Tăng trưởng sẽ chịu nhiều áp lực hơn

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), GDP sáu tháng đầu năm ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước, giảm tốc đáng kể so với mức tăng trưởng 6,32% đạt được trong sáu tháng đầu năm 2015. 
Giải pháp khả thi hầu như duy nhất của Việt Nam là phải tích cực cải cách, cải cách và cải cách trên mọi mặt để nền kinh tế trở nên linh hoạt hơn, cạnh tranh hơn. Ảnh: THÀNH HOA
Giải pháp khả thi hầu như duy nhất của Việt Nam là phải tích cực cải cách, cải cách và cải cách trên mọi mặt để nền kinh tế trở nên linh hoạt hơn, cạnh tranh hơn. Ảnh: THÀNH HOA

Trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, khu vực dịch vụ tăng 6,35%, riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung.

Tăng trưởng sáu tháng đầu năm nay tuy cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cùng kỳ các năm 2012-2014 (lần lượt là 4,93%; 4,9%; 5,22%) nhưng có dấu hiệu chững lại so với cùng kỳ năm 2015.

Sản lượng tăng chậm hoặc giảm sút

Trong chăn nuôi, trồng trọt, tình hình chung cho thấy sản xuất đều có sự tụt giảm từ vừa phải đến đáng kể trên hầu như mọi chỉ số, từ gieo cấy, thu hoạch lúa đông xuân, gieo sạ lúa hè thu, đến gieo trồng hoa màu và chăn nuôi trâu, bò. Về nguyên nhân thì có lẽ chủ yếu do nguyên nhân khách quan như thời tiết rét đậm, rét hại, sâu bệnh, đến nắng nóng, hạn hán, khô hạn và xâm nhập mặn.

Lâm nghiệp và thủy sản là hai lĩnh vực trong ngành nông nghiệp có sự tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nếu xét về mặt sản lượng. Ví dụ, về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng tập trung trong sáu tháng qua đã tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, còn sản lượng gỗ khai thác đã tăng ở mức đáng kể (10,8%) so với cùng kỳ năm 2015. Tuy vậy, điều đáng chú ý là trong khi diện tích rừng trồng tăng lên thì diện tích rừng bị cháy, bị phá cũng tăng mạnh (gấp 3 lần) so với năm 2015.

Giải pháp khả thi hầu như duy nhất của Việt Nam là phải tích cực cải cách, cải cách và cải cách trên mọi mặt để nền kinh tế trở nên linh hoạt hơn, cạnh tranh hơn trong bối cảnh ngày càng không thuận lợi của môi trường quốc tế.

Về thủy sản, sản lượng thủy sản trong sáu tháng đầu năm ước tính tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng TCTK cũng cho biết ngành này đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, môi trường nước biến đổi gây dịch bệnh và cá chết hàng loạt ở miền Trung làm sức mua chững lại, sản phẩm khai thác khó tiêu thụ...

Trong công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 9,7% đạt được trong sáu tháng đầu năm 2015. Riêng ngành khai khoáng lại giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2015 (chủ yếu do khai thác dầu thô giảm 6,1%).

Giá sản xuất cũng tăng chậm hoặc giảm sút

Đáng chú ý là trong khi sản lượng chung của nền kinh tế tăng chậm hoặc giảm sút thì giá cả của nhiều nhóm hàng hóa cũng tăng chậm, thậm chí giảm sút so với cùng kỳ năm trước. Ví dụ, theo TCTK, chỉ số giá sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân sáu tháng đầu năm lại có mức giảm 0,46% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất hàng công nghiệp bình quân sáu tháng cũng giảm 1,15% so với cùng kỳ. Ngay cả chỉ số giá nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân sáu tháng vẫn giảm 0,54% so với cùng kỳ.

Điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế sáu tháng đầu năm là ngành dịch vụ, với chỉ số giá sản xuất bình quân sáu tháng tăng 1,98% so với cùng kỳ.

Do cả sản lượng lẫn giá bán của nhiều ngành trong nền kinh tế nửa đầu năm nay đều chững lại hoặc giảm sút so với cùng kỳ năm trước nên có thể nói rằng giá trị thặng dư tạo ra trong nền kinh tế nửa đầu năm nay nếu có tăng so với năm trước thì cũng chỉ ở mức khá khiêm tốn, đặc biệt nếu tính thêm yếu tố lạm phát làm tăng giá sản xuất của nhiều hàng hóa và dịch vụ.

Như vậy, tăng trưởng của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2016 đã chậm lại đáng kể so với cùng kỳ năm 2015, báo hiệu một năm khó đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, trong bối cảnh nền kinh tế phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và bất trắc hơn, cả ở trong và ngoài nước.

Rủi ro đang tăng lên

Bối cảnh bên ngoài đang trở nên rủi ro hơn cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Điều đầu tiên phải đề cập đến là sự kiện Brexit, với kết quả là Anh sẽ ra khỏi EU. Trước ngày 24-6-2016, tức ngày người dân Anh đi bỏ phiếu quyết định Anh sẽ ra đi hay ở lại với EU, sự kiện này được nhìn nhận là không có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Nhưng thực tế diễn ra mấy ngày sau bỏ phiếu cho thấy Việt Nam cũng bị tác động mạnh ngoài sự tưởng tượng của mọi người, với thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, tỷ giá và đặc biệt là giá vàng cũng tăng vọt. Điều này chứng tỏ tác động của Brexit không chỉ là trực tiếp mà còn gián tiếp thông qua nhiều kênh lên nền kinh tế Việt Nam, và không thể coi thường, chủ quan với tác động này trong việc hoạch định chính sách kinh tế sắp tới.

Ngoài sự kiện Brexit, được cho là sẽ còn tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực sâu rộng hơn nữa lên nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, thế giới sẽ phải tiếp tục đối mặt với những rủi ro hiện hữu và đang tăng lên về mức độ như chính sách lãi suất âm của nhiều quốc gia (Nhật và châu Âu), bầu cử Tổng thống Mỹ, và đặc biệt là quả bom nợ Trung Quốc đang có nguy cơ nổ.

Ở trong nước, dư địa huy động các nguồn lực tăng trưởng đã trở nên ngày càng hạn hẹp và đặt Việt Nam vào thế nếu cố gắng huy động hơn nữa thì sẽ phải đánh đổi lấy rủi ro lớn cho nền kinh tế vĩ mô. Chính sách tiền tệ đã được nới lỏng đáng kể để hạ lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng nhằm bù đắp cho những diễn biến bất lợi trong nửa đầu năm nay. Nhưng chính sách tiền tệ nới lỏng đang làm tăng áp lực lạm phát, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 2,35% trong sáu tháng đầu năm (so với tháng 12-2015). Tất nhiên, cũng có nhiều người lập luận rằng mức này vẫn còn khá an toàn vì mục tiêu lạm phát được Quốc hội đề ra cho Chính phủ là dưới 5% trong cả năm nay. Nhưng cần lưu ý rằng chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ có tác động với một độ trễ lên lạm phát, nên nếu chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng bất cẩn trong nửa năm còn lại của năm nay thì lạm phát có thể sẽ bùng nổ mạnh ngay từ đầu năm sau.

Thông thường, khi chính sách tiền tệ còn ít dư địa thì chính sách tài khóa sẽ được phát huy để tạo động lực cho tăng trưởng. Nhưng trong trường hợp của Việt Nam hiện nay thì điều này hầu như xem ra là không tưởng. Việc Chính phủ đảm bảo nguồn huy động trả nợ vay trong và ngoài nước để khống chế mức nợ công không tăng lên đã là một thành công, chứ chưa dám nói đến huy động vốn để chi cho đầu tư và phát triển.

Nguồn động lực đến từ FDI cũng chứa đựng nhiều bất trắc hơn, với nhiều dự án FDI đang bị soi xét trong cái nhìn hoài nghi của dư luận từ góc độ an ninh, môi trường, trốn thuế, chuyển giá, không thực hiện nghĩa vụ nghiêm túc với người lao động... Đó là chưa kể bản thân nhà đầu tư FDI cũng sẽ phải thận trọng hơn trong việc bỏ vốn ra nước ngoài khi mà rủi ro cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang tăng lên.

Trong khi đó, một cú hích quan trọng cho tăng trưởng kinh tế là cải cách thể chế và chất lượng hoạt động của Chính phủ đang phải đối mặt với nhiều rào cản mới. Mặc dù Chính phủ mới kiện toàn đã và đang hạ quyết tâm cải cách thể chế, xóa bỏ các trói buộc cho doanh nghiệp và người dân, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều cản trở đối với tiến trình này một cách vô tình hay hữu ý. Ví dụ rõ nét và đang gây quan ngại lớn hiện nay là tình trạng nghị định hóa các điều kiện kinh doanh (mà nhiều người cho là trái luật, vi hiến) trong các thông tư của các bộ trước đây để hợp pháp hóa các điều kiện kinh doanh này, mà về bản chất chỉ là lưu giữ quyền lợi cho các nhóm lợi ích chứ không phải để tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển lành mạnh.

Tóm lại, cho dù con số tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam nửa đầu năm nay có “đẹp” đến bao nhiêu chăng nữa thì các mục tiêu tăng trưởng và phát triển mà Việt Nam đã đặt ra từ đầu năm cho cả năm nay và năm sau nữa đã và đang ngày càng phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất trắc hơn, và trở nên khó hiện thực hóa hơn. Giải pháp khả thi hầu như duy nhất của Việt Nam là phải tích cực cải cách, cải cách và cải cách trên mọi mặt để nền kinh tế trở nên linh hoạt hơn, cạnh tranh hơn trong bối cảnh ngày càng không thuận lợi của môi trường quốc tế.

Theo TBKTSG