Chia sẻ tại tiêu điểm chứng khoán cuối tuần với chủ đề “nắn dòng vốn vào bất động sản, thị trường sẽ điều chỉnh đến khi nào?”, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán MB (MBS), cho rằng những động thái gần đây của Chính phủ và NHNN trong việc kiểm soát dòng vốn chảy vào lĩnh vực đầu cơ nóng (trong đó có bất động sản) là tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát chứ không phải đề ra một quy định mới.
Trên thực tế, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thực hiện đúng quy định của nhà nước về việc huy động vốn qua kênh trái phiếu, tín dụng, giúp lành mạnh hóa thị trường.
Theo ông Hoàng Công Tuấn, đây là cơ hội để nhà đầu tư chọn lọc các doanh nghiệp vững mạnh trong lĩnh vực bất động sản. Những doanh nghiệp có dự án tốt, quỹ đất sẵn sàng, kế hoạch triển khai bán hàng đều đặn và dòng tiền ổn định gần như sẽ không bị ảnh hưởng.
Chuyên gia của MBS lưu ý rằng, giá cổ phiếu có thể biến động trong ngắn hạn, song về mặt dài hạn thì giá cổ phiếu sẽ tăng theo mức tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Những nhịp điều chỉnh hiện tại, theo góc nhìn của ông Tuấn, sẽ là cơ hội mở ra cho các nhà đầu tư có sẵn nguồn tiền.
So với hai năm trước, ông Tuấn nhận thấy tâm lý của nhà đầu tư đã ổn định hơn rất nhiều. Trong tuần vừa qua, mặc dù thị trường chung giảm điểm mạnh song một số mã cổ phiếu của những doanh nghiệp được dự báo có kết quả kinh doanh quý 1 tốt chỉ bị điều chỉnh nhẹ, thậm chí là tăng điểm.
Trong tuần tới, chuyên gia của MBS nhận định một số nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục giữ được đà tăng như thủy sản, dệt may, cao su tự nhiên, bảo hiểm, logistics, bán lẻ, Viettel, thực phẩm.
Ông Tuấn lưu ý thêm, động lực dòng tiền rẻ và dễ dãi trong năm 2020 và 2021 đã phai nhạt dần trên quy mô toàn cầu. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó có thể chứng kiến những phiên giao dịch quy mô khoảng 3 tỉ USD trong năm 2022. Vị chuyên gia này nhấn mạnh nhà đầu tư cần phải tập trung vào triển vọng tăng trưởng lợi nhuận, nội tại và giá trị của doanh nghiệp.
Về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Tuấn cho rằng chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2022. Lãi suất cho vay tiếp tục ở mặt bằng thấp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tuy nhiên lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp như hiện tại và dự kiến sẽ tăng trở lại trong năm 2023 trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng, áp lực lạm phát.
Trong quý 1/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 5,04%, cao gấp 2,3 lần so với mức tăng 2,16% cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nền kinh tế đang phục hồi tích cực, các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của Chính phủ đang phát huy hiệu quả.
Dự kiến trong năm 2022, chuyên gia của MBS đánh giá nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 14%, được hỗ trợ từ việc kiểm soát dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh tăng cao trở lại./.