Sáng ngày 4/6, UBND Tp.HCM đã tổ chức trao quyết định điều động, bổ nhiệm ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND Quận 1 - làm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH MTV (trực thuộc UBND Tp. HCM).
Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều cùng ngày, ông Hải đã bất ngờ có đơn xin từ chức tại vị trí mới. Nói cách khác, ông Hải đã từ chối về làm doanh nghiệp.
Vậy Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH MTV (viết tắt: SGCC) - nơi vị cựu Phó Chủ tịch UBND Quận 1 vừa có đơn từ chức chỉ sau vài tiếng đồng hồ được bổ nhiệm - là doanh nghiệp như thế nào, quy mô tài sản, năng lực tài chính ra sao?.
Dự án khu công nghiệp Cái Mép do SGCC làm chủ đầu tư (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
|
Kết quả kinh doanh “đi lùi”
Theo tìm hiểu của VietTimes, SGCC là doanh nghiệp nhà nước được thành lập vào tháng 12/1996 theo quyết định của UBND Tp.HCM. Giai đoạn từ tháng 9/2006 - 2/2011, SGCC đã thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động từ Công ty mẹ - Công ty con thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV).
SGCC chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, với các vai trò như: tổng thầu xây dựng, tư vấn xây dựng, kinh doanh bất động sản…
Tính tới cuối năm 2018, SGCC có 3 công ty con là: Công ty TNHH MTV Xây dựng Bình Minh (sở hữu 100% vốn), CTCP Kim Thạch (sở hữu 89,18%) và CTCP Gạch Ngói Sài Gòn (chiếm 67,86%); và 12 công ty liên doanh, liên kết khác hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, khách sạn.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, SGCC ghi nhận kết quả kinh doanh hợp nhất có lãi, đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Cụ thể, trong năm 2016, SGCC ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 1.051 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lên tới 501,1 tỷ đồng (tương ứng với biên lợi nhuận ở mức 47,6%) và đóng góp cho ngân sách 385,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, hoạt động kinh doanh của SGCC có chiều hướng sụt giảm mặc dù thị trường bất động sản hồi phục và giao dịch sôi động trở lại. Lũy kế cả năm 2018, doanh nghiệp này chỉ ghi nhận 823 tỷ đồng doanh thu và 152 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Bước sang năm 2019, SGCC đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh tiếp tục “đi lùi” với mức doanh thu phấn đấu đạt 729 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 127,4 tỷ đồng.
Dư 500 tỷ đồng gửi tiết kiệm, sở hữu nhiều dự án "vàng"
Tính đến ngày 31/12/2018, quy mô tổng tài sản của SGCC đạt 2.894 tỷ đồng, giảm 12,8% so với đầu năm.
Trong đó, khoản mục tiền và tương đương tiền đạt 507,5 tỷ đồng, chiếm 17,5% tổng tài sản, chủ yếu là các khoản tiền gửi có kỳ hạn với giá trị đạt 480,25 tỷ đồng.
Ở chiều hướng ngược lại, các khoản tiền gửi có kỳ hạn được phân loại vào tài sản đầu tư tài chính của SGCC giảm mạnh từ 608,35 tỷ đồng hồi đầu năm xuống mức 10,8 tỷ đồng tính đến cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, các chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn được hạch toán vào khoản mục tài sản dở dang dài hạn của SGCC cũng ghi nhận đà giảm mạnh, từ 1.002 tỷ đồng đầu năm xuống mức 735,9 tỷ đồng, tương ứng với mức giảm 36,15%.
Theo thuyết minh Báo cáo tài chính năm 2018, SGCC ghi nhận chi phí sản xuất kinh doanh dài hạn liên quan đến nhiều dự án mà doanh nghiệp này đang triển khai như: Dự án khu công nghiệp Cái Mép; Dự án 553 và Dự án 636A Xô Viết Nghệ Tĩnh (Quận Bình Thạnh, Tp.HCM); Dự án 79B Lý Thường Kiệt (Quận Tân Bình, Tp.HCM); Dự án tòa nhà văn phòng 184 Nam Kỳ Khởi Nghĩa…
SGCC đang triển khai nhiều dự án bất động sản tại Tp.HCM (Nguồn: BCTC 2018)
|
Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến cuối năm 2018, SGCC có quy mô vốn chủ sở hữu đạt 1.694 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn góp của chủ sở hữu đạt 1.095 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển 303 tỷ đồng và nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 281,5 tỷ đồng.
Nguồn vốn nợ phải trả của SGCC đạt 1.200 tỷ đồng, giảm 223 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2018 với tổng nguồn vốn từ đi vay nợ và thuê tài chính đạt 497 tỷ đồng.
Mức lương cho quản lý cấp cao tại SGCC ra sao? Theo báo cáo quỹ tiền lương của công ty mẹ - SGCC, năm 2018, doanh nghiệp này có 124 lao động, hưởng mức lương bình quân 13,033 triệu đồng/người/tháng, sau khi cộng thêm các khoản thù lao, tiền thưởng, thu nhập bình quân của người lao động lên tới 16,292 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, mức tiền lương bình quân dành cho người quản lý doanh nghiệp (8 người) là 22,658 triệu đồng/người/tháng, chỉ hoàn thành 55% so với kế hoạch đã đề ra. Bước sang năm 2019, SGCC dự kiến sẽ tăng số người quản lý doanh nghiệp lên 9 thành viên, với mức tiền lương bình quân cũng được nâng lên mức 41,279 triệu đồng/người/tháng. Sau khi cộng thêm tiền thưởng và thu nhập, mức thu nhập bình quân của người quản lý tại đây dự kiến sẽ được nâng lên mức 46,011 triệu đồng/người/tháng.
Cần lưu ý rằng, các mức lương bình quân kể trên đều là kết quả của phép tính bình quân gia quyền, cào bằng giữa tất cả các chức vụ trong công ty. Mức lương chính xác sẽ phụ thuộc vào thâm niên công tác, chức vụ và công việc mà từng cá nhân đảm nhiệm. Hiện tại, cơ cấu Hội đồng thành viên của SGCC có sự tham gia của 4 thành viên, do ông Nguyễn Pôn làm Chủ tịch. Trong khi đó, Ban Tổng Giám đốc có sự góp mặt của 3 thành viên với 1 Tổng Giám đốc là ông Trần Minh Khiêm (từ ngày 21/2/2019) và 2 Phó Tổng Giám đốc là các ông Mai Tuấn Kiệt và Dương Dũng Nhân. Được biết, trong đơn xin từ chức, ông Đoàn Ngọc Hải viết rằng, tự nhận thấy bản thân không có trình độ chuyên môn về ngành xây dựng, không phù hợp với năng lực, sở trường chuyên môn được đào tạo nên không muốn “ngồi nhầm chỗ”./. |