Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
NHNN có trách nhiệm triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân.
Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực có tính đầu cơ. Tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi quy định của Luật Chứng khoán, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, nhất là việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm.
Bộ Tài chính triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững và xử lý nghiêm các sai phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá và việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đáng chú ý, Chính phủ giao Bộ Công an tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến tín dụng đen, chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đất đai, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi./.