Miêu tả ban đầu của Tạp chí Forbes về hai doanh nhân Việt Nam
|
Theo tìm hiểu, tạp chí Forbes đều chưa đăng tải hình ảnh cụ thể của 2 doanh nhân người Việt Nam hay giá trị tài sản ròng mà bộ đôi này đang sở hữu. Tuy nhiên, tạp chí này lại có những miêu tả về nguồn gốc tài sản (source of wealth) của 2 vị doanh nhân khá giống nhau. Cụ thể, ông “Ho Hung Anh” (49 tuổi) và ông “Nguyen Dang Quang” (55 tuổi) được miêu tả đều có nguồn gốc tài sản từ tự thân (self made), ngành hàng tiêu dùng và ngân hàng.
Các thông tin miêu tả ban đầu của Forbes có nhiều điểm chung với hai doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã CK: TCB) và ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) - một công ty có tiếng trong lĩnh vực sản xuất ngành hàng tiêu dùng.
Được biết, hai vị doanh nhân này đã có nhiều năm gắn bó với nhau trên thương trường kể từ khi lập nghiệp cho tới nay.
Bên cạnh chức vụ tại Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang còn đóng vai trò là Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank và gắn bó với ngân hàng này được nhiều năm. Ở chiều hướng ngược lại, ông Hồ Hùng Anh cũng từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan nhưng đã từ nhiệm từ ngày 13/4/2018 nhằm tuân thủ các quy định mới theo quy định của pháp luật.
Thị trường từ lâu có nhiều đồn đoán về việc ông Nguyễn Đăng Quang sẽ lọt vào danh sách tỷ phú USD của tạp chí Forbes. Trước đó, vào đầu năm 2018, ông Quang đã được công nhận là tỷ phú USD bởi Bloomberg với khối tài sản khoảng 1,2 tỷ USD.
Việc cập nhật có phần “chậm trễ” của Forbes phần nào đến từ việc xác định giá trị tài sản của ông (và ông Hồ Hùng Anh) thời điểm trước năm 2018, không phải là điều dễ dàng.
Bởi lẽ, bên cạnh việc sở hữu trực tiếp cổ phiếu, hai doanh nhân này còn nắm giữ gián tiếp cổ phần thông qua 2 pháp nhân khá “kín tiếng” là CTCP Masan (Masan Corp) và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương (Hoa Hướng Dương).
Một số nguồn tin gần đây cho hay, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh đang lần lượt sở hữu 48,51% và 47,56% vốn điều lệ của Masan Corp (quy mô vốn điều lệ đạt 4.300 tỷ đồng theo đăng ký kinh doanh cập nhật ngày 25/7/2018). Còn công ty Hoa Hướng Dương do Masan Corp sở hữu 100% vốn điều lệ.
Ngoài ra, “nút thắt” khác trong việc xác định giá trị tài sản ròng của bộ đôi doanh nhân này còn đến từ ngân hàng Techcombank. Khi ngân hàng này thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán vào giữa năm 2018, tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh mới được tiết lộ chi tiết.
Cơ cấu sở hữu của ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh tại một số doanh nghiệp (Nguồn: Trí Thức Trẻ)
|
Ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh giàu cỡ nào?
Theo tìm hiểu của VietTimes, tính tới cuối năm 2018, ông Nguyễn Đăng Quang trực tiếp nắm giữ hơn 9,4 triệu cổ phần Techcombank, chiếm 0,2689% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, ông Quang cũng là người đại diện cho hơn 524,3 triệu cổ phần, tương ứng với 14,995% vốn điều lệ của Techcombank, do Tập đoàn Masan (ông Nguyễn Đăng Quang là Chủ tịch HĐQT) sở hữu.
Trong khi đó, ông Hồ Hùng Anh cùng người thân nắm giữ hơn 595 triệu cổ phiếu Techcombank, tương đương với tỷ lệ sở hữu hơn 17% vốn điều lệ. Nếu tính toán theo giá cổ phiếu TCB đóng cửa ngày 25/2/2019 là 27.750 đồng/cổ phiếu, khối tài sản tại Techcombank của ông Hồ Hùng Anh và người thân đang nắm giữ có giá trị thị trường lên tới 16.465,45 tỷ đồng.
Riêng tại Tập đoàn Masan, dù không trực tiếp nắm giữ cổ phần, ông Hồ Hùng Anh vẫn gián tiếp sở hữu tới 21,2% vốn điều lệ MSN thông qua Masan Corp và Hoa Hướng Dương. Bởi lẽ, một lượng lớn cổ phần MSN, tương đương với 44,7% vốn điều lệ, đang được nắm giữ bởi 2 công ty này (trong đó: Masan Corp sở hữu 31,4% và Hoa Hướng Dương sở hữu 13,3% vốn điều lệ).
Khối tài sản này, tính theo giá cổ phiếu MSN đóng cửa ngày 25/2/2019 là 91.200 đồng/cổ phiếu, sẽ có giá trị khoảng 21.200 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng tại MSN và TCB, ông Hồ Hùng Anh đã sở hữu khối tài sản lên tới 1,62 tỷ USD.
Tại MSN, ông Nguyễn Đăng Quang chỉ trực tiếp nắm giữ 15 cổ phiếu. Bên cạnh đó, phu nhân của ông là bà Nguyễn Hoàng Yến (Thành viên HĐQT MSN) nắm giữ trực tiếp 42,4 triệu cổ phần MSN, với tỷ lệ sở hữu chiếm 3,65% vốn điều lệ.
Nếu tính thêm số cổ phần sở hữu gián tiếp thông của Masan Corp và Hoa Hướng Dương, theo tính toán của VietTimes, ông Nguyễn Đăng Quang cùng gia đình đang sở hữu tổng cộng 25,3% vốn điều lệ MSN. Tính theo giá cổ phiếu MSN đóng cửa ngày 25/2/2019, quy mô khối tài sản này lên tới 25.300 tỷ đồng (1,09 tỷ USD).
Tuy nhiên, giá trị khối tài sản của mà ông Quang sở hữu tại MSN có thể được định giá cao hơn thế. Nếu tính theo mức giá tham chiếu 100.000 đồng/cổ phiếu mà SK Group đã bỏ ra để mua 9,5% cổ phần MSN vào tháng 9/2018, thì giá trị khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang (chỉ riêng tại Tập đoàn Masan) đã lên tới 1,2 tỷ USD.
Cần lưu ý rằng, muốn xác định "độ giàu" thực sự của các tỷ phú thì phải căn cứ trên tài sản ròng, tức là đã phải đối trừ với các khoản vay và nghĩa vụ thanh toán khác.
Ngoài ra, theo “thông lệ”, tạp chí Forbes thường công bố chính thức danh sách các tỷ phú USD vào đầu năm. Do đó, những thông tin còn nhiều “bí ẩn” về thứ hạng và giá trị tài sản ròng của ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh nhiều khả năng sẽ sớm được Forbes tiết lộ cụ thể./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu