Nâng tỷ giá đã thỏa mãn thị trường?

NHNN đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa tiền đồng và đô la Mỹ áp dụng từ ngày 19-8-2015 thêm 1%, đồng thời nâng biên độ từ ± 2% lên ± 3%. Tỷ giá trần và sàn lần lượt là 22.547 và 21.233 đồng/đô la Mỹ.
Ba ngày trước khi quyết định điều chỉnh tỷ giá lần hai, mỗi ngày NHNN bán ra vài trăm triệu đô la Mỹ, song cầu vẫn rất cao chủ yếu do các ngân hàng thương mại mua vào để đóng trạng thái cho khách hàng.
Ba ngày trước khi quyết định điều chỉnh tỷ giá lần hai, mỗi ngày NHNN bán ra vài trăm triệu đô la Mỹ, song cầu vẫn rất cao chủ yếu do các ngân hàng thương mại mua vào để đóng trạng thái cho khách hàng.

Điểm đầu tiên là khoảng cách giữa giá trần và sàn đã giãn khá rộng 1.314 đồng/đô la Mỹ, tức xấp xỉ 6%. Khoảng cách này đã không có được suốt vài năm qua khi nhà điều hành giữ biên độ ở mức thấp nhất có thể và duy trì nó trong thời gian dài nhằm ngăn chặn hoạt động đầu cơ.

Tuy nhiên, sự mất giá của đồng nhân dân tệ đã làm hoạt động đầu cơ thay đổi hẳn. Thay bằng “nhúc nhích” giao dịch tìm kiếm lợi nhuận, các chủ thể trên thị trường đã gần như đồng loạt găm giữ hàng trong khả năng tự có với kỳ vọng một sự điều chỉnh theo hướng yếu đi của đồng Việt Nam. Trước tình hình đó, nhà điều hành khôn ngoan sẽ phải thỏa mãn nhu cầu thị trường.

Sau lần điều chỉnh thứ nhất ngày 12-8-2015, NHNN đã có một tuần để kiểm tra và đo lường phản ứng của thị trường thông qua cả hai biện pháp hành chính và thị trường. Một mặt theo dõi sát động thái đầu cơ của các tổ chức tín dụng, cung cầu thị trường, mặt khác bán ra khá mạnh ngoại tệ để can thiệp.

Nhận định sơ bộ bước đầu của giới kinh doanh tiền tệ là mức điều chỉnh tỷ giá đã linh hoạt và đủ độ nặng. Ở mức giá mới, hoạt động đầu cơ được dự báo sẽ giảm

Ba ngày trước khi quyết định điều chỉnh tỷ giá lần hai, mỗi ngày NHNN bán ra vài trăm triệu đô la Mỹ, song cầu vẫn rất cao chủ yếu do các ngân hàng thương mại mua vào để đóng trạng thái cho khách hàng. Trạng thái ở đây gồm hai loại: các doanh nghiệp mua trả nợ trước hạn một số khoản vay bằng đô la Mỹ và những doanh nghiệp đã bán ngoại tệ nhằm hưởng chênh lệch lãi suất, nay phải mua lại. Thay bằng sử dụng ngoại tệ của chính mình phục vụ khách hàng (để trạng thái ngoại hối âm), giờ đây các ngân hàng đi mua vì kỳ vọng tỷ giá không thể dừng lại sau lần điều chỉnh gần nhất. Cầu tiền đồng được đẩy lên.

Ngày 18-8, NHNN phải bơm ra 10.000 tỉ đồng thông qua kênh thị trường mở, chưa kể tín phiếu ngân hàng đáo hạn, để hỗ trợ thanh khoản. Từ trưa cùng ngày trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng đã không hề có lệnh chào bán đô la Mỹ. Có thể tin tức từ thị trường tài chính quốc tế đã buộc các ngân hàng trong nước phòng thủ.

Chứng khoán Trung Quốc có phiên lao dốc mạnh nhất trong ba tuần giảm hơn 6%, trong khi đồng tiền các nước khu vực tiếp tục giảm giá so với đô la Mỹ. Đồng ringgit Malaysia và rupiah Indonesia đã mất giá trên 10%.

NHNN đã canh chừng nhu cầu thị trường, kể cả nhu cầu trả nợ trước hạn. Nhưng có thể thấy nhu cầu trả nợ trước hạn hiện không hề suy giảm, ngược lại có xu hướng tăng lên. Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), dư nợ ngoại tệ 25 tỉ đô la Mỹ là con số không hề nhỏ. Chỉ cần 20-30% số dư nợ có nhu cầu trả trước hạn, cầu ngoại tệ để đáp ứng phải 5-7,5 tỉ đô la Mỹ.

Một yếu tố khác là huy động vốn ngoại tệ đang tăng. BIDV dẫn số liệu từ cơ quan quản lý cho biết huy động ngoại tệ của dân cư trong bảy tháng đầu năm tăng 11% so với cuối năm ngoái, chứng tỏ đã bắt đầu có sự dịch chuyển tài sản từ tiền đồng sang ngoại tệ như một kênh bảo toàn vốn dù biểu hiện chưa thật sự rõ nét.

Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp đầu tiên từ tỷ giá, đặc biệt các công ty chế biến, xuất khẩu thủy hải sản và nông sản. Xuất khẩu tôm và cá tra đang khó khăn và dự kiến có thể còn khó hơn vì số lượng cá tra xuất vào Nga không nhỏ, còn Nhật Bản là thị trường trọng điểm của tôm Việt Nam, mà đồng rúp Nga đã tụt xuống gần 66 rúp/đô la Mỹ, còn yen vẫn đang trong chiều hướng giảm giá.

Tỷ giá mới có thể hạn chế bớt nhập siêu do hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Đó là mặt tích cực. Sự tiêu cực nếu có là giá hàng hóa tăng có thể ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. Một số doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hoặc có khoản dư nợ ngoại tệ cao sẽ phải trích thêm dự phòng rủi ro.

Nhận định sơ bộ bước đầu của giới kinh doanh tiền tệ là mức điều chỉnh tỷ giá đã linh hoạt và đủ độ nặng. Ở mức giá mới, hoạt động đầu cơ được dự báo sẽ giảm. Diễn biến tiếp theo của thị trường và hành xử sắp tới của NHNN phụ thuộc chủ yếu vào biến động thị trường bên ngoài. “Tỷ giá mới đã phản ánh hết trong nó những yếu tố như đồng tệ phá giá vừa qua và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong tháng 9-2015.

Nếu các đồng tiền thế giới và hàng hóa nguyên liệu không lên xuống quá mạnh, bất ngờ, tỷ giá của Việt Nam có thể ổn định ở mặt bằng mới đến hết năm. Sang năm sẽ là bài toán khác”, giám đốc phụ trách ngân quỹ của một ngân hàng ở TPHCM nhận xét.

Theo TBKTSG