Đây là thông tin được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ với hơn 500 doanh nhân tại diễn đàn kinh tế tư nhân do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức chiều 3/6 vừa qua.
Trước đó, bà Hồng đã nghe đại diện nhóm doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ nền kinh tế trong các nghiệp vụ liên quan tới huy động vốn trình bày nhiều vấn đề đáng chú ý về thị trường tài chính và huy động vốn.
Nội dung chi tiết tại bản tuyên bố đầy đủ được bà Hồng cho biết là bà cũng đã đọc.
Bản tuyên bố cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, trong đó việc tiếp cận các nguồn huy động vốn là một trong những thách thức lớn nhất đến sự sống còn của các doanh nghiệp thuộc khu vực này.
Các chủ thể này đang cần một sân chơi lớn về vốn với nhiều nhà đầu tư cùng các kênh huy động đa dạng đáp ứng được nhu cầu khác nhau của họ. Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết này vẫn chưa thực hiện được.
Nhóm doanh nhân nói trên cho rằng thị trường tài chính Việt Nam đang có sự mất cân bằng khi phần lớn nguồn vốn cho doanh nghiệp được tài trợ bởi các ngân hàng thương mại. Lượng vốn mà doanh nghiệp trực tiếp huy động từ thị trường chứng khoán chiếm chưa tới 30% nguồn vốn tín dụng. Trong khi đó nguồn vốn do ngân hàng tài trợ thường có kỳ hạn ngắn, yêu cầu thế chấp bằng tài sản và chi phí vay biến động. Điều này thường ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh, chiến lược phát triển dài hạn và chi phí huy động vốn của doanh nghiệp.
Con số được đưa ra là hiện nay tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế là hơn 200 tỷ USD, quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu khoảng 60 tỷ USD, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ khoảng 1,3 tỷ USD. Sự thiếu vắng các nhà đầu tư lớn và sự nghèo nàn của các sản phẩm tài chính khiến thị trường vốn chưa thể lớn mạnh được.
Đồng tình với nhận định của nhóm, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận hiện nay thị trường tài chính đang mất cân bằng, vốn của doanh nghiệp dựa rất nhiều vào ngân hàng.
Thị trường vốn chưa phát triển xứng tầm để tạo sân cho doanh nghiệp huy động nguồn vốn dài hạn, Phó thống đốc nhấn mạnh.
Theo bà Hồng, làm thế nào để phát triển thị trường tài chính, trong đó có thị trường tiền tệ để tạo tạo kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp là vấn đề được Chính phủ rất quan tâm. Mới đây, khi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã chỉ đạo cơ quan này phối hợp với các cơ quan liên quan có giải pháp phát triển thị trường tài chính lành mạnh, hài hoà giúp đa dạng hoá các kênh huy động vốn của doanh nghiệp.
Phó thống đốc khẳng định, điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước luôn tập trung vào sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ,
Đặc biệt nguồn vốn này đã được chuyển dần, trước đây tín dụng tập trung vào doanh nghiệp nhà nước tương đối cao, hiện nay tỷ trọng tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước đâu đó chỉ còn 15 đến 17%, tín dụng cho khu vực tư nhân đã tăng lên rất nhiều, Phó thống đốc nói.
Trở lại bản tuyên bố của phiên thảo luận thị trường tài chính và huy động vốn, nhận định được đưa ra tại đây là nguồn vốn nhàn rỗi trên thị trường không thiếu, tuy nhiên có hai điểm mấu chốt cần cải thiện để gỡ nút thắt cho dòng vốn là cải thiện độ rủi ro và tăng được tính thanh khoản.
Nhóm doanh nhân thực hiện bản tuyên bố cho rằng vấn đề lớn nhất của nhà đầu tư trên thị trường vốn hiện nay không hẳn là rủi ro mà là không đánh giá được rủi ro. Ngoài rủi ro quốc gia của Việt Nam và rủi ro của một số ngân hàng thương mại lớn được đánh giá bởi các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế như Fitch, S&P… các doanh nghiệp Việt Nam đa số chưa được đánh giá bởi một bộ xếp hạng rủi ro chuẩn nào. Các đánh giá rủi ro đều mang tính chủ quan và ngắn hạn.
Thanh khoản của thị trường thứ cấp sẽ quyết định sự hấp dẫn đầu tư trên thị trường sơ cấp. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đang thiếu các nhà đầu tư lớn và các sản phẩm đầu tư phù hợp. Chính sách của Ngân hàng Nhà nước đang nới lỏng dòng vốn cho thị trường bất động sản nhưng vẫn siết dòng vốn vào thị trường chứng khoán, bản tuyên bố nêu rõ.
Theo TBKTVN