Thủ tướng kiểm tra tình hình đáp ứng vật tư y tế và thuốc men tại bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng đi với Thủ tướng có Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ vv...
Thủ tướng lắng nghe ý kiến và động viên các y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu A9- Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng và đoàn công tác đã tới kiểm tra, khảo sát tại Trung tâm Cấp cứu A9- Bệnh viện Bạch Mai; thăm hỏi, lắng nghe ý kiến của các y bác sĩ trực tiếp làm việc, các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các khoa, phòng của Bệnh viện này.
Thủ tướng thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
BS Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9- Bệnh viện Bạch Mai cho biết Trung tâm A9 mỗi ngày tiếp nhận tới 400 bệnh nhân; bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe ý kiến, kịp thời ban hành Nghị quyết 30 và nghị định 07, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Thủ tướng thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ông cho biết các cán bộ, y bác sĩ cảm thấy yên tâm làm việc hơn nhiều với các quyết sách này. Hàng loạt khó khăn, vướng mắc đã từng bước được giải quyết, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đến nay đã được bảo đảm tương đối đầy đủ.
Thủ tướng thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đơn cử, trước khi Nghị quyết 30 và Nghị định 07 được ban hành, nhiều lô thuốc trúng thầu nhưng không thông quan được. Các máy móc liên doanh, liên kết phải dừng hoạt động đến nay đã hoạt động trở lại, đơn cử, một thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng nhưng chỉ một linh kiện bị hỏng, trước đây rất khó khăn để thay, nay Nghị quyết 30 cho phép chỉ định thầu mua linh kiện thay thế nên có thể sửa được ngay.
Thủ tướng thăm hỏi người nhà bệnh nhân về tình hình đáp ứng vật tư y tế và thuốc men tại bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cũng nhờ có Nghị quyết 30, Bệnh viện đã rất tích cực vận động các doanh nghiệp trao tặng lại các trang thiết bị sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết và các doanh nghiệp cũng hưởng ứng rất mạnh. Đơn cử, hệ thống chụp cắt lớp vi tính 256 dãy SOMATOM Definition Flash của Siemens rất hiện đại của Bệnh viện đã hoạt động trở lại sau 3 năm đắp chiếu. Lãnh đạo Bệnh viện cho biết, trước đây, hệ thống này sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết, phải trải qua các thủ tục rất phức tạp mới có thể trở thành tài sản của Bệnh viện. Nhờ có Nghị quyết 30, phía doanh nghiệp đã tặng lại hệ thống này sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết và phát huy hiệu quả rất tốt trong khám chữa bệnh cho nhân dân.
Hệ thống chụp cắt lớp vi tính 256 dãy SOMATOM Definition Flash của Siemens rất hiện đại của Bệnh viện đã hoạt động trở lại sau 3 năm đắp chiếu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tuy nhiên, lãnh đạo Bệnh viện cho biết một số loại máy móc chẩn đoán vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ, tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là tại các đơn vị khác của Bệnh viện, cần tiếp tục khắc phục. Lãnh đạo Bệnh viện đề nghị cần sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn về mua sắm, đấu thầu với hiệu lực pháp lý cao hơn; đồng thời sớm triển khai việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Mặt khác, Bạch Mai là bệnh viện chuyên khoa sâu, nhiều chuyên ngành, điều trị các ca bệnh hiếm mà những nơi khác không chẩn đoán được hoặc không điều trị được. Các thuốc chuyên ngành, chống độc, hiếm và số lượng tiêu thụ không lớn vẫn có lúc chưa đáp ứng được. Bệnh viện đề nghị Bộ Y tế lập các kho thuốc hiếm ở 3 miền, khi cần thiết như trường hợp ngộ độc do botulinum khi người dân ăn cá chép muối ủ chua ở Quảng Nam, các bệnh viện lớn sẽ hỗ trợ chuyên môn và thuốc cho các địa phương, các cơ sở y tế khác.
Thủ tướng kiểm tra tình hình đáp ứng vật tư y tế và thuốc men tại bệnh viện Nhi Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lãnh đạo Bệnh viện cũng đề nghị quan tâm tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất của bệnh viện.
Tiếp đó, ngoài chương trình dự kiến, Thủ tướng đã đi kiểm tra, khảo sát đột xuất tại Bệnh viện Nhi Trung ương – trong thời điểm thời tiết chuyển mùa, các bệnh thông thường với trẻ em như bệnh hô hấp tăng nhanh, các bệnh kinh niên nặng lên.
Thủ tướng hỏi thăm sức khỏe một trẻ đang khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong thời điểm thời tiết chuyển mùa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng thăm hỏi người nhà bệnh nhân về tình hình đáp ứng vật tư y tế và thuốc men tại bệnh viện Nhi Trung ương- Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lãnh đạo Bệnh viện cho biết hàng loạt khó khăn liên quan tới quy định trước đây đã được tháo gỡ, không còn vướng mắc gì lớn trong việc mua sắm, đấu thầu. Bệnh viện đã tiến hành mở 27 gói thầu về vật tư tiêu hao, sửa chữa lớn các trang thiết bị… Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các loại thuốc hiếm chưa được đáp ứng hoàn toàn đầy đủ, kịp thời.
Thủ tướng trao đổi với cán bộ khoa Dược về tình hình đáp ứng vật tư y tế và thuốc men tại bệnh viện Nhi Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cũng ngoài chương trình dự kiến, Thủ tướng đã đi kiểm tra, khảo sát đột xuất tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn có thể diễn biến phức tạp, thời tiết chuyển mùa tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm lây lan.
Thủ tướng kiểm tra, khảo sát đột xuất tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lãnh đạo Bệnh viện cũng cho biết các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu cơ bản đã được giải quyết, song một số loại sinh phẩm, vật tư có thể không đáp ứng đủ khi nhu cầu tăng đột biến, một số loại dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát. Ngoài ra, lãnh đạo Bệnh viện cũng nêu nhiều khó khăn, vướng mắc khác trong hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ; xử lý một số loại sinh phẩm, thuốc… phục vụ phòng chống COVID-19 còn tồn đọng…
Lập ngay các trung tâm chuyên dự trữ thuốc hiếm
Lắng nghe các ý kiến và đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp, làm rõ nhiều nội dung, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả rất đáng trân trọng mà các bệnh viện đã đạt được thời gian qua; đề nghị các bệnh viện tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trong đấu thầu, đấu giá thuốc, vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, vừa chống tình trạng "sợ trách nhiệm", vừa bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.
Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn, trong quý II/2023 phải ban hành thông tư để triển khai việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ Y tế cần khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành trong năm nay các nghị định hướng dẫn Luật Khám, chữa bệnh, bảo đảm sát thực tế; đồng thời ban hành các thông tư cần thiết; trong đó nội dung quan trọng nhất, cần ưu tiên nhất là hướng dẫn về thuốc men, trang thiết bị y tế. Tăng cường chuyển đổi số trong đấu thầu, mua sắm vừa tiết kiệm thời gian, cải cách thủ tục, vừa phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn, trong quý II/2023 phải ban hành thông tư để triển khai việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện cơ chế hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nghiên cứu tạo cơ chế thuận lợi, phù hợp với cơ chế thị trường, tinh thần là mọi người chung tay, doanh nghiệp chung tay, người bệnh đóng góp, "nếu lợi ích quá nghiêng về người bệnh thì doanh nghiệp không có tiền đầu tư, nếu quá nghiêng về doanh nghiệp thì Nhà nước và người dân thiệt thòi".
Thủ tướng cũng đề nghị cần nghiên cứu, hoàn thiện quy định về Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để sử dụng đúng mục đích, hiệu quả tại các bệnh viện.
Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu, thành lập ngay các trung tâm chuyên dự trữ thuốc hiếm, đặt tại 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước, giao một bệnh viện hàng đầu tại đó quản lý, điều phối.
Thủ tướng đề nghị các bệnh viện, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tiếp tục tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng chính sách về đầu tư, chính sách với y bác sĩ, chính sách với bệnh nhân. Ông nhắc lại quan điểm, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, do đó cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Thủ tướng đề nghị cán bộ, y bác sĩ các bệnh viện phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, đề cao y đức, trách nhiệm của "thầy thuốc như mẹ hiền", "sâu y lý, giỏi y thuật, sáng y đức", đặt tính mạng sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết. Thủ tướng lưu ý các bệnh viện tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo những người yếu thế, nhất là những gia đình khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Thủ tướng mong muốn Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục phát huy truyền thống của một trong những bệnh viện đầu tiên của đất nước, của Trung tâm A9 anh hùng – niềm hy vọng cuối cùng với nhiều người bệnh và người nhà. Với Bệnh viện Nhi Trung ương, Thủ tướng đề nghị "lắng nghe các cháu bằng trái tim, bảo vệ, chăm sóc các cháu bằng hành động"; sử dụng đúng mục đích, hiệu quả Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
Từ thực tiễn, Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu các quy định đặc thù phù hợp với các bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới; luôn sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến có thể xảy ra.
Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tổ chức họp ngay trong tuần để giao quyền tự chủ cho Bệnh viện Nhiệt đới; khẩn trương giải quyết các vấn đề liên quan tới sinh phẩm, thuốc… phòng chống COVID-19 của Bệnh viện.
Thủ tướng đề nghị các bệnh viện tiến hành quy hoạch lại khuôn viên và xây dựng các đề án, dự án cụ thể, các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bố trí kinh phí, đầu tư, đồng thời huy động mạnh mẽ hợp tác công tư để dần chỉnh trang, cải tạo các bệnh viện ngày càng hiện đại, khoa học, khang trang, sạch đẹp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan khẩn trương xử lý dứt điểm các vướng mắc để hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
(Chinhphu.vn)
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu