Chuyển động nhà đầu tư ngoại tại Masan

VietTimes -- Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan – Mã CK: MSN) vừa công bố thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HSX) về giao dịch của nhà đầu tư Ardolis Investment Pte Ltd – một quỹ đầu tư thuộc sở hữu của Government of Singapore.
Ảnh minh họa (Nguồn: MSN)
Ảnh minh họa (Nguồn: MSN)

Theo đó, ngày 1/11/2018, quỹ Ardolis Investment Pte Ltd đã thực hiện mua thêm 27.411.764 cổ phiếu MSN, nâng tỷ lệ sở hữu lên 4,47%.

Nếu tính thêm số cổ phần đang nắm giữ của Government of Singapore, nhóm các nhà đầu tư liên quan đến quỹ đầu tư quốc gia (sovereign wealth fund) thuộc chính phủ Singapore - GIC đang nắm giữ tới 103.154.569 cổ phiếu MSN, tương đương tỷ lệ sở hữu 8,87%.

Căn cứ theo thống kê giao dịch của HSX, nhiều khả năng quỹ Ardolis Investment Pte Ltd đã thực hiện mua cổ phần MSN thông qua giao dịch thỏa thuận. Với mức giá bình quân 83.000 đồng/cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt khoảng 22.751 tỷ đồng, tương đương với quy mô gần 100 triệu USD.

Trước đó, ngày 5/10/2018, quỹ Ardolis Investment Pte Ltd bắt đầu nắm giữ cổ phiếu MSN khi thực hiện mua vào 24.526.315 cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,11%.

Đáng chú ý, trước khi nâng tỷ lệ sở hữu tại Masan (thông qua Ardolis Investment Pte Ltd), Government of Singapore đã không còn là cổ đông lớn khi thực hiện bán ra 758.170 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu trực tiếp từ 5,07% xuống chỉ còn 4,99% vào ngày 19/7/2018.

Mặt khác, căn cứ các báo cáo giao dịch của Ardolis Investment Pte Ltd, có thể thấy Government of Singapore đã tiếp tục thực hiện bán ra cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu trực tiếp xuống mức 4,40%.

Cũng trong ngày 5/10, tờ Bloomberg đưa tin về việc quỹ ngoại khác là KKR&Co Inc (KKR) đã hoàn tất thoái khoản đầu tư là 54,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 4,7%) MSN ở mức giá 89.200 đồng/cổ phiếu và thu về 209 triệu USD. Đối tác mua lại một nửa lô cổ phiếu trên của KKR được nguồn tin của Bloomberg cho biết chính là GIC.

Như vậy, có thể thấy quy mô đầu tư thêm của quỹ GIC vào Masan thông qua 2 lần giao dịch của quỹ Ardolis Investment Pte Ltd đã lên tới hơn 200 triệu USD.

Thống kê giao dịch cho thấy nhiều khả năng quỹ Ardolis Investment Pte Ltd đã nâng tỷ lệ sở hữu ngày 1/11/2018 thông qua giao dịch thỏa thuận (Nguồn: HSX)
Thống kê giao dịch cho thấy nhiều khả năng quỹ  Ardolis Investment Pte Ltd đã nâng tỷ lệ sở hữu ngày 1/11/2018 thông qua giao dịch thỏa thuận (Nguồn: HSX)

Tuy nhiên, khoản đầu tư “mạnh tay” nhất đối với cổ phiếu MSN trong thời gian gần đây phải kể tới sự góp mặt của SK Group – tập đoàn đầu tư đa ngành của Hàn Quốc.

Cụ thể, ngày 19/9, Hội đồng quản trị Masan đã thông qua quyết định bán toàn bộ 109.899.932 cổ phiếu quỹ (tương đương 9,5% tổng số cổ phần) cho SK Group. Với mức giá bán được Masan tiết lộ là 100.000 đồng/cổ phần, quy mô giao dịch của SK Group có giá trị lên tới 470 triệu USD. 

Đọc thêm:
"Sau thương vụ bất thành với Vinalines, SK Group rót 470 triệu USD vào Masan"

Thông cáo báo chí của Masan về sự kiện này cho biết, việc ký kết hợp tác chiến lược với SK Group “là nền tảng quan trọng cho sự hợp tác bền vững, lâu dài và tận dụng tiềm năng sẵn có của mỗi bên, góp phần thúc đẩy chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ của cả Masan lẫn SK Group”.

Với quy mô đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD, các nhà đầu tư ngoại đang tìm kiếm điều gì ở Masan trong tương lai (?!).

Tham vọng tăng trưởng hai con số

Giai đoạn 9 tháng đầu năm 2018, Masan ghi nhận doanh thu thuần đạt 26.630 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với giai đoạn cùng kỳ năm trước. Trong số các công ty thành viên, hoạt động kém khả quan nhất là Masan Nutri-Science (MNS). Chỉ tính riêng trong Quý 3/2018, doanh thu của MNS chỉ đạt 3.341 tỷ đồng, giảm tới 27,8% so với cùng kỳ.

Giải trình từ phía Masan cho biết, hoạt động của MNS vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ đợt khủng hoảng giá thịt heo trên thị trường hồi đầu năm, dẫn đến tác động tiêu cực trên thị trường thức ăn chăn nuôi (lĩnh vực hoạt động chính của MNS).

Ở chiều hướng ngược lại, Masan đã thực hiện cắt giảm chi phí khá hiệu quả, giúp cải thiện lợi nhuận. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận thuần phân bổ cho các cổ đông Masan trong các lĩnh vực kinh doanh chính đạt 2.307 tỷ đồng, tăng 90,2%, so với cùng kỳ năm 2017. Biên lợi nhuận cũng được cải thiện từ mức 4,4% lên mức 8,7%.

Bên cạnh đó, Masan cũng tiết lộ việc thực hiện kế hoạch tái cấu trúc tài chính bền vững hơn nhằm đạt mục tiêu 12 tháng sắp tới đạt mức đánh giá tín nhiệm là BB-.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn này, ông Nguyễn Đăng Quang cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng nhiều tham vọng trong trung và dài hạn.

Đối với Masan Consumer Holdings (MCH), ông Quang hướng tới mục tiêu tăng trưởng gấp 2 – 3 lần mức độ tăng trưởng trung bình ngành. Với Masan Resources (MSR), thông qua việc mua lại nhà máy chế biến hóa chất vonfram công nghệ cao, Masan đặt mục tiêu hiện thực hóa kế hoạch tăng công suất lên gấp 2 lần để mở rộng thị phần trong lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực ngân hàng, một thành viên khác thuộc “hệ sinh thái” của Masan là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – Mã CK: TCB) cũng hướng tới việc duy trì vị thế trên thị trường và tập trung vào mảng dịch vụ khách hàng.

Riêng đối với MNS, vị Chủ tịch của Tập đoàn cho biết doanh nghiệp này sẽ dừng bán heo hơi vào năm 2019 để tập trung vào xây dựng thương hiệu sản phẩm thị tươi sống để phục vụ người tiêu dùng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đăng Quang cũng khẳng định niềm tin về kết quả kinh doanh 2018 và cho rằng kết quả này sẽ là nền tảng giúp Masan tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đạt tới hai con số vào năm 2019 và các năm tiếp theo.

Với tham vọng như vậy, sự tham gia của khối ngoại sẽ đóng góp nguồn lực (tài chính, quản trị) không nhỏ đối với Masan, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển của Tập đoàn này trong thời gian tới.

Tất nhiên, cơ hội vẫn còn đối với các nhà đầu tư ngoại vì tính đến ngày 9/11, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại chỉ ở mức 40,32%, trong khi "room" dành cho khối ngoại tại Masan hiện vẫn ở mức 49%./.