Thí điểm tự chủ bệnh viện (Bài 5): Tiếp tục hay dừng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cả 2 đơn vị thí điểm đều kêu khó và xin rút lui, đánh dấu bước đầu thất bại của mô hình này. Vậy thì, việc tự chủ toàn diện của các bệnh viện có tiếp tục hay sẽ dừng lại, tìm một mô hình khác hay quay về "lối cũ"?
Một ca phẫu thuật thay khớp gối tại BV Việt Đức
Một ca phẫu thuật thay khớp gối tại BV Việt Đức

Cần một đánh giá khoa học

Đó là câu hỏi không dễ trả lời vào lúc này, vì tất cả mới chỉ là thông tin từ phía các bệnh viện (BV). Hơn nữa, thời gian tự chủ toàn diện lại trùng vào giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19. Đặc biệt, đến nay, chưa có đánh giá chính thức nào từ các cơ quan chức năng về được - mất của mô hình này.

Chính vì thế, tại buổi làm việc với BV Bạch Mai mới đây, trước ý kiến xin không thực hiện tự chủ toàn diện của lãnh đạo BV Bạch Mai, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói rõ: BV Bạch Mai và BV K thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ và đã có 2 năm thực hiện. Do đó, với tinh thần Nghị quyết do Chính phủ giao, muốn chuyển sang hình thức nào, tức là tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 33 hay thực hiện theo Nghị định 60 của Chính phủ, thì Bộ Y tế đều phải có tổng hợp để báo cáo Chính phủ.

Các vướng mắc trong tự chủ của 2 BV chủ yếu liên quan đến cơ chế tài chính, nên BV Bạch Mai và BV K phải có báo cáo, phân tích các vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 33, đồng thời, nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60, cũng cần thêm các hướng dẫn chi tiết nào.

Quyền Bộ trưởng cho biết thêm Bộ Y tế đã giao cho Vụ Kế hoạch - Tài chính làm việc với 2 BV trên để đánh giá kỹ, từ đó báo cáo với Chính phủ. Nếu tháo gỡ được vướng mắc về cơ chế tài chính, cùng với việc Chính phủ đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về văn bản pháp luật, sẽ đưa ra được hành lang pháp lý giúp cho BV có định hướng thời gian tới tốt hơn.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan

Trước khi Chính phủ “quyết” về mô hình của y tế Việt Nam trong thời gian tới, thiết nghĩ, chúng ta cần ngược dòng tìm hiểu thêm về quá trình tự chủ BV ở Việt Nam.

Hành trình tự chủ BV ở Việt Nam

Nhằm nâng cao chất lượng KCB, từ năm 2006, Việt Nam đã thực hiện tự chủ BV công với Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ giao cho các cơ sở KCB công lập phải thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở mức độ nhất định. Sáu năm sau, ngày 15/10/2012, Chính phủ ra Nghị định số 85/2012/NĐ-CP với mức độ chủ động cao hơn.

Đến năm 2018, 100% BV công trên cả nước đã thực hiện cơ chế tự chủ ở các mức độ khác nhau. Trong đó, 0,4% BV tự chủ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, 27% BV tự chủ chi thường xuyên, 68% đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên, chỉ còn 4,6% BV thuộc nhóm Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Năm 2019, có 29 đơn vị y tế được giao quyền tự chủ (tăng 4 đơn vị so với năm 2018). Đặc biệt, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ đã giao quyền thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện cho 4 BV là Bạch Mai, Chợ Rẫy, K, Việt Ðức.

Ở Việt Nam, khái niệm về tự chủ trong ngành y tế chưa được định nghĩa rõ ràng.

Vấn đề tự chủ tài chínhđược chia làm 3 loại hình: 1/ Đơn vị tự đảm bảo chi phí hoạt động (tự đảm bảo hoàn toàn chi phí hoạt động); 2/ Đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên (phần còn lại do nhà nước cấp); 3/ Đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (nguồn thu đáp ứng dưới 10% tổng số chi).

Kết quả khảo sát ít năm trước của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế và Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho thấy tổng thu của BV tự chủ tăng nhanh qua các năm, chủ yếu từ nguồn thu viện phí và BHYT. Các đơn vị chủ động hơn trong việc sử dụng các nguồn tài chính, điều tiết các khoản chi hiệu quả hơn. Thu nhập của cán bộ, công nhân viên cải thiện rõ rệt.

Các BV tăng cường huy động vốn và chủ động mở rộng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Việc đầu tư liên doanh liên kết trong các BV khá đa dạng nên số lượng các trang thiết bị kỹ thuật cao tăng lên, đặc biệt là ở các BV tuyến TW và các tỉnh/TP lớn. Việc xã hội hóa y tế đã giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách.

Kết quả khảo sát của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Vụ Kế hoạch-Tài chính – Bộ Y tế cũng chỉ ra: Hầu hết các BV tự chủ đều sắp xếp, điều chuyển, mở ra nhiều dịch vụ mới để phục vụ nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân. Công suất sử dụng giường bệnh, số lượt khám và điều trị nội trú ở BV các tuyến cũng tăng. Các BV sắp xếp bộ máy, sử dụng nguồn nhân lực, tuyển chọn cán bộ hiệu quả hơn.

Các BV tự chủ đều có các chiến lược thu hút bệnh nhân thông qua chất lượng, giá cả dịch vụ và thái độ phục vụ của nhân viên y tế, thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế.

Theo kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2019 thì chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập đã tăng từ 1,92 năm 2017 lên 1,96 năm 2018; chỉ 0,4% số người sử dụng dịch vụ y tế của BV công tuyến huyện cho biết phải “lót tay” nhân viên y tế để được chăm sóc tốt hơn. Khảo sát của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam cho thấy, chỉ số hài lòng của người bệnh nội trú năm 2018 đạt 80,8%.

Bệnh nhân đến BV Bạch Mai tăng cao, trong khi trang thiết bị thiếu trầm trọng

Bệnh nhân đến BV Bạch Mai tăng cao, trong khi trang thiết bị thiếu trầm trọng

Những điều không mong đợi

Bộ Y tế đã chỉ ra những hạn chế, bất cập của hoạt động tự chủ BV.

Đó là quá trình tự chủ diễn ra thiếu nhất quán và thiếu định hướng, thiếu các điều kiện đảm bảo và các hình thức tự chủ thích hợp.

Bên cạnh đó, việc giao quyền quản lý điều hành bộ máy, nhân lực nếu không được kiểm soát sẽ dẫn đến lạm quyền trong việc tiếp nhận và sa thải cán bộ. Sự chênh lệch về thu nhập giữa các BV và môi trường làm việc khiến các cán bộ y tế giỏi chuyển từ miền núi về miền xuôi, nông thôn ra thành thị và từ khu vực công sang khu vực tư nhân, làm cho nguồn nhân lực y tế chất lượng cao bị phân tán. Thực tế này đã xảy ra nhiều năm qua và đỉnh điểm là giai đoạn 2021-2022.

Việc tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính còn dẫn đến việc lạm dụng chỉ định các xét nghiệm và trang thiết bị kỹ thuật cao. Đặc biệt, việc đầu tư trang thiết bị dưới dạng góp vốn; nhà đầu tư đặt máy và độc quyền cung cấp hóa chất, vật tư tiêu hao, trong đó BV bị khống chế việc sử dụng hóa chất - vật tư tiêu hao, dễ dẫn đến nguy cơ lãng phí hoặc lạm dụng trang thiết bị, vì mối liên quan trực tiếp đến lợi ích của các bên.

Ngoài ra, tự chủ BV còn làm tăng việc nhập viện điều trị nội trú để tăng thu cho BV; sử dụng thuốc không hợp lý; kéo dài thời gian điều trị; tăng chí phí điều trị; chất lượng phục vụ bệnh nhân bị ảnh hưởng do đông bệnh nhân, khối lượng công việc nhiều, trong khi số bác sĩ, điều dưỡng không đủ so với quy định.

Một vấn đề nữa đã được Bộ Y tế chỉ ra: Cơ chế khuyến khích tăng thu dẫn đến thương mại hóa hệ thống y tế, mà bệnh nhân là đối tượng để tăng thu, làm tăng gánh nặng chi phí cho bệnh nhân; chỉ định thừa; lạm dụng xét nghiệm và các dịch vụ kỹ thuật đắt tiền… dẫn đến hạn chế sự tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.

Mặt khác, cơ chế này có thể sẽ dẫn đến tình trạng các BV tuyến dưới chuyển những ca bệnh khó chữa, ít tạo thu nhập lên tuyến trên và giữ lại những ca dễ chữa, dễ thu phí, góp phần gây quá tải BV tuyến trên ngày càng trầm trọng.

Tự chủ BV cũng dẫn đến các đơn vị y tế “mạnh ai nấy làm” trong việc mua sắm trang thiết bị kỹ thuật cao, nhất là tại các thành phố lớn, làm lãng phí nguồn lực đầu tư cho y tế.

Hơn nữa, năng lực quản lý, quản trị BV của đội ngũ lãnh đạo BV còn hạn chế, do chưa được đào tạo bài bản về lĩnh vực này, dẫn đến việc thất thoát, lãng phí nguồn lực, tham nhũng, làm sai, làm ẩu… trong điều kiện hệ thống thông tin, giám sát còn yếu kém, tính công khai, minh bạch, tính giải trình và tính tự chịu trách nhiệm còn hạn chế. Hàng loạt cán bộ quản lý trong ngành y tế bị kỷ luật, bị bắt vừa qua đã chứng minh cho nhận định này.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã chỉ ra hệ thống văn bản pháp quy và các công cụ để quản lý còn chưa hoàn thiện và đồng bộ để giám sát hiệu quả hoạt động của BV khi thực hiện tự chủ. Việc chưa có hướng dẫn, phân định rạch ròi đầu tư của tư nhân trong các BV công lập và cơ chế phân chia lợi nhuận giữa các bên, gây mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Động cơ tăng thu nhập cho BV và cán bộ y tế dẫn đến y đức của nhân viên y tế và giá trị phúc lợi xã hội bị xói mòn.

Theo TS. Ngô Thị Hải Anh – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhiều BV/trung tâm y tế huyện, BV y học cổ truyền, BV điều dưỡng phục hồi chức năng… cung ứng được ít dịch vụ, thu không đủ chi nhưng vẫn phân loại và giao làm đơn vị tự bảo đảm được chi thường xuyên, nên rất khó khăn trong bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động.