Startup tại Đông Nam Á khó gọi vốn đầu tư mạo hiểm trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong 9 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm mà các startup huy động được chỉ ở mức 369 tỉ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, theo Crunchbase.

"Kỷ nguyên tiền rẻ đã là quá khứ", Yinglan Tan, Giám đốc điều hành tại Insignia Ventures Partners, nói CNBC.

Các công ty đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á được tin rằng sẽ chọn lọc hơn trong việc rót vốn vào các công ty khởi nghiệp (startup) trong năm 2023. Động thái này diễn ra trong bối cảnh định giá của các startup lao dốc và tăng trưởng chậm lại trong năm 2022.

“Điều quan trọng nhất cần chú ý trong năm 2023 là cách các công ty phát triển và bảo vệ giá trị của họ trong môi trường đầy thách thức”, Jeffrey Joe, đồng sáng lập Alpha JWC Ventures Indonesia, cho biết.

Theo dữ liệu từ Crunchbase, trong 3 quý đầu năm 2022, các công ty khởi nghiệp trên toàn cầu chỉ huy động được 369 tỉ USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, kém xa so với con số kỷ lục 679,4 tỉ USD ghi nhận vào năm 2021.

“Chúng tôi quan sát thấy số lượng hợp đồng đầu tư mạo hiểm ở khu vực Đông Nam Á đã tăng 25 – 30% trong năm nay, chủ yếu đến từ Indonesia và tập trung ở giai đoạn series B+, ít hơn ở giai đoạn hạt giống và series A”, Gavin Teo, đối tác của Altara Ventures, nhận định.

Theo Pitchbook, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã huy động được 151 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2022.

Trong đó, quỹ đầu tư tại Đông Nam Á do Sequoia quản lý huy động được 850 triệu USD, East Ventures gây quỹ được 550 triệu USD và Insignia Ventures Partners huy động được 516 triệu USD.

“Hầu hết các quỹ đều có đủ nguồn vốn để đầu tư, nhưng họ đang tìm những cơ hội xứng đáng”, Jussi Salovaara, nhà đồng sáng lập và quản lý khu vực châu Á của Antler, chia sẻ.

Từ đầu năm 2022, nhóm các cổ phiếu công nghệ đã sụt giảm mạnh trong bối cảnh lãi suất tăng và kết quả kinh doanh không như kỳ vọng.

Các startup ở Đông Nam Á phần lớn vẫn chưa có lãi. Những cái tên nổi bật như Sea Limited hay Grab đang phải gồng lỗ tới hàng tỉ USD mỗi năm.

Không chỉ vậy, các công ty công nghệ Đông Nam Á cũng chứng kiến giá trị sụt giảm mạnh kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Sea Limied – công ty mẹ của Shopee – đã giảm hơn 200 tỉ USD giá trị vốn hóa thị trường so với cuối năm 2021 khi niêm yết trên sàn NYSE, hiện được định giá ở mức 30 tỉ USD.

Mức định giá của GoTo – chủ sở hữu Gojek – cũng đã giảm hơn 75% (hiện ở mức 28 tỉ USD) sau khi lên sàn ở Jakarta vào tháng 4/2022, trong khi đó, Grab cũng mất 69% giá trị vốn hóa so với mức định giá ban đầu khoảng 40 tỉ USD kể từ khi ra mắt vào tháng 12/2021.

“Các nhà đầu tư đang dành nhiều thời gian và vốn nhất có thể để hỗ trợ các công ty nâng cao hiệu quả sử dụng vốn”, Tan của Insignia cho biết.

“Không phải chúng tôi không quan tâm đến khả năng sinh lời. Nhưng hầu như không có startup nào hoạt động có lãi trong 5 năm đầu tiên. Họ không cần phải có lãi ngay, miễn là họ biết sử dụng vốn hiệu quả và duy trì kinh tế vững mạnh”, nhà đồng sáng lập JWC Ventures nhấn mạnh./.

Nguồn tham khảo: CNBC