Đi cấp cứu phải có xác nhận âm tính với COVID-19?
Ngày hôm qua, trên trang facebook cá nhân của ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM) có đăng tải nội dung phản ánh đến lãnh đạo TP.HCM về trường hợp bà Ngô Trân Châu (54 tuổi) là em ruột của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã mất tại nhà riêng vào chiều ngày 27-7, trước sự chứng kiến của ông Hải.
Theo thông tin cung cấp từ ông Đoàn Ngọc Hải thì bà Châu bị "sốt và khó thở" và đã mất tại nhà, mặc dù gia đình "kêu gào trong điện thoại, từ lúc sáng" nhưng các cơ quan của phường, quận không cử ai xuống xét nghiệm và đưa bà Châu đi bệnh viện.
Về phía gia đình bà Châu cho hay, bà bị mệt từ sáng 27-7, gia đình đã gọi đến trung tâm cấp cứu, nhiều bệnh viện, y tế phường và trung tâm y tế quận 3 nhưng nơi thì không bắt máy, có một số nơi hứa đến nhưng không đến. Người nhà cho biết, đến trưa ngày 27-7, người nhà đã gọi điện nhờ ông Đoàn Ngọc Hải đến chở bà Châu tới bệnh viện (vì lý do ông Hải có xe chở bệnh nhân cấp cứu làm từ thiện), nhưng theo gia đình, vì người bệnh không có xét nghiệm âm tính COVID-19 nên không thể đưa bệnh nhân đi bệnh viện cấp cứu được.
Phản hồi thông tin thu hút công chúng trên facebook cá nhân ông Đoàn Ngọc Hải, ông Phạm Thành Kiên, Bí thư Quận ủy quận 3 cho hay, bà Châu mất do viêm phổi cấp, có kết quả test nhanh âm tính với COVID-19. Vì vậy địa phương để cho gia đình lo hậu sự, quàn tại tư gia.
Về việc ông Hải cho rằng địa phương nhận được cuộc gọi kêu cứu từ gia đình mà không đến đưa bệnh nhân đi bệnh viện cấp cứu thì ông Kiên cho hay, qua kiểm tra thì gia đình có cuộc gọi đến phường Võ Thị Sáu, quận 3 vào lúc 15h36 và lực lượng y tế phường có mặt tại nhà người quá cố lúc 15h45.
Tuy nhiên, thông tin về việc vì không có xét nghiệm âm tính nên không thể đưa bệnh nhân đi cấp cứu, liệu có quá mâu thuẫn và vi phạm vào y đức? Cứu người là trên hết, cho dù bệnh nhân âm tính hay dương tính với COVID-19, quyền lợi của bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu là phải được nhập viện và điều trị.
Xe cấp cứu của ông Đoàn Ngọc Hải đến số nhà 22 Trương Định - Ảnh: FBNV |
Liên lạc để hỏi về việc này, phóng viên VietTimes đã gọi điện tới ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế nhưng không ai trả lời. Thực tế, các văn bản quy định của UBND TP.HCM ban hành trong thời gian giãn cách toàn thành phố để thực hiện Chỉ thị 16, các trường hợp cấp cứu vẫn được đến bệnh viện, và không có quy định phải bắt buộc kèm theo giấy xác nhận âm tính với COVID-19.
Có thể thấy rõ, nếu quy định thì điều này là không thể khả thi, vì trong lúc bệnh nhân đã ốm bệnh đến mức phải sử dụng phương án cấp cứu thì không thể rời nhà, tới cơ sở y tế, làm xét nghiệm COVID-19 và có kết quả trong thời gian cho phép (72 giờ) để trình xét nghiệm âm tính này trong trường hợp đi cấp cứu.
Vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm về việc quy định không bắt buộc nhưng thực tế là các xe cấp cứu không dám chở bệnh nhân thiếu giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19, dẫn đến bệnh nhân tử vong tại nhà mà không thể đến được bệnh viện để được cấp cứu, như trường hợp của bà Ngô Trân Châu? Sẽ còn bao nhiêu bệnh nhân trên địa bàn TP.HCM tiếp tục thiệt mạng trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 hoành hành dữ dội như hiện tại?
Lên tiếng vì mạng sống của bệnh nhân
Sáng hôm nay, trên trang facebook cá nhân của ông Đoàn Ngọc Hải tiếp tục đăng nội dung:
“Kính gửi: anh Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Cá nhân anh dù rất nhiều việc, anh đang cùng với cả hệ thống chính trị căng mình lãnh đạo, chỉ đạo chống đại dịch Covid-19 nhưng đã vẫn chỉ đạo bộ máy cơ sở làm rõ, giúp đỡ gia đình chị Ngô Trân Châu, địa chị 22 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3.
Tôi không thích nói dối và càng không thể nói dối với chị Ngô Trân Châu đã qua đời vào chiều hôm qua. Tôi cũng chưa bao giờ nói chị Châu âm tính hay dương tính với Covid-19 và tôi cũng chưa bao giờ khẳng định chị ấy đã bị nhiễm Covid-19. Chỉ có một điều chắc chắn là buổi sáng sau khi tôi đưa một bà cụ ở quận 8 đi cấp cứu khó thở vì bệnh tim mạch về đến nhà (nhiều bệnh viện từ chối không nhận cụ, tôi đã phải viết bài facebook và cụ được nhận) thì anh Ngô Viết Nam Sơn và chị của chị Châu cầu cứu tôi đều khẳng định sốt và khó thở buổi sáng, kêu rất nhiều cuộc điện thoại cầu cứu nhưng đều trả lời không có que xét nghiệm nhanh, không có xe cứu thương, không có bệnh viện nhận. Nếu buổi sáng đưa đi ngay có thể buổi chiều chị đã không qua đời. Khi tôi đến nhà 22 Trương Định là 15giờ 8 phút cho đến hơn một tiếng sau không có một cán bộ chức năng nào ở đó.
Ông Đoàn Ngọc Hải từng chở nhiều bệnh nhân đi cấp cứu - Ảnh: FBNV |
Lúc đó tình trạng cơ thể chị ấy đã cứng đờ rồi. Tôi phải tuân thủ quy định và phải có hành lang pháp lý để tôi giúp người nghi nhiễm Covid-19 nếu không lây nhiễm ra cộng đồng tôi sẽ là người chịu búa rìu của dư luận và sự lên án của chính quyền (luật và quy định). Vì bản thân tôi là một cán bộ 26 năm công tác ở thành phố này (tôi đã từ chức và xin nghỉ việc năm 2019). Tất cả không hề đơn giản như cấp cứu tai nạn giao thông, tim mạch mà tôi đã làm rất nhiều.
Tôi cũng lưu ý lãnh đạo chính quyền cơ sở: xét nghiệm âm tính lần 1, lần 2, lần 3... chưa chắc đã không nhiễm Covid-19 (rất nhiều số liệu này của ngành y tế đã khẳng định). Cán bộ thực thi công vụ cần nắm chắc điều cơ bản nhưng đặc biệt quan trọng này.
Tôi luôn đấu tranh cho sự công bằng, tôi thích sự công khai, minh bạch, rõ ràng và phải trân trọng mọi tầng lớp nhân dân trên tinh thần xây dựng xã hội”.