Lúc 9 giờ ngày 28-8, các ngân hàng thương mại đồng loạt niêm yết giá bán ra ngoại tệ với giá phổ biến 22.520 đồng/USD. Nếu so với mức trần là 22.547 đồng/USD được thiết lập vào nhiều ngày trước thì giá bán đã giảm 27 đồng/USD. Tuy nhiên, giá mua vào giữa các ngân hàng có sự khác biệt nhằm kích thích doanh nghiệp tiếp tục bán USD.
Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) mua vào 22.440 đồng/USD. Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) mua vào cao hơn Sacombank 10- 20 đồng/USD…
Trên thị trường tự do, giá USD giao dịch xoay quanh 22.650 đồng/USD (mua vào), 22.700 đồng/USD (bán ra)
Do giá mua vào tại các ngân hàng thấp hơn giá bán ra từ 60- 80 đồng/USD nên người đang giữ USD có điều kiện bán ngoại tệ theo kỳ hạn. Tức là, bên bán có thể chốt giá với ngân hàng tại thời điểm này rồi công thêm một biên độ nhất định và đến vài ngày sau mới thực hiện giao dịch.
Theo bà Nguyễn Minh Châu - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội, trước xu hướng đi xuống của tỉ giá, nhiều doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ đã bán cho ngân hàng khiến nguồn cung USD trên thị trường khá dồi dào. Riêng nhu cầu mua ngoại tệ của doanh nghiệp giảm, đặc biệt nhu cầu mua kỳ hạn giảm mạnh.
Ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay khách hàng đã bán nhiều ngoại tệ hơn cho ngân hàng. Các doanh nghiệp không còn mua ngoại tệ để giải quyết những nhu cầu trước hạn.
Thị trường liên ngân hàng trong hai ngày qua hoạt động rất sôi động và chỉ trong sáng 27-8, Vietcombank giao dịch khoảng 30 triệu USD. Còn một lãnh đạo Sacombank thì cho biết giao dịch ngoại tệ không còn căng thẳng, nhu cầu mua- bán USD đã trở nên hài hòa.
Theo NLĐ