Điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Ảnh: Hải An |
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường được thiết lập tại khu điều trị nội trú Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 là tầng cao nhất trong mô hình tháp 4 tầng trong điều trị COVID-19 tại TP.HCM, được các bác sĩ chuyên môn ví như “thành trì cuối cùng” trên mặt trận điều trị trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở giai đoạn cam go của TP.HCM.
BS Trần Thanh Linh – “bác sĩ 91”, người đã điều trị trực tiếp cho BN 91 tại BV Chợ Rẫy, người có mặt tiếp sức cho tuyến đầu chống COVID-19 tại nhiều tâm dịch, được điều chuyển đến đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Ngay cả với những bác sĩ đã giàu kinh nghiệm đối mặt COVID-19 như BS Trần Thanh Linh, cũng không tránh khỏi có những thời điểm hai khoé mắt bỗng nhoè ướt, trái tim rung lên từng nhịp thổn thức, bởi giai đoạn quá cam go, số lượng ca bệnh bùng phát lớn khó tưởng tượng trên địa bàn TP.HCM như hiện tại; đồng thời số ca chuyển nặng quá nhiều và quá nhanh.
Mục tiêu giảm số ca tử vong không hề dễ đạt được trong giai đoạn bùng phát dữ dội lần này. "Đây là "trận đánh" lớn nhất và chúng tôi cũng hy vọng sẽ là "trận đánh" cuối cùng để chúng ta đẩy lùi COVID-19", BS CK2 Trần Thanh Linh chia sẻ khi thực hiện nhiệm vụ mới.
Bác sĩ Trần Thanh Linh trao đổi với các đồng nghiệp - Ảnh: BVCC |
Điểm thuận lợi nhất của Bệnh viện hồi sức COVID-19 chính là hạ tầng sẵn có của một bệnh viện có cấu trúc hạ tầng hiện đại, đồng bộ với hệ thống oxy trung tâm và hút trung tâm có thể hỗ trợ hô hấp một lúc có thể lên đến 1.000 bệnh nhân (bao gồm thở oxy, thở máy không xâm lấn HFNC, thở máy xâm lấn), trong đó, có 100 giường săn sóc đặc biệt có hệ thống khí nén trung tâm một yêu cầu hạ tầng không thể thiếu để triển khai thở máy cho những bệnh nhân nguy kịch.
DSCKI Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu chia sẻ, việc chuyển đổi từ một bệnh viện ung bướu sang bệnh viện hồi sức điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng gặp những khó khăn nhất định cho hoạt động của bệnh viện. Tuy nhiên, khó khăn về mặt nhân sự đã được Bộ Y tế, ngành Y tế TP.HCM hỗ trợ. Về vấn đề trang thiết bị lúc đầu chưa thể đáp ứng cũng đã được huy động nhanh chóng để đáp ứng cho công tác điều trị; công tác tổ chức cũng đã được thực hiện với tinh thần hết sức khẩn trương để đáp ứng tốt nhất cho công tác điều trị bệnh nhân nặng COVID-19.
Chia sẻ thêm về vấn đề nguồn lực trang thiết bị phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, việc đáp ứng nhu cầu trang thiết bị phục vụ công tác điều trị tại bệnh viện đang nhận được sự quan tâm của Bộ Y tế, TP.HCM, các cá nhân, đơn vị tổ chức.
Theo đó, Bộ Y tế đã thành lập kho dã chiến phía Nam để huy động nguồn lực trang thiết bị y tế và tiến hành điều chuyển trang thiết bị y tế từ các nơi chưa có nhu cầu. Từ kho dã chiến đã chuyến đến Bệnh viện Hồi sức COVID-19 30 máy thở chức năng cao, 100 máy bơm điện, thiết bị monitor…
Bộ Y tế tiếp tục chuyển từ kho dã chiến đến Bệnh viện Hồi sức COVID-19 những thiết bị y tế cần thiết. Ảnh: HCDC |
Trong sáng ngày 20/7 từ kho dã chiến, Bộ Y tế tiếp tục chuyển đến bệnh viện 1 hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO), 7 máy lọc thận, 10 máy thở chức năng cao không sử dụng khí nén.
Riêng về nhu cầu máy thở, hiện kho dã chiến đã tiếp nhận 2000 máy thở do Bộ Y tế chuyển vào, và sẽ tiếp tục chuyển thêm 200 máy thở trong thời gian tới.
Về phía TP.HCM, bên cạnh việc huy động các nguồn lực sẵn có, TP.HCM đã lên danh sách và chuẩn bị lên kế hoạch mua sắm trang thiết bị vật tư cho bệnh viện; đồng thời một cơ chế đặc biệt cũng đã được đề xuất nhằm đảm bảo nhanh chóng có trang thiết bị, phục vụ tốt nhất công tác điều trị cho bệnh nhân.
“Từ 20 tỷ đồng do một đơn vị doanh nghiệp tài trợ cho BV Chợ Rẫy, BV Chợ Rẫy đã tiến hành mua các thiết bị thiết yếu như máy siêu âm, máy Xquang di động… để ưu tiên trang bị và sử dụng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19” – TS.BS Nguyễn Tri Thức chia sẻ thêm.