Từ bỏ cạnh tranh bất đối xứng quân sự, ông Kim Jong Un chuyển hướng chiến lược phát triển đất nước

VietTimes -- Từ ngày 7 đến 9.1 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un  đã tiến hành chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 4 trong 2 năm qua và là chuyến thăm đầu tiên trong năm 2019. Trong khi ông Tập Cận Bình chưa có chuyến thăm đáp lễ nào tới Triều Tiên, việc ông Kim Jong Un  thăm Trung Quốc liên tiếp 4 lần chỉ trong thời gian ngắn được coi là hiện tượng nổi bật; nhất là trong bối cảnh mấy năm gần đây sự trao đổi các đoàn cấp cao giữa hai nước Trung – Triều rất ít, Triều Tiên lợi dụng việc phát triển vũ khí hạt nhân để tiến hành cạnh tranh quân sự bất đối xứng, một dạo giới quan sát quốc tế từng cho rằng Trung – Triều đã “đường ai nấy đi”. Có ý kiến cho rằng, chuyến đi Bắc Kinh lần này của nhà lãnh đạo Triều Tiên có liên quan đến việc ông sắp có cuộc gặp gỡ lần thứ 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump nên cần đến sự giúp đỡ của Trung Quốc, nhưng đó không phải là tất cả.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un  đã chuyển đường lối chiến lược từ ưu tiên quân đội sang phát triển kinh tế.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chuyển đường lối chiến lược từ ưu tiên quân đội sang phát triển kinh tế.

Trang tin Đa Chiều dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết, ngoài các cuộc gặp gỡ và tiệc tùng, ngày 9.1, ông Kim Jong Un đã tới tham quan Khu phát triển Kinh tế - công nghệ Bắc Kinh. Hành trình này không khiến người ta bất ngờ vì lần đầu tới Bắc Kinh năm ngoái ông đã tới thăm Trung Quan Thôn – “Silicon Valley của Trung Quốc”; sau đó ông còn đi thăm Khu sáng tạo khoa học kỹ thuật nông nghiệp và Cảng thương mại Đông Đại Liên. Việc giao lưu khoa học kỹ thuật đã nghiễm nhiên trở thành hoạt động tất yếu trong các chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong Un.

Đa Chiều cho rằng, những ai hiểu được mục tiêu phát triển đất nước hiện nay của ông Kim Jong Un tất sẽ rõ vì sao hai nước Trung – Triều hiện nay không thể “đường ai nấy đi”. Ông Kim Jong Un chỉ trong thời gian ngắn 4 lần tới Trung Quốc rõ ràng có liên quan đến sự biến đổi lớn về đường lối của Triều Tiên, triệt để thay đổi chiến lược phát triển quốc gia, tập trung tất cả lực lượng để phát triển kinh tế.

Bài phát biểu chúc năm mới 2019 của ông Kim Jong Un truyền đi nhiều thông tin mới quan trọng khiến quốc tế chú ý.
Bài phát biểu chúc năm mới 2019 của ông Kim Jong Un truyền đi nhiều thông tin mới quan trọng khiến quốc tế chú ý.

Trong lời phát biểu chúc năm mới 2019 gửi cán bộ và nhân dân cả nước qua truyền hình, ông Kim Jong Un đã giành thời lượng dài chưa từng thấy kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo để nói về chiến lược phát triển kinh tế của Triều Tiên. Ông đã tổng kết tỉ mỉ thành tựu kinh tế của Triều Tiên trong năm 2018 trên các lĩnh vực cụ thể: nhiệt điện, luyện thép, hóa chất, khai thác than, chế tạo xe hơi và phát triển khoa học kỹ thuật; đồng thời đề ra yêu cầu đối với các thành viên chính phủ và cơ quan lãnh đạo kinh tế trong năm mới; chỉ thị cụ thể về mặt đời sống.

