Nguồn vốn thành lập công ty TNHH Vietnam Beverage
Ở phần thuyết minh trong bản công bố thông tin về việc Hoàn thành chuyển nhượng cổ phần của CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – HOSE: SAB) gửi Sở Giao dịch chứng khoán Singapore ngày 27/12/2017, Thai Beverage đã nêu rõ nguồn vốn tài trợ cho thương vụ thâu tóm này từ (1) nguồn vốn chủ sở hữu hiện có và (2) các khoản vay từ BeerCo.
Phần vốn từ “nguồn vốn chủ sở hữu hiện có” mà ThaiBev đang nhắc đến chính là phần vốn 681 tỷ đồng (gần 1 tỷ Baht) của Công ty TNHH Vietnam Beverage (VietBev) thông qua hệ thống công ty con là Vietnam F&B và BeerCo.
Đáng chú ý, VietBev được thành lập vào tháng 10/2017, chỉ trước khi phiên chào bán đấu giá cổ phần Sabeco diễn ra khoảng 2 tháng. Mặc dù có cái tên có phong cách khá giống với tập đoàn mẹ tại Thái Lan, VietBev lại hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tư vấn quản lý, (không bao gồm tư vấn pháp luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và chứng khoán), bên cạnh đó là lập trình máy tính, tư vấn máy tính và quản trị hệ thống máy vi tính.
Tuy nhiên, việc thành lập nên VieBev cũng đã giúp cho ThaiBev lọt qua khe cửa hẹp về mức trần sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và thực hiện thành công thương vụ thâu tóm tỷ USD tại Sabeco.
Một điều khá thú vị sau khi thương vụ này thành công là một công ty mẹ như VietBev có vốn điều lệ chỉ bằng 1/10 so với công ty con là Sabeco, và bỏ ra số tiền ngay đến cả tập đoàn mẹ cũng khó có thể đáp ứng ngay lập tức và nguồn vốn đó phải đến từ các khoản vay.
Thu xếp nguồn vốn từ 5 ngân hàng chỉ trong thời gian ngắn?
Dựa trên tìm hiểu của PV trước đây, tổng tài sản hợp nhất của ThaiBev tại ngày 30/09/2017, theo chỉ đạt 194,24 tỷ Baht (tương đương 137,82 nghìn tỷ VND), chỉ nhỉnh hơn 25% khoản đầu tư vào Sabeco. Điều này khiến cho ThaiBev phải huy động nhiều nguồn lực từ các ngân hàng trong nước và quốc tế để tài trợ.
Cụ thể, tập đoàn ThaiBev đã thực hiện 5 khoản vay với giá trị gốc được ghi nhận là 20 tỷ Baht/khoản vay (tổng cộng tương đương với khoảng 3,05 tỷ USD) với 5 ngân hàng là Bangkok Bank, Bank of Ayudhya, Kasikornbank, Krung Thai Bank, và The Siam Commercial Bank. Đây đều là các ngân hàng top 5 tại Thái Lan về quy mô tổng tài sản.
Bên cạnh đó, nguồn vốn được thực huy động bởi BeerCo (do ThaiBev sở hữu 100%) được ThaiBev bảo đảm, với khoản vay 1,95 tỷ USD từ 2 ngân hàng là Mizuho Bank (chi nhánh Singapore) và Standard Chartered Bank (chi nhánh Singapore).
Các khoản vay từ nhiều nguồn khác nhau đều có cùng mức kỳ hạn là 24 tháng rõ ràng là một thách thức không hề nhỏ về cân đối dòng tiền cho ThaiBev. Chưa kể đến việc, VietBev (hay chính là ThaiBev) phải thực hiện thanh toán tiền trong vòng 10 ngày sau phiên đấu giá thành công (ThaiBev đã thực hiện xong trước 1 ngày) cho thấy nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ThaiBev sẽ gặp phải rủi ro rất lớn nếu không huy động đủ tiền để thanh toán cho Bộ Công thương đúng hẹn. Và kịch bản thâu tóm hoàn hảo, bằng một cách nào đó, đã diễn ra đúng như ThaiBev mong muốn.
Thực ra, không phải đến bây giờ ThaiBev mới chuẩn bị thực lực để thâu tóm Sabeco. Theo một số thông tin trên báo chí trước đây, ThaiBev đã ngỏ ý mua lại 53% cổ phần Sabeco từ tháng 11/2014 và khó có thể loại bỏ khả năng tập đoàn này đã chuẩn bị sẵn kịch bản, chỉ chờ động thái từ Bộ Công thương mà thôi.
Một lợi thế nữa cho ThaiBev là tập đoàn này hiện có tỷ lệ nợ khá thấp chỉ chiếm khoảng 0,26% tổng tài sản (mức lãi suất tại Thái Lan được một số chuyên gia cho biết đang ở mức đáy 1,5%); được các hãng đánh giá tín nhiệm đánh giá triển vọng ở quanh mức“ổn định” và đánh giá cao về danh mục sản phẩm, cũng như chất lượng tài sản và dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại.
Tuy vậy, điều quan trọng vẫn là khả năng xoay sở dòng tiền để tiến hành trả nợ gốc và lãi của Thai Bev trong tương lai gần. Còn đối với khoản đầu tư vào Sabeco, công việc của ThaiBev giờ đây là làm sao để khoản đầu tư chưa từng có tiền lệ của mình nhanh chóng sinh lời hay chí ít giúp tập đoàn này có một phần nguồn tiền để trả nợ.