161-ekspert-predrek-ssha-novyj-vetnam-v-sluchae-vtorzheniya-v-venesuelu/?utm_source=onesignal&utm_medium=push&utm_campaign=mainВчера 20:40...
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu