Sở Y tế TP.HCM: Chuyển đổi số để ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh, điều trị đột quỵ, ung thư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đẩy mạnh chuyển đổi số trong bệnh viện nhằm giám sát các hoạt động: Kê đơn, tuân thủ phác đồ, thời gian chờ khám chữa bệnh, quá tải bệnh viện và góp phần phát hiện sai sót chuyên môn, hạn chế thấp nhất tai biến.
Các chuyên gia thuộc nhiều chuyên khoa của BV Đại học Y Hà Nội tham gia KCB từ xa để hỗ trợ các bác sĩ tuyến dưới

Các chuyên gia thuộc nhiều chuyên khoa của BV Đại học Y Hà Nội tham gia KCB từ xa để hỗ trợ các bác sĩ tuyến dưới

Sở Y tế TP. HCM vừa ban hành “Khuyến cáo đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh”, nhằm hướng đến mục tiêu: Góp phần cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh; tạo dựng môi trường làm việc thuận lợi cho nhân viên; cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản lý bệnh viện; sử dụng và đóng góp nguồn dữ liệu lớn của ngành y tế thành phố trong công tác quản lý, điều phối và dự báo.

Theo Sở Y tế TP.HCM, chuyển đổi số phải được xem là một trong những hoạt động trọng tâm trong kế hoạch hoạt động hằng năm của bệnh viện, do chính Giám đốc bệnh viện trực tiếp chỉ đạo.

Chuyển đổi số là một hoạt động trọng tâm

Các bệnh viện phải ưu tiên phân bổ nguồn lực để tuyển dụng bổ sung nhân lực cho phòng CNTT, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên chuyên trách CNTT được học tập nâng cao trình độ; củng cố và nâng cấp trung tâm dữ liệu (Data Center - DC) của đơn vị đáp ứng về thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị kiểm soát người ra vào, nhiệt độ,…. Lưu ý phải có giải pháp hệ thống dự phòng (Disaster Recovery – DR) để đảm bảo bệnh viện vẫn hoạt động khi gặp sự cố.

Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các bệnh viện trực thuộc ưu tiên phân bổ nguồn lực để triển khai có hiệu quả các phần mềm ứng dụng không thể thiếu trong hoạt động của bệnh viện và các phần mềm mới đối với các vấn đề phổ biến, đòi hỏi sự tham gia của nhiều khoa phòng, qua nhiều bước, tiêu tốn nhiều giấy tờ, công sức và thời gian.

Các bệnh viện phải cần triển khai đầy đủ các phần mềm ứng dụng không thể thiếu đối với hoạt động của một bệnh viện (HIS, LIS, RIS/PACs, EMR,….), đảm bảo kết nối liên thông trên nền tảng dữ liệu dùng chung của bệnh viện.

Mặt khác, dữ liệu dùng chung phải đảm bảo tính liên tục khi có sự thay đổi phần mềm và liên thông với các nền tảng dùng chung của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định, bao gồm: Giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) sử dụng thẻ căn cước công dân; Đơn thuốc điện tử; Hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý tiêm chủng, hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Nền tảng dữ liệu dùng chung của Sở Y tế.

Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các bệnh viện phải đảm bảo an toàn thông tin khi triển khai các phần mềm ứng dụng theo quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông; có giải pháp phòng chống sự cố gây mất dữ liệu và thông tin của bệnh viện, nhằm hạn chế tối đa rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh.

Quản lý hồ sơ, bệnh án điện tử khiến người dân nhận được thông tin y khoa nhanh hơn (Ảnh: Hoà Bình)
Quản lý hồ sơ, bệnh án điện tử khiến người dân nhận được thông tin y khoa nhanh hơn (Ảnh: Hoà Bình)

Góp phần hạn chế sai sót chuyên môn

Các bệnh viện cần xây dựng cổng thông tin bệnh viện có khả năng giao tiếp hai chiều với người bệnh: Đăng ký khám bệnh từ xa qua các phương tiện phổ biến như điện thoại di động, tổng đài điện thoại, cổng thông tin đặt hẹn,…; cung cấp thông tin cho người bệnh qua thư điện tử, tin nhắn,…; có thể tra cứu thông tin y tế trực tuyến, thông tin chi tiết về các dịch vụ khám, chữa bệnh, tư vấn từ xa; nhắc người bệnh tái khám, dùng thuốc, tiêm chủng lần tiếp theo, thanh toán không dùng tiền mặt…

Bên cạnh đó, các bệnh viện cần tăng cường ứng dụng các thuật toán về máy học (machine learning) sử dụng nguồn dữ liệu lớn hiện có tại bệnh viện vào việc xây dựng các tiện ích cho người bệnh như dự báo thời gian chờ khám, chờ xét nghiệm, chờ chụp X-quang, CT-scan, MRI, siêu âm,… và thời gian nằm viện. Tăng cường ứng dụng CNTT trong khảo sát hài lòng, không hài lòng và trải nghiệm của người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn nhằm hạn chế sai sót bằng các phần mềm ứng dụng như: Hệ thống nhắc liều, tự động tính liều, cảnh báo tiền sử dị ứng thuốc, tương tác thuốc, trùng nhóm điều trị theo mã ATC (Anatomical Therapeutic Chemical Classification System); Chỉ định điều trị phù hợp chẩn đoán theo phác đồ; Tra cứu thông tin và lịch sử điều trị của người bệnh; Tra cứu phác đồ điều trị của bệnh viện và kho dữ liệu phác đồ điều trị của Sở Y tế,…

Triển khai các ứng dụng giúp xác định đúng người bệnh, đúng các dịch vụ kỹ thuật tránh nhầm lẫn trong phẫu thuật, truyền máu, thực hiện các y lệnh về thuốc, cận lâm sàng, kết quả cận lâm sàng,… bằng cách sử dụng mã vạch hay dùng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification).

Khuyến khích triển khai ứng dụng công nghệ số trong hoạt động chuyên môn như: Ứng dụng Robot trong phẫu thuật; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh, trong điều trị đột quỵ, điều trị ung thư,… Kết nối giữa các bác sĩ tuyến y tế cơ sở với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện để hội chẩn, tư vấn chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa (telemedicine); Đào tạo liên tục từ xa cho bệnh viện tuyến trước.

Bệnh viện Thống Nhất hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa một số ca bệnh khó (Ảnh - BVCC)
Bệnh viện Thống Nhất hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa một số ca bệnh khó (Ảnh - BVCC)

Hỗ trợ quản lý chất lượng bệnh viện

Triển khai hiệu quả “Văn phòng số” thay thế cho các thủ tục hành chính nội bộ của bệnh viện bao gồm: Hệ thống theo dõi văn bản; Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp; Hệ thống theo dõi và nhắc việc; Hệ thống thông tin nội bộ qua mạng CNTT cho nhân viên bệnh viện thay cho việc phát hành văn bản thông báo trong bệnh viện; Triển khai tin nhắn cho nhân viên bệnh viện (SMS, ứng dụng di động,…) trong việc nhắc lịch họp, lịch khám bệnh, lịch hội chẩn, lịch phẫu thuật, nhắc điều dưỡng thực hiện y lệnh của bác sĩ;…

Các bệnh viện cần tích hợp chữ ký điện tử hoặc chữ ký số vào các phần mềm ứng dụng, đồng thời, ban hành quy chế sử dụng đúng quy định.

Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh khuyến khích các bệnh viện vận dụng khả năng dự báo và giám sát của hệ thống thông tin trong hoạt động quản lý, bao gồm xác định phân bố mô hình bệnh tật theo thời gian để chủ động phân bổ nguồn lực phục vụ người bệnh; hỗ trợ giám sát các hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện như giám sát kê đơn, giám sát tuân thủ phác đồ, giám sát thời gian chờ tại các khâu trong quy trình khám chữa bệnh, giám sát tình hình quá tải, ùn ứ người bệnh tại các phòng khám,… giúp phát hiện sai sót và chủ động can thiệp sớm nhằm hạn chế thấp nhất tai biến và than phiền của người bệnh.