TTCK Việt Nam trải qua một tuần giao dịch ảm đạm với giới đầu tư khi sắc đỏ chiếm tông màu chủ đạo. Qua 5 phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đã để mất tới 57,54 điểm, lùi về mức 900,82 điểm; chỉ số VN30-Index cũng giảm 50,63 điểm, rơi về ngưỡng 881,06 điểm.
Về diễn biến các nhóm ngành tuần qua, theo thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhóm cổ phiếu dầu khí đã giảm 8,33% (chủ yếu do ảnh hưởng bởi các mã cổ phiếu như PVD, PVB, PVS và GAS giảm lần lượt 19,25%, 14,08%, 9,62% và 9,11%.).
Các cổ phiếu ngân hàng cũng giảm điểm trên diện rộng khiến chỉ số của ngành này giảm 7,88%. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất là BID, TCB và CTG với mức giảm lần lượt 11,56%, 10,86% và 8,91%.
Nhóm cổ phiếu tài chính như chứng khoán và bất động sản cũng giảm lần lượt 9,66% và 2,04% do việc giảm điểm mạnh của VND (13,85%), HCM (13,61%), MBS (10,65%) và VHM (13,1%), DXG (12,54%), HDG (11,76%).
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu đồ uống là điểm sáng hiếm hoi khi tăng 0,52% nhờ việc cổ phiếu SAB tăng 0,55%.
Về giao dịch của khối ngoại, trong tuần, nhà đầu tư nước ngoài có tuần bán ròng trên Sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX) với giá trị hơn 413 tỷ đồng.
Nhà đầu tư “bận” định hình lại sự kỳ vọng, bỏ qua KQKD khả quan
Tuần giao dịch kém sắc của TTCK trong nước chịu nhiều tác động bởi biến động từ các thị trường tài chính lớn trên thế giới. Dấu hiệu của đợt sụt giảm bắt đầu từ ngày 10/10, khi chỉ số Dow Jones đã có phiên giảm điểm mạnh, điều này khiến cho kỳ vọng của nhà đầu tư tại Mỹ dần được định hình lại theo xu hướng mới.
Đối với TTCK Việt Nam, ảnh hưởng tâm lý do các yếu tố thị trường chứng khoán thế giới cộng hưởng với việc khối ngoại duy trì bán ròng liên tiếp trong 03 tuần gần đây, đặc biệt ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu thuộc nhóm “blue chips” đã ảnh hưởng lớn tới chỉ số.
Đà giảm điểm của thị trường cũng “xóa nhòa” các tác động tích cực từ báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) 9 tháng đầu năm 2018 được đánh giá là khả quan của nhiều doanh nghiệp.
Cụ thể, theo thống kê của BVSC, tính đến hết ngày 24/10/2018, đã có 449 doanh nghiệp niêm yết trên HSX, HNX và Upcom công bố KQKD 9 tháng đầu năm, trong đó có 388 doanh nghiệp báo lãi, chiếm 86%.
Lợi nhuận sau thuế của 449 doanh nghiệp này đạt 70.315 tỷ đồng, tăng 31,1% so với mức 56.615 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, những doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng đột biến nhất là AMV (8.509%), SRA (4.476%), SMA (4.220%),… Và đã có 69 doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch năm, nổi bật gồm GAS (138,1%), VHC (167,1%), DPM (148,4%), PHR (121,9%)…
Nếu xét theo ngành, các ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn như dầu khí, bất động sản hay ngân hàng đều có mức tăng trưởng lợi nhuận cao, lần lượt là 70,1%, 50,5% và 48%.
Tuy nhiên những thông tin KQKD tích cực không có nhiều tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Một phần do thông tin này công bố vào đúng giai đoạn thị trường điều chỉnh, mặt khác những thông tin này phần nào được dự báo và phản ánh dần vào giá trong giai đoạn vừa qua.
Ví dụ điển hình ở nhóm các cổ phiếu ngân hàng, mặc dù có thông tin KQKD tốt cũng không thể giúp giá cổ phiếu ngược dòng thị trường, nhưng các ngân hàng có KQKD không đạt kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ giảm mạnh.
Do đó, diễn biến của TTCK trong nước vẫn đang bị chi phối bởi các yếu tố tâm lý tác động từ bên ngoài, bỏ qua các chỉ số vĩ mô tích cực của nội tại nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Được biết, từ nay cho đến ngày 6/11 – ngày bầu cử giữa kỳ của Mỹ - sau thông tin về KQKD quý 3/2018, nhiều khả năng sẽ không có đột biến về chính sách nên các chỉ số chứng khoán của Mỹ sau những phiên biến động mạnh này được dự báo sẽ biến động chậm lại trong biên độ nhỏ hơn.
Điều này sẽ góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư tại TTCK Việt Nam trong những phiên giao dịch sắp tới./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu