Cô đỡ thôn bản: Vai trò quan trọng để giảm tỷ lệ tử vong mẹ và bé, nhưng chưa được quan tâm đúng mức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hàng trăm nghìn bà mẹ, trẻ em đã được các cô đỡ thôn bản chăm sóc, cứu chữa và chưa có tai biến nào. Đặc biệt, họ đã góp phần quan trọng để giảm tỉ lệ tử vong mẹ và trẻ em ở miền núi, vùng cao, vùng sâu.
Các cô đỡ thôn bản về dự hội nghị
Các cô đỡ thôn bản về dự hội nghị

Cánh tay nối dài của ngành y tế

Vai trò của các CĐTB rất quan trọng, như “cánh tay nối dài của ngành y tế”, góp phần giảm bất bình đẳng giữa các vùng miền cũng như giảm bất bình đẳng giới. Đó là khẳng định của ông Đinh Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) tại hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ CĐTB tổ chức sáng nay, 10/3, tại Hà Nội.

Ông Đinh Anh Tuấn đưa tấm hình bà mẹ người dân tộc thiểu số bế cậu con trai nhỏ và kể: Hơn một năm trước, khi người mẹ đau đẻ, theo phong tục địa phương là chồng tự đỡ cho vợ. Ông bố trẻ “lôi” ra một đứa bé và cháu tử vong ngay. Thấy sản phụ vẫn chảy máu ồ ạt, gia đình mới gọi CĐTB đến và CĐTB phát hiện còn một em bé nữa trong bụng mẹ. CĐTB lập tức báo y tế xã và y tế huyện, kịp thời đưa sản phụ đi cấp cứu và cứu sống được cả mẹ và con.

Ông Đinh Anh Tuấn kể lại chuyện 2 mẹ con cậu bé trong ảnh đã được cứu sống nhờ CĐTB

Ông Đinh Anh Tuấn kể lại chuyện 2 mẹ con cậu bé trong ảnh đã được cứu sống nhờ CĐTB

Đó là lý do mà chính quyền các xã vùng cao, miền núi khó khăn đều đánh giá rất cao vai trò của CĐTB ở sự đáp ứng tại chỗ, liên tục, ngay lập tức và miễn phí đối với các bà mẹ và trẻ em. Chỉ có CĐTB mới có thể tiếp cận, chăm sóc bà mẹ tại địa phương, vì bà con dân tộc thiểu số quan niệm mọi chăm sóc liên quan đến phụ nữ mang thai, sinh đẻ là chuyện riêng tư, chỉ có chồng, phụ nữ trong nhà hoặc những người thân thiết mới có thể trao đổi được. Bởi CĐTB nói cùng ngôn ngữ, hiểu biết phong tục tập quán của người dân, lại vốn là hàng xóm, bạn bè của nhau - điều mà nhân viên trạm y tế xã hay tuyến huyện không làm tốt bằng họ.

Theo báo cáo của các địa phương, cả nước hiện có 5.111 thôn bản có khó khăn về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), cần bố trí 1 CĐTB. Kết quả khảo sát năm 2021 cũng cho thấy tại 18 tỉnh miền núi khó khăn cũng có tới 4.346 thôn bản cần có CĐTB. Trong khi đó, hiện cả nước chỉ còn 1.549 CĐTB đang hoạt động, đạt tỷ lệ bao phủ 30,31%, đặc biệt tại các tỉnh miền núi khó khăn như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Kon Tum, Gia Lai vẫn còn nhiều thôn bản có tỷ lệ đẻ tại nhà rất cao (trên 60%) nhưng chưa có sự phục vụ của CĐTB.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trò chuyện với các CĐTB
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trò chuyện với các CĐTB

Theo ông Đinh Anh Tuấn, mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để duy trì, củng cố và phát triển đội ngũ CĐTB, nhưng việc thực thi các chính sách giữa các địa phương có sự khác nhau, khiến cho việc duy trì hoạt động của đội ngũ CĐTB gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ cho CĐTB hoạt động.

Trong khi hầu hết CĐTB đều thuộc hộ nghèo hoặc là dân tộc thiểu số ở địa bàn đặc biệt khó khăn, mà khi tham gia hoạt động, có nhiều chi phí phát sinh như chi phí đi lại khi thăm cộng đồng, giao ban tại trạm y tế xã.

Vì thế, hiện có 1.528 CĐTB được đào tạo nhưng đã ngừng hoạt động do không có kinh phí. Số CĐTB được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó có 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên Y tế thôn bản.

Các CĐTB ở các tỉnh về dự hội nghị

Các CĐTB ở các tỉnh về dự hội nghị

Duy trì đội ngũ CĐTB: Người dân được chăm sóc ban đầu tốt hơn

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã phối hợp với Ủy ban dân tộc và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ CĐTB vào sáng nay, tại Hà Nội, với thông điệp “Chung tay thực hiện chính sách hỗ trợ CĐTB vì sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi».

Báo cáo tại hội nghị, ông Đinh Anh Tuấn cho biết: Cách đây 30 năm, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam rất cao, gấp 5- 6 lần hiện nay. Tử vong mẹ tại các vùng sâu, vùng xa, thậm chí còn cao hơn rất nhiều. Tập quán không đi khám thai, đẻ tại nhà không được cán bộ y tế đỡ là nguyên nhân chính của tình trạng trên. Chính đội ngũ CĐTB được đào tạo, ra đời từ 1990, đã góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em, nhất là ở vùng cao, vùng sâu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định: Việc chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, CĐTB người dân tộc thiểu số tại địa phương là một giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả, nhằm gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và kinh tế khiến cho phụ nữ người dân tộc thiểu số không tiếp cận được các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh”.

Ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc - ghi nhận công lao to lớn của đội ngũ các CĐTB trong việc tuyên truyền vận động, tư vấn, giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số trong quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc trẻ em; giúp các thai phụ tiếp cận các dịch vụ y tế, hạn chế tai biến không đáng có, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ em.

Ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc

Ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc

Vì thế, ông Y Thông đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Dân tộc và các bộ, ngành trong việc kiểm tra, rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với đội ngũ CĐTB. Uỷ ban Dân tộc cũng đề nghị cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở các cấp vùng dân tộc thiểu số và miền núi xác định rõ vai trò, vị trí của CĐTB, thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với CĐTB.

Bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam

Bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam

Bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam nhấn mạnh: Các CĐTB là nguồn lực quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc duy trì và mở rộng đội ngũ CĐTB đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả đạt được về sức khỏe bà mẹ, cứu sống các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Để duy trì đội ngũ CĐTB chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi các chính sách, chương trình liên quan, đặc biệt là ở tuyến tỉnh; xây dựng và cập nhật các Nghị quyết, kế hoạch hành động và văn bản hướng dẫn cấp quốc gia và cấp tỉnh để hỗ trợ đầy đủ cho việc đào tạo, triển khai, vận hành và duy trì đội ngũ CĐTB.

Ảnh: An Nhiên