Tiêm chủng COVID-19 trong tâm dịch TP.HCM. Ảnh: Hoà Bình ghép |
Một mũi Moderna có hiệu lực như 2 mũi AstraZeneca
*Trong khi đợt vaccine Moderna tiếp theo vẫn chưa về thì khá nhiều người đã tiêm mũi đầu tiên ở TP.HCM và các địa phương đều đang rất lo lắng vấn đề không kịp có vaccine này cho liều thứ hai?
TS Bùi Lê Minh: - Thực ra đây không phải vấn đề nghiêm trọng. Hiệu lực vaccine là bằng chứng quan trọng hơn kháng thể. Hiệu lực vaccine vẫn còn sau 16 tuần. Một người thậm chí không còn thấy kháng thể vẫn được bảo vệ khi nhiễm virus nếu đã tiêm một mũi vaccine.
*Anh có thể giải thích kỹ hơn được không?
TS Bùi Lê Minh: - Riêng đối với Moderna, ngay cả khi mới tiêm một liều và sau tối thiểu 14 ngày thì hiệu lực vaccine cũng đạt 72% với chủng Delta và khả năng giảm nguy cơ nhập viện, tử vong lên tới 96%. Với hiệu quả này những người tiêm 1 mũi Moderna được bảo vệ cũng không khác gì nếu được tiêm 2 mũi AstraZeneca và gặp chủng Delta (hiệu lực 67% và giảm nguy cơ nhập viện, tử vong 92%).
Một nghiên cứu ở Canada trên khoảng 58.000 người cho thấy hiệu quả của Pfizer và Moderna không giảm sút sau 16 tuần chỉ với 1 liều tiêm duy nhất. Tuy nhiên khả năng cao nhóm đối tượng cao tuổi và người bị suy giảm miễn dịch sẽ không đạt mức bảo vệ cao này và cần phải cân nhắc kỹ hơn.
*Như vậy, hoàn toàn có thể kéo dài thời gian tiêm giữa hai mũi vaccine Moderna?
TS Bùi Lê Minh: - Hoàn toàn có thể kéo dài thời gian có thể tiêm mũi thứ hai Moderna lên 12-15 tuần. Với hiệu lực cao của 1 mũi Moderna đã nhắc tới ở trên thì việc chờ để tiêm mũi thứ hai có rủi ro thấp. Việc kéo dài thời gian giữa 2 mũi Moderna lên 12-15 tuần theo tính toán có thể tối ưu hóa hiệu quả chung của chương trình tiêm chủng. Tính toán này nhấn mạnh chiến lược “phủ nhanh” với 1 mũi vaccine hiệu quả cao sẽ có giá trị hơn với chương trình tiêm chủng so với việc hoàn thành sớm 2 mũi chỉ với một phần dân số (tuy nhiên công bố này cũng cho thấy nếu kéo dài thời gian giữa 2 mũi Pfizer không có giúp giảm số ca nhiễm bằng Moderna).
TS Bùi Lê Minh – Trưởng Ngành Công nghệ Sinh học ( Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành). Ảnh: NVCC |
Giải pháp thay thế với các nhóm đối tượng
*Như Bộ Y tế đã hướng dẫn, cũng có thể tiêm bằng vaccine khác thay thế, mũi thứ nhất Moderna, mũi thứ 2 là Pfizer?
TS Bùi Lê Minh: - Giải pháp này nên thực hiện sau khi cân nhắc kéo dài thời gian chờ mũi thứ hai Moderna để ưu tiên Pfizer cho những người chưa tiêm mũi 1. Sau đó những người tiêm mũi 1 Moderna ở khoảng 12-15 tuần có thể tiếp tục tiêm Moderna hoặc Pfizer.
Tuy nhiên các trường hợp có nguy cơ đáp ứng miễn dịch yếu sau tiêm vaccine như nhóm người cao tuổi và bệnh nhân suy giảm miễn dịch thì có thể thay mũi 2 bằng Pfizer sớm khi có thể. Mặc dù chưa có thử nghiệm khoa học chính thức về việc thay thế 2 loại vaccine này cho nhau nhưng về bản chất mRNA rất giống nhau thì về lý thuyết hoàn toàn có thể thay thế 2 loại này với nhau.
Quan trọng nhất là trong thực tế, chúng ta không phải nơi đầu tiên thử nghiệm cách này. Canada (đi đầu là Ontario) đã cho phép việc thay thế Pfizer và Moderna cho nhau, bất kể là mũi 1 hay mũi 2 từ hồi tháng 6/2021 và không có vấn đề gì xảy ra cho tới nay.
Trong thời gian tới, nếu có thử nghiệm lâm sàng xác nhận khả năng sử dụng lẫn mũi thứ hai bằng một loại vaccine khác (AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm) thì người đã tiêm mũi 1 Moderna hoàn toàn có thể tiêm bất cứ loại vaccine nào đang tiếp cận được.
Việc trộn 2 loại vaccine hoàn toàn có thể đem tới các lợi thế khác như tăng cường thêm một số phản ứng bảo vệ, nhất là việc kết hợp với vaccine bất hoạt rất có thể sẽ giúp cơ thể được bảo vệ lâu dài hơn với các biến thể mới do cơ thể được “làm quen” với nhiều kháng nguyên của virus thay vì chỉ có protein gai. Như động thái mới của Thái Lan mới đây cho phép sử dụng lẫn AstraZeneca và Sinovac đã cho thấy hiệu quả tương đương 2 liều AstraZeneca và vẫn đảm bảo an toàn.
Tiêm vaccine COVID-19 giữa tâm dịch cần đảm bảo phòng dịch chặt chẽ - Ảnh: HCDC |
Tiêm vaccine cần đảm bảo an toàn phòng dịch
*Ngay cả với vaccine AstraZeneca, được biết nhiều nhân viên y tế cũng đã tiêm mũi 2 sau mũi 1 khoảng 12 tuần?
TS Bùi Lê Minh: - Các nghiên cứu kéo dài thời gian giữa 2 liều AstraZeneca (lên tới 45 tuần) hay Pfizer (lên tới 12 tuần) đều cho kết quả khả quan với khả năng sinh kháng thể trung hòa hoặc phản ứng miễn dịch tế bào T mạnh hơn với protein gai của SARS-CoV-2. Đặc biệt với người cao tuổi, một nghiên cứu khác đánh giá đáp ứng miễn dịch dịch thể và tế bào của người cao tuổi (trên 80) khi kéo dài thời gian giữa 2 mũi Pfizer lên tới 12 tuần. Kết quả cho thấy việc kéo dài thời gian trễ giữa hai mũi giúp tăng kháng thể trung hòa lên tới 3,5 lần. Tuy nhiên việc này dẫn tới đáp ứng tế bào T giảm đi 3,6 lần, nhưng không ảnh hưởng tới tốc độ giảm kháng thể trung hòa nên đánh giá chung vẫn kéo dài khoảng thời gian được bảo vệ ở những người này.
*Như vậy, có thể hiểu rằng, người dân nên yên tâm chờ đợi để có được vaccine sớm nhất và trong thời gian đó tuân thủ 5K. Với vùng dịch bùng phát mạnh như TP.HCM, Bình Dương và nhiều tỉnh phía Nam, vaccine vẫn là giải pháp căn bản đúng không thưa TS?
TS Bùi Lê Minh: - Theo quan điểm cá nhân của tôi thì nó là một giải pháp cần thiết nhưng không phải giải pháp căn bản, thậm chí có thể có tác dụng ngược nếu không tổ chức tốt.
Vaccine cần có thời gian để tạo đáp ứng miễn dịch và hình thành trí nhớ miễn dịch nên không thể dùng nó như thuốc điều trị được. Thời điểm tốt nhất để tiêm vaccine là trước khi bùng dịch chứ không phải lúc đang bùng dịch. Vào thời điểm đang bùng dịch thì vai trò của vaccine là tạo tiền đề cho giai đoạn kiểm soát dịch trong 1, 2 tháng sau và mở cửa trở lại. Khi lây nhiễm mạnh trong cộng đồng thì giãn cách, khoanh vùng, điều trị có giá trị hơn vì đây là các biện pháp xử lý vấn đề cấp tính.
Có khá nhiều người dân hiểu vaccine như thuốc, những nơi bị phong tỏa họ yêu cầu được ưu tiên tiêm vaccine, nhưng đúng ra người cần nhất là khu vực bao quanh các vùng đỏ. Khi vaccine đang thiếu thì chiến lược tiêm chủng rất quan trọng.
Việc tổ chức tiêm chủng nếu thực hiện giãn cách không tốt trong giai đoạn bùng dịch rất dễ gây nhiễm chéo cho người dân khi họ chưa được bảo vệ. Những người đi tiêm chủng thì chắc chắn họ mới được tiêm 1 mũi hoặc chưa có mũi nào nên họ vẫn có nguy cơ cao khi đến chỗ đông người. Thực tế trong thời gian vừa qua, như nhiều trường hợp đã phản ánh, có những khu vực người dân trở thành F0 ngay sau khi đi tiêm chủng. Đây là việc cần làm nhưng cũng phải hết sức cẩn trọng.