Trong khi đó, về mặt quân sự, ông Kim Jong Un  chỉ nói ngắn gọn mấy chữ “củng cố sức mạnh quốc phòng” và tái cam kết không sản xuất thêm vũ khí hạt nhân, không thử nghiệm hạt nhân nữa, không sử dụng và không phát tán vũ khí hạt nhân. Điều này khác hẳn với ngữ khí dùng nút bấm hạt nhân đe dọa Mỹ trong lời chúc đầu năm 2018. Từ bỏ chính sách nhấn mạnh ưu tiên “cường quân” kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước; năm 2019 này ông Kim Jong Un nhấn mạnh yêu cầu ngành công nghiệp  quốc phòng hưởng ứng khẩu hiệu tham gia xây dựng kinh tế, sản xuất các loại máy nông nghiệp, cơ khí xây dựng, hợp tác sản xuất các mặt hàng tiêu dùng cho nhân dân.

Vợ chồng ông Kim Jong Un tham quan Trung Quan Thôn - Thung lũng Silicon của Trung Quốc
Vợ chồng ông Kim Jong Un  tham quan Trung Quan Thôn - Thung lũng Silicon của Trung Quốc 

Mặt khác, một loạt các hoạt động trong năm 2018 của ông Kim Jong Un  ở trong nước cũng thể hiện thái độ “nhẹ quân sự, trọng kinh tế” khác hẳn so với trước đây. Ngày 17.12.2018, kỷ niệm 7 năm ngày mất của cố lãnh đạo tối cao Kim Jung Il (cha của ông Kim Jong Un); nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong Un  đã tới tham bái Cung Mặt Trời ở Cẩm Tú Sơn, chỉ mang theo Chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao (Quốc hội) Kim Young Nam, Thủ tướng Chính vụ viện Pak Pong Ju mà không dẫn theo bất cứ nhà lãnh đạo quân đội nào. Giới quan sát quốc tế phỏng đoán ông thể hiện sự bất bình đối với quân đội, nguyên nhân là nhóm lợi ích quân đội ở mức nào đó đã trở thành trở ngại cho cải cách kinh tế của Triều Tiên.

Chưa hết, trong hoạt động đi thăm, khảo sát của ông Kim Jong Un năm 2018 cũng đều chú trọng vào các khu phát triển kinh tế. Theo thống kê, năm ngoái ông Kim có 41 đợt hoạt động kinh tế, chiếm 41% hoạt động công khai chiếm tỷ lệ rất cao.cTrong đó, chỉ tháng 7 ông có tới 16 cuộc thị sát kinh tế. Cả năm 2017 trước đó, Kim Jong Un  chỉ công khai hoạt động 26 lần, mà phần lớn là thị sát các đơn vị quân đội và các hoạt động quân sự.

Rất nhiều biểu hiện cho thấy, năm 2018 ông Kim Jong Un  đã quyết định thay đổi đường lối phát triển quốc gia, từ bỏ “Ưu tiên quân đội” không phải chỉ là nói suông. Để thực hiện mục tiêu xây dựng kinh tế, nâng cao dân sinh và phát triển khoa học kỹ thuật, ông Kim Jong Un  phải trải đường, tăng cường quan hệ kinh tế với các nước láng giềng.

Trong lời chúc năm mới 2019, ông Kim Jong Un khi đề cập đến quan hệ hai miền, có ý sẽ mở lại khu công nghiệp  Kaesung và Khu du lịch núi Kimgang, điều này nhất trí với nội dung bản “Tuyên bố Bình Nhưỡng”mà ông đã ký với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Đồng thời, trong 3 lần hội đàm với ông Moon Jae In, Kim Jong Un cũng đều bày tỏ ý muốn chờ đợi sự hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng và hợp tác kinh tế với Hàn Quốc.

Ông Kim Jong Un tham quan Khu sáng tạo khoa học kỹ thuật nông nghiệp Trung Quốc
Ông Kim Jong Un  tham quan Khu sáng tạo khoa học kỹ thuật nông nghiệp Trung Quốc 

Trong mấy lần tới thăm Trung Quốc, nhân tố lớn nhất khiến ông Kim Jong Un coi trọng quan hệ Trung – Triều cũng là vì, một khi sự trừng phạt của quốc tế với Triều Tiên được buông lỏng, Trung Quốc sẽ là quốc gia láng giềng có ảnh hưởng nhất và giúp Triều Tiên phát triển kinh tế. Tại biên giới hai nước hiện đã có nhiều khu hợp tác kinh tế, khu công nghiệp  quản lý chúng...lại thêm Trung Quốc  có sức nặng và tiềm lực ở khu vực Đông Bắc Á; đó là những ưu thế mà các nước khác không thể thay thế được.

Tuy trong lời chúc đầu năm, ông Kim Jong Un  bày tỏ tin tưởng Triều Tiên không cần bất cứ sự viện trợ nào, nhưng nếu mục tiêu của ông là thực hiện Triều Tiên cất cánh kinh tế, nâng cao mức sống và phát triển xã hội với mức độ lớn, thì Triều Tiên cần phải nỗ lực thoát ra khỏi sự trừng phạt kinh tế và hợp tác sâu rộng với Trung Quốc.

Ngoài ra, ông Kim Jong Un  tuyên bố “tiếp tục tiến lên theo con đường Chủ nghĩa xã hội kiểu Triều Tiên”, xem ra có vẻ giống với cách nói “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”, thể hiện việc đã học hỏi “con đường trị quốc” từ ông Tập Cận Bình. Trong quá trình cải cách kinh tế, học tập mô thức Trung Quốc và cải cách mở cửa sẽ là một vấn đề lớn đối với ông Kim Jong Un.

Ông Kim Jong Un tuyên bố “tiếp tục tiến lên theo con đường Chủ nghĩa xã hội kiểu Triều Tiên”, có vẻ giống với “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”
Ông Kim Jong Un  tuyên bố “tiếp tục tiến lên theo con đường Chủ nghĩa xã hội kiểu Triều Tiên”, có vẻ giống với “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” 

Đa Chiều phân tích, vào thời kỳ nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, đường lối của Triều Tiên là đứng trong phe Xã hội chủ nghĩa; thời kỳ ông Kim Jung Il, Triều Tiên đi theo đường lối ngoại giao cố chấp, định dùng “Songun” (Army-first Policy - ưu tiên quân đội) để thoát khỏi ỷ lại vào Trung Quốc và Liên Xô, đối phó với áp lực quân sự của Mỹ. Con đường hạt nhân của Triều Tiên không thành công do hoàn cảnh quốc tế đã thay đổi. Khi Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân, cộng đồng quốc tế còn chưa đạt được hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân. Nay thì dù Triều Tiên có vũ khí hạt nhân cũng không thể thay đổi được trật tự quốc tế, không thể thay đổi được lập trường của các nước lớn về vấn đề hạt nhân, chỉ có thể từ bỏ hạt nhân.

Tác dụng duy nhất của việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân là chứng minh họ có khả năng tự bảo vệ, có thể sống yên ổn mà thôi. Việc ông Kim Jong Un điều chỉnh đường lối ưu tiên quân sự thành “nhẹ quân sự, trọng kinh tế” là một hành động sáng suốt. Triều Tiên là một nước nhỏ không thể tiếp tục đi con đường phát triển quân sự; một mặt do quốc lực không cho phép, ngoài ra việc phát triển quân sự không có hiệu quả rõ đối với việc nâng cao thực lực quốc gia. Thực lực quân sự của Triều Tiên dù cố đến đâu thì trong thời gian ngắn cũng không thể đuổi kịp Mỹ, Nga, Trung Quốc. Có khả năng tự bảo vệ là đã đủ, còn về phát triển vũ khí tiến công thì Triều Tiên không có thực lực, trong thời gian ngắn cũng không cần thiết phải phát triển.

Đa Chiều kết luận, chiến lược phát triển Triều Tiên trong tương lai của ông Kim Jong Un đã rất rõ ràng. Đó là từ bỏ toàn diện cạnh tranh quân sự bất đối xứng, phát triển kinh tế dân sinh. Việc ông nhiều lần thăm Trung Quốc cho thấy việc đi sâu phát triển quan hệ Trung – Triều là một bộ phận không thể thiếu để đạt được mục tiêu đó